“Lộc trời” trăm tỷ nguy cơ chết khô, các bên vẫn mải tranh cãi phương án chia tiền

(PLO) -Mới khai thác một phần cây sưa, người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đã bán được mấy chục tỉ. 7 năm nay số tiền này chưa chia được, thì đã phát sinh chuyện nếu không bán nốt, “cụ” cây “lộc trời” này có nguy cơ chết khô thành củi.
Cây sưa cao khoảng 8m, đường kính hơn 1m, thân chia làm hai nhánh lớn. Năm 2010, một nhánh chính của cây bị chặt bán.
Cây sưa cao khoảng 8m, đường kính hơn 1m, thân chia làm hai nhánh lớn. Năm 2010, một nhánh chính của cây bị chặt bán.

1. Khuôn viên chùa thôn Phụ Chính có cây sưa loại Huê mộc vàng, độ tuổi khoảng 127- 132 năm, thuộc nhóm gỗ quý hiếm. Thời điểm năm 2010 gỗ sưa “sốt”, trên thị trường giá được cho là lên tới 30-50 triệu đồng/kg. Người ta cho rằng từng có thương lái về làng ngã giá hơn 100 tỷ đồng nhưng dân làng chưa bán.

Sau đó nhiều ý kiến đề xuất khai thác một nhánh và vài cành cây lấy tiền xây dựng các công trình phúc lợi ở địa phương. Người dân nhóm họp, bầu ra ban quản lý, khai thác gỗ sưa do trưởng thôn làm trưởng ban.

Dân làng làm đơn đề nghị xã cho phép khai thác một số cành sưa có nguy cơ gãy đổ mùa mưa bão. Sau đó người dân đến chùa cưa hạ gỗ. Đến ngày 16/10/2010, trưởng thôn cùng đại diện hội người cao tuổi thôn ký hợp đồng bán toàn bộ 2,506m3 gỗ sưa khai thác được cho ông Dương Văn Thái (quê Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ. Dân làng chia thành 11 sổ tiết kiệm, đứng tên 5 cá nhân đem gửi ngân hàng.

Khi bị chặt, một bên thân không được xử lý tốt nên sâu bệnh phát triển khiến cây chết mòn. Trên mặt cắt có một lỗ rỗng sâu 1,4 m xuống tận gốc.
Khi bị chặt, một bên thân không được xử lý tốt nên sâu bệnh phát triển khiến cây chết mòn. Trên mặt cắt có một lỗ rỗng sâu 1,4 m xuống tận gốc. 

Mười ngày sau, người mua trả hết tiền, vận chuyển gỗ về. Công an chặn lại kiểm tra, lập biên bản tạm giữ toàn bộ số gỗ để điều tra làm rõ. 

Công an sau đó kết luận cho rằng cây sưa thuộc loài gỗ quý hiếm, có giá trị đặc biệt lớn và là tài sản công cộng. Trong khi đó thôn Phụ Chính không phải đơn vị hành chính nên không có quyền thực hiện giao dịch dân sự mua bán gỗ sưa. Việc mua bán, khai thác cần được UBND xã và tổ chức đấu giá theo quy định. CQĐT nhận định việc làm của phó chủ tịch xã, trưởng thôn bấy giờ, kiểm lâm cùng có lỗi, xác nhận sai lý lịch gỗ.

Tuy nhiên CQĐT xét thấy việc mua bán khai thác, làm thủ tục cho vận chuyển gỗ nhằm mục đích thu lợi cho thôn. Trong vụ việc chưa cá nhân nào hưởng lợi nên chưa đến mức phải xử lý hình sự. Đồng thời để ổn định tình hình địa phương, 2m3 gỗ sau đó được bàn giao cho UBND huyện bán đấu giá theo quy định, thu được 31,1 tỷ đồng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản của UBND xã dùng đầu tư các công trình phúc lợi của thôn Phụ Chính.

Trên thân cây xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp chất lượng gỗ.
Trên thân cây xuất hiện nhiều dấu hiệu xuống cấp chất lượng gỗ.

Về số tiền 20,5 tỷ đồng ông Thái bỏ ra mua gỗ nay đang gửi tại ngân hàng, người mua có đơn xin lại tài sản. CQĐT quyết định giải tỏa toàn bộ số tiền phong tỏa để trả lại cho ông này, đồng thời đề nghị những người đứng tên trên sổ tiết kiệm phối hợp bàn giao lại gốc và lãi cho CQĐT để công an làm thủ tục trả lại cho ông Thái.

2. Sự việc tưởng chừng đã được giải quyết, nhưng rắc rối từ ngày đó vẫn triền miên. Nguyên nhân là chuyện cấp trên chỉ đạo, dân thôn Phụ Chính được quyền chi tiêu 31 tỉ đồng bán đấu giá gỗ sưa dưới sự quản lý của UBND xã. Chính quyền giải thích, xã chỉ “giữ hộ”, khi nào thôn cần chi tiêu, xã sẽ giải ngân.

Trong khi đó người dân lại muốn nhận khoản tiền đã bán gỗ cho ông Thái. Số tiền này cả gốc lẫn lãi đến nay trên dưới 34 tỷ đồng. Dân làng lập luận họ muốn tự quyền chi tiêu tiền bán gỗ sưa, không muốn mỗi lần cần chi tiền lại làm đơn xin phép xã vừa rườm rà thủ tục lại mất nhiều thời gian. Người dân giải thích lý do cây sưa là tài sản của thôn nên dân làng có quyền định đoạt, sử dụng tài sản của mình. 

Người dân thôn Phụ Chính thiết kế "áo giáp" cho cây, cử người thay phiên trông giữ.
Người dân thôn Phụ Chính thiết kế "áo giáp" cho cây, cử người thay phiên trông giữ.

Dân làng không hợp tác với CQĐT trong việc giải quyết số tiền bán sưa đang gửi ở ngân hàng. Mâu thuẫn tiếp tục phát sinh khi ông Thái đề nghị nhận lại cả gốc lẫn lãi, còn dân làng lí lẽ rằng nếu họ không đem tiền gửi ngân hàng thì sẽ không có tiền lãi và đề nghị phân chia tiền lãi.

Năm bậc cao niên giữ sổ tiết kiệm nay chỉ còn lại ba người, một người bị tai biến. Trưởng thôn đã nhiều lần giải thích, vận động người dân thống nhất phương án trả lại số tiền cho ông Thái nhưng chưa được. Các cụ giữ sổ không chịu trả, chính quyền chưa tìm ra giải pháp.

Theo lời trưởng thôn Phụ Chính, mấu chốt sự việc nằm ở chỗ quản lý, sử dụng nguồn tiền. Trong khi dân muốn được quyền bán cây, được quyền tự do sử dụng tiền bán cây thì chính quyền yêu cầu phải đấu giá, tiền thu được giao về xã quản lý. Có người nhìn nhận, việc thôn mặc dù thống nhất tạm thời sử dụng tiền bán gỗ xây chùa, nhưng chưa chịu hoàn tiền cho người mua, có thể nhằm ra “điều kiện” với chính quyền giao cho thôn quyền tự bán cây, quyền sử dụng tiền.

Người dân thôn Phụ Chính thiết kế "áo giáp" cho cây, cử người thay phiên trông giữ.
Người dân thôn Phụ Chính thiết kế "áo giáp" cho cây, cử người thay phiên trông giữ.

Quản lý, sử dụng nguồn tiền khai thác gỗ sưa ở chùa Phụ Chính sao cho “thấu tình đạt lý” vẫn là bài toán khó. Đáng tiếc rằng trong khi các cấp chính quyền và người dân mải lo tranh luận chuyện bán cây thì “khối vàng ròng lộ thiên” đang chết dần chết mòn từng ngày. Theo quan sát, do vết cưa từ năm 2010 nên phần gốc cây sưa đang có dấu hiệu khô, mục dần:

“Nếu như vào thời điểm năm 2010 giá gỗ sưa 30 - 50 triệu đồng/kg, cây sưa ước tính trên dưới 100 tỷ đồng, trừ đi phần đã khai thác còn lại 60-70 tỷ đồng thì nay giá gỗ sưa chỉ khoảng 10 triệu đồng/kg, phần cây còn lại ước tính 20 - 30 tỷ đồng. Nếu cứ mải lo tranh cãi thế này, e rằng cây gỗ trăm tỷ thành củi khô mất”, trưởng thôn thở dài.

Đọc thêm