Long An: Đổ lỗi “người ghi biên bản nhầm lẫn” để tước quyền sử dụng đất của dân?

(PLO) -Bà Trần Thị Hoa Lữ (SN 1963, ngụ phường 2, TP. Tân An, tỉnh Long An) là nguyên đơn trong vụ án hành chính “yêu cầu hủy quyết định giải quyết số 3508, ngày 4/11/2014 của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng và Quyết định số 569 của Chủ tịch UBND tỉnh Long An ngày 12/2/2015”. Theo đó, cả UBND huyện Vĩnh Hưng và UBND tỉnh Long An đều bác đơn khiếu nại về việc không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Lữ đối với đất số 748 (thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng).
Bà Lữ cho biết sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm
Bà Lữ cho biết sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm

Nhiều năm khiếu kiện

TAND tỉnh Long An đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, bà Lữ không đồng ý kết quả.

Bà trình bày: Bà và chồng là công nhân viên của Công ty (Cty) Công trình giao thông Long An, thuộc Xí nghiệp cầu đường bộ. Năm 1985, Xí nghiệp có văn bản xin UBND tỉnh Long An 30ha đất sản xuất chuyển sang đất trồng lúa và được chấp nhận.

Sau một thời gian sản xuất không hiệu quả, năm 1993, Xí nghiệp quyết định giao đất cho 6 hộ gia đình, trong đó có bà Lữ và bà Trần Thị Dình. Các hộ này có nghĩa vụ trả lại tiền khai phá cho Xí nghiệp.

Theo bà Lữ, để ổn định cho 6 hộ gia đình trên có điều kiện thuận lợi làm ăn, năm 1995, Cty tiếp tục có văn bản xin UBND huyện Vĩnh Hưng cấp đất thổ cư ngay đầu ruộng cho từng hộ, với diện tích 20 x 80m (1.600 m2)”. Các hộ dân đều làm nhà sinh sống và sản xuất diện tích ruộng lúa đã được giao trước đó.

Năm 1997, bà Dình cho vợ chồng bà Lữ làm lúa trên phần đất ruộng của bà. Bà Lữ dựng chòi trên đất thổ cư mà bà Dình đã được cấp trước đó để tiếp tục sản xuất. Năm 1997, bà Lữ về Tân An sinh con nên giao lại cho người em thứ 8 tiếp tục bám trụ sản xuất trong vòng 2 năm. Tiếp đó, từ năm 1999 – 2000, em thứ 9 của bà tiếp tục sản xuất. 

Trong lúc sản xuất, các em bà Lữ đều sử dụng phần đất thổ cư của bà và của bà Dình làm nhà ở, kho chứa đồ đạc, máy móc phục vụ sản xuất. 

Năm 2001, bà Dình chuyển nhượng lô đất được cấp lại cho bà Lữ, có hợp đồng viết tay. Đến năm 2005, cả hai mới lập hợp đồng chính thức và được UBND xã Vĩnh Bình ký xác nhận.

Sau khi làm giấy sang nhượng viết tay, bà Lữ trực tiếp đưa đơn đến chính quyền, yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) hai lô đất thổ cư và hai lô đất ruộng lúa. Tuy nhiên, chính quyền không chấp nhận cấp đất cho bà Lữ vì cho rằng bà đã có nhà ở TP. Tân An.

Mọi việc rắc rối từ đây. Đối với thửa đất bà Lữ được cấp, bà liên tục khiếu nại. Trong văn bản trả lời khiếu nại năm 2004: “Chỉ cấp cho 5 hộ (tức có hộ bà Dình), còn hộ bà Lữ đã có nhà, không thuộc diện được cấp đất thổ cư”. 

Trong những văn bản họp của các ban ngành của UBND huyện Vĩnh Linh cũng thừa nhận: “Có 5 hộ bám trụ cư ngụ thường xuyên (trong đó có bà Dình) tại xã nên thống nhất cấp GCNQSDĐ cho 5 hộ. Còn đối với phần đất bà Lữ được cấp do không bám trụ cư ngụ, trực tiếp sản xuất nên không cấp”.

Sau nhiều năm khiếu nại, đến năm 2013, UBND huyện mới đồng ý cấp GCNQSDĐ cho bà Lữ về phần đất trên.

Văn bản của Cty Công trình giao thông Long An về việc cấp đất thổ cư cho 6 hộ dân và một trong nhiều văn bản mà UBND huyện Vĩnh Hưng cho rằng do “nhầm lẫn”

 Văn bản của Cty Công trình giao thông Long An về việc cấp đất thổ cư cho 6 hộ dân và một trong nhiều văn bản mà UBND huyện Vĩnh Hưng cho rằng do “nhầm lẫn”


“Nhầm lẫn” khó hiểu

Còn đối với phần đất mua lại của bà Dình, bà Lữ cũng gặp khó khăn trong việc yêu cầu cấp sổ đỏ. Bà cho rằng, trước đó UBND huyện liên tục khẳng định bà Dình thuộc diện được cấp GCNQSDĐ nhưng sau đó lại “quay ngoắt 180 độ”, từ chối cấp. Bà Lữ căn cứ vào những văn bản có nêu nội dung: “5 hộ dân bám trụ nên chấp nhận cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng” để tiếp tục yêu cầu.

Sau nhiều lần bà Lữ khiếu nại, UBND huyện Vĩnh Hưng lại trả lời: “Bà Dình chưa được cấp GCNQSDĐ mà đi chuyển nhượng cho bà Lữ là trái quy định pháp luật. Mặc khác, bà Dình không có hộ khẩu ở xã Vĩnh Bình, không trực tiếp bám trụ sản xuất (năm 2005, chính UBND huyện lại cho rằng bà Dình là 1 trong 5 hộ bám trụ, cư ngụ thường xuyên) nên UBND huyện không chấp nhận cấp GCNQSDĐ thổ cư cho bà Lữ hay bà Dình”.

Bà Lữ cho biết: “Bà Dình không sử dụng nhưng thời gian đầu là do tôi sử dụng, quản lý. Kể từ năm 2001, bà Dình sang nhượng cho tôi thì tôi trực tiếp sử dụng, không hề bỏ trống ngày nào. Cụ thể, năm 2005, 2006, tôi nộp thuế phần đất đã mua lại của bà Dình. Như vậy, tại sao lại nói là không quản lý, không sử dụng”. 

Tuy nhiên, UBND huyện lại cho rằng việc thu thuế này là sai nên yêu cầu xử lý cán bộ thu thuế.

Bà Lữ tiếp tục khiếu nại, đến năm 2014, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng bác đơn khiếu nại và không chấp nhận cấp GCNQSDĐ. Sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh Long An tuyên bác đơn khiếu nại của bà Lữ.

Bà Lữ khởi kiện ra TAND tỉnh Long An. Tại tòa, đại diện UBND huyện cho rằng những văn bản có nội dung: “Có 5 hộ trực tiếp bám trụ và cư ngụ thường xuyên (trong đó có bà Dình) là do tham mưu nói nhầm, thư ký ghi biên bản “nhầm lẫn”. Ngay cả văn bản do chính người đại diện này ký và người này lý giải “có thể nhầm lẫn”.

TAND tỉnh Long An cho rằng không có căn cứ thể hiện bà Dình bám trụ, sử dụng phần đất thổ cư nói trên và bà Dình chưa lần nào đi đăng ký quyền sử dụng đất. Vì thế, TAND Long An bác đơn khởi kiện của bà Lữ. Bà cho biết sẽ kháng cáo.

Bà Lữ thắc mắc: “Sao lại nhầm lẫn, xã nhầm lẫn thì còn huyện, còn tỉnh. Một cá nhân nhầm lẫn thì còn tập thể. Vậy mà, từ xã đến tỉnh đều nhầm lẫn về việc xác định có 4 hay 5 hộ bám trụ ở đất đó”. 

Bà cũng cho rằng: “Họ không nhầm lẫn mà họ cho rằng tôi sở hữu nhiều đất nên ghét và không cấp, thu hồi. Chính trưởng phòng tài nguyên đã từng đề cập đến vấn đề chia cho ông ta một nửa, ông ta sẽ cấp giấy cho nhưng tôi không đồng ý”. 

Đọc thêm