Long An: Bị buộc nhường đất cho dự án kinh tế với “giá bèo”, người dân kêu cứu

(PLO) - Người dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án khu công nghiệp và khu cảng ở xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đang kêu cứu vì cho rằng mức giá bồi thường đất lúa thấp so với giá thị trường. Số tiền bồi thường không đảm bảo cho việc mua đất tái sản xuất, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Văn Tùng trên phần đất đã bị cưỡng chế, đang được bơm cát san lấp mặt bằng
Ông Nguyễn Văn Tùng trên phần đất đã bị cưỡng chế, đang được bơm cát san lấp mặt bằng

Bức xúc vì cho rằng giá bồi thường thấp

Ông Nguyễn Văn Tùng (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) trình bày, năm 2007, UBND huyện Cần Giuộc ban hành quyết định thu hồi của gia đình ông tổng cộng 42.186m2 đất nông nghiệp với 9 thửa đất, thuộc tờ bản đồ số 2, xã Tân Tập.

Đây là phần đất mà mà ông nội ông Tùng canh tác từ trước giải phóng 1975. Sau này ông nội lập di chúc để lại cho ông và năm 2004, ông đã được UBND huyện Cần Giuộc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Thời điểm năm 2007, mức giá bồi thường mà UBND huyện Cần Giuộc đưa ra là 25.000 đồng/m2. Cho rằng mức giá thấp, ông Tùng khiếu nại và đến giai đoạn 2008 - 2009, mức bồi thường đất được nâng lên 50.000 đồng/m2.

Thời điểm đó, ông Tùng và các hộ dân đồng thuận với mức giá bồi thường này, tuy nhiên khi đến Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Cần Giuộc để nhận tiền thì lại không được giải quyết. Cán bộ của đơn vị này trả lời mập mờ và theo các hộ dân, chỉ có một số trường hợp được nhận tiền bồi thường.

Ông Tùng cho rằng, mức giá bồi thường tại thời điểm năm 2008 là hợp lý bởi chênh lệch ít so với giá đất lúa trên thị trường. Với số tiền bồi thường nhận được, ông có thể đi các vùng lân cận mua đất nông nghiệp để tái sản xuất, ổn định cuộc sống.

Đến cuối năm 2017, UBND huyện Cần Giuộc điều chỉnh mức giá bồi thường lên 160.000 đồng/m2.  Tuy nhiên ở thời điểm trên, mức giá này thấp hơn nhiều giá đất nông nghiệp trên thị trường, vốn đã lên đến tiền triệu mỗi m2. Ông Tùng từ chối nhận tiền bồi thường với lý do đơn giản, số tiền bồi thường chẳng thể mua lại đất để sản xuất.

Ngoài ra, ông Tùng cũng bức xúc về những mâu thuẫn, bất công trong việc hỗ trợ đất nền tái định cư. Như đất đã có quy hoạch, có quyết định thu hồi, ông không thể thực hiện việc tặng cho, chuyển nhượng đất nhưng một số đối tượng lại được cho phép san nhượng đất, tách thửa QSDĐ để hưởng lợi từ việc đền bù, tái định cư.

Khi chưa có sự đồng thuận giữa các bên người dân – chính quyền – doanh nghiệp về mức giá bồi thường, tháng 8/2018, UBND huyện Cần Giuộc ban hành quyết định cưỡng chế đối với ông Tùng. Đến ngày 29/11/2018, ông Tùng bị cưỡng chế thu hồi phần đất diện tích 42.186m2.

“Chính quyền xã và huyện đem lực lượng gần 300 người đến bao vây và 10 phương tiện máy xúc tiến hành phá tài sản trên đất của tôi, gây thiệt hại cho tôi. Trong đó có đầm tôm tôi đang canh tác, rừng dừa nước, cây đước. Đây là chén cơm gia đình tôi”, ông Tùng trình bày.

Thực tế, khi tiến hành cưỡng chế đất, cơ quan chức năng không hề kiểm đếm, lập biên bản về những tài sản trên đất để giao lại cho người dân. Những tài sản như cây cối và 200.000 con tôm giống đưới đầm vốn là những thứ có giá trị của người nông dân đã không được giữ lại.

Một nhà máy thép dự kiến sẽ được xây dựng trên phần đất thu hồi của ông Tùng
Một nhà máy thép dự kiến sẽ được xây dựng trên phần đất thu hồi của ông Tùng

Khóc trên “đất vàng”

Có mặt tại thửa đất của ông Tùng, ông Lê Văn Chuyện (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập), người cũng bị thu hồi hơn 1ha đất cho biết: “Tôi cũng giống như ông Tùng, chưa nhận tiền bồi thường đất vì cái giá bồi thường quá thấp”. Ông Chuyện cho biết thêm, ở đây còn khoảng hai mươi hộ dân chưa nhận tiền bồi thường như ông.

“Năm 2008, khi giá bồi thường là 50.000 đồng/m2, bà con chúng tôi đã đi xin ký nhận tiền bồi thường. Vì giá đất bồi thường và giá đất bên ngoài không chênh lệch bao nhiêu. Nhưng trung tâm phát triển quỹ đất không giải quyết, chỉ giải quyết có vài hộ”, ông Chuyện bức xúc.

Ông Chuyện đặt câu hỏi, giá đất nông nghiệp bình quân tại khu vực xã Tân Tập bây giờ bình quân có thể ở mức tiền triệu/1 m2, thử hỏi người dân được bồi thường giá 160.000 đồng/1 m2 biết phải xoay sở ra sao? Đồng thời ông cũng cho biết sẽ làm đơn yêu cầu cơ quan chức năng xem xét lại mức giá bồi thường.

Một người dân khác có hoàn cảnh tương tự, ông Võ Hồng Thanh (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập) cho biết giá đất bồi thường hiện tại thấp đến mức không thể chấp nhận. Ông Thanh chua chát kể, đất ở đây từng được coi như “đất vàng” khi được quy hoạch làm khu công nghiệp và cảng quốc tế. Thời điểm năm 2006, khi nghe tin về dự án, người dân phấn khởi vì nghĩ rằng sẽ được đền bù xứng đáng, chí ít cũng đủ mua đất tái sản xuất. Nhưng thực tế bây giờ không như họ nghĩ.

Ông Tùng và các hộ dân cho rằng, chủ đầu tư khu công nghiệp tại đây cho thuê, bán đất cho các doanh nhiệp làm nhà máy với giá nhiều triệu đồng/m2, tương xứng với cái gọi là “đất vàng”. Trong khi số tiền họ nhận được để nhường đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án, gồm tiền đền bù cho mỗi m2 đất và tiền hỗ trợ, vẫn còn bèo bọt.

Ngoài nỗi lo về mức giá bồi thường thấp, ông Tùng cho biết, phần đất của ông đang được bơm cát san lấp mặt bằng để xây dựng nhà máy thép quy mô lớn. Việc bơm cát xuyên ngày đêm làm xáo trộn môi trường nước mặt tại khu vực xung quanh khi cát sỏi nằm lại trên đồng, nước phèn chảy xuống sông, hồ.

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, phèn tích tụ ngày một nhiều, đóng lớp váng dày màu vàng khè trên bề mặt, dần dần hủy hoại nguồn lợi thủy hải sản ở sông rạch và các ao nuôi. “Cá tôm, thủy hải sản không thể sống nổi với nước phèn đặc quánh, vàng quạch như thế này”, ông Tùng khốn khổ.

Điều này gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân khi cuộc sống của họ phụ thuộc vào việc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Thực trạng này làm xuất hiện những nỗi lo về ô nhiễm môi trường khi mai này, nhà máy thép với quy mô hàng chục ha mọc lên, đi vào hoạt động.

Thế là cũng ngay trên mảnh đất ấy, mảnh đất 3 đời gia đình ông Tùng khai khẩn tạo lập và gìn giữ, hồi đầu năm đã diễn ra một lễ khởi công công trình nhà máy thép tưng bừng rộn rã, còn bây giờ là hình ảnh những người nông dân thất thần, lo âu khi nghĩ về ngày mai.

Trong câu chuyện này dễ dàng nhận thấy, người nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu tác động lớn nhất khi bị thu hồi đất. Bởi đất đai với họ không đơn thuần là tài sản mà đó là sinh kế, là nguồn sống bền vững mà nếu không còn nữa, cuộc sống về sau có thể đảo lộn hoàn toàn.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, một cán bộ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Cần Giuộc cho biết, dự án khu công nghiệp và khu cảng tại xã Tân Tập có nhiều vấn đề, bị kéo dài và điều chỉnh năm lần bảy lượt, tuy nhiên đi vào những vấn đề cụ thể thì ông không nắm rõ. Đại diện phòng thanh tra huyện thì cho biết mới vừa làm việc với ông Tùng để ghi nhận ý kiến.

Ông Đỗ Hữu Trung – Chánh văn phòng UBND huyện Cần Giuộc cho biết ông Tùng đã gửi đơn đến nhiều cơ quan. UBND huyện đang chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu để có thông tin phản hồi. Khi phóng viên đề cập vấn đề vì sao năm 2008 địa phương không giải quyết việc bồi thường cho người dân, ông Trung nói: “Cái này mình không nắm nên không thể thông tin được”.

Việc san lấp mặt bằng từ bơm cát gây nhiễm phèn cho nguồn nước mặt tại địa phương
Việc san lấp mặt bằng từ bơm cát gây nhiễm phèn cho nguồn nước mặt tại địa phương

Thời gian qua, trước thực trạng giá bồi thường đất nông nghiệp thấp so với giá thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, mức giá bồi thường khi thu hồi đất thấp hay chênh lệch với giá thị trường là vi phạm nguyên tắc định giá đất, được quy định tại điều 112, Luật Đất đai 2013. Đó là định giá đất phải “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã chuyển nhượng”. Ông Đặng Hùng Võ – nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường từng cho rằng, cách bồi thường giá trị đất thấp hơn giá trị thị trường là trái với quy định của Luật Đất đai. Giá trị bồi thường phải phù hợp với giá trị thị trường của bất động sản bị thu hồi.

Đọc thêm