Long An: Người phụ nữ cơ cực nhiều lần gửi đơn xin cứu xét nhưng không được

(PLO) - Cực chẳng đã, vì cuộc sống khó khăn, người phụ nữ quyết định xây căn nhà tôn trên đất nông nghiệp để công nhân, người lao động thuê ở tạm qua ngày kiếm kế sinh nhai. Tuy nhiên, sau 16 ngày tiến hành xây dựng thì bị các cơ quan chức năng tiến hành đình chỉ. 
Căn nhà bị cưỡng chế của bà Đ
Căn nhà bị cưỡng chế của bà Đ

Tồn tại vướng mắc pháp lý

Chúng tôi gặp bà T.T.Đ (SN 1952, ngụ ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP.HCM) vào một ngày giữa tháng 3. Lúc chúng tôi đến, cũng là lúc một số người đang tháo dỡ căn nhà mà bà đã tiến hành xây dựng khi chưa có phép. 

Tâm sự với chúng tôi, bà cho biết, sở dĩ bà xây dựng không phép không phải vì bà cố tình mà vì còn một số vướng mắc về vấn đề pháp lý dù đã nhiều năm nhưng chưa được các cơ quan chức năng của nhà nước tiến hành giải quyết. 

Theo nội dung lá đơn xin cứu xét mà bà Đ gửi các cơ quan chức năng, cha, mẹ và các anh chị em trong gia đình bà sống chủ yếu với nghề trồng lúa. Sau năm 1975, cha của bà là ông Tô Văn Hiệu được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số A77058. Đến đầu năm 2005, phần đất này bị nhà nước thu hồi để làm dự án Đại lộ Đông – Tây và tiêu thoát nước sạch. 

Đến năm 2009, cha của bà Đ mất, không kịp lập di chúc để phân chia tài sản cho con cháu. Chính vì vậy, do các thành viên không thống nhất việc phân chia phần đất nên vụ việc phải đưa ra tòa án nhân dân TP Hồ Chính Minh giải quyết.

“Tòa thụ lý hồ sơ chúng tôi ngày 12/11/2013 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, bà Đ trình bày. 

Theo bà Đ, vì lý do đó nên bà chưa thể tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 3 mảnh đất với tổng diện tích là 1.758 m2  mà cha bà đã đồng ý “ủy quyền” sử dụng cho bà từ năm 1999. 

“Từ năm 1999 tôi ra ở riêng trên phần đất mà cha tôi cho và trồng lúa sinh sống. Nhưng từ năm 2000 trở về sau, nguồn nước bị ô nhiễm không trồng lúa được nên tôi chuyển sang làm vườn”, bà Đ kể. 

Cũng theo bà Đ, do làm vườn không đủ sống nên bà đã quyết định chuyển sang hướng khác để mưu sinh. 

Năm 2011, bà bà làm hồ sơ gửi phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh xin cung cấp thông tin về Quy hoạch vị trí thửa đất số 698 tờ bản đồ số 03 thuộc bản đồ địa chính xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh thì biết được thông tin “vị trí khu đất thuộc quy hoạch là đất dân cư đô thị và các khu chức năng đô thị phát triển mới”. 

Bà cho biết, vì nghĩ là vị trí thửa đất nằm trong khu được phép xây dựng nhà ở nên dù chưa thể xin được giấy phép xây dựng bà cũng quyết định xây căn nhà tole (tôn) cho công nhân và người làm thuê ở tạm để mưu sinh. 

Công trình được khởi công vào ngày 10/6/2013 thì đến ngày 26/6/2013 UBND xã Tân Kiên lập biên bản đình chỉ và đến ngày 31/10/2013 thì UBND xã Tân Kiên ra quyết định cưỡng chế công trình nói trên. 

Xây nhà do không còn cách nào khác?

Không đồng tình với quyết định trên, sau đó bà Đ đã làm đơn kiện quyết định  cưỡng chế của UBND xã Tân Kiên lên Tòa án nhân dân huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, ngày 28/7/2015, tại phiên tòa xét xử, tòa án nhân dân huyện Bình Chánh đã bác yêu cầu khởi kiện của bà Đầm. 

Bà Đ cho biết, để xây được căn nhà trên, bà phải vay mượn thêm rất nhiều. Chính vì vậy, cuộc sống khó khăn càng thêm khó khăn. Bà cũng đã nhận thức được việc mình xây nhà không phép là sai trái, mặc dù vậy không còn cách nào khác bà đã làm hàng chục lá đơn xin cứu xét gửi các đến nhiều cơ quan chức năng xin cho căn nhà được phép tồn tại, để bà có kế sinh nhai, kiếm sống, tuy nhiên không được chấp nhận. 

Vì vậy, mới đây, ngày 14/3/2018, UBND xã Tân Kiên tiếp tục ra văn bản thông báo cho bà Đ về thời gian tự nguyện thực hiện tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Thời gian tự nguyện thực hiện đến hết ngày 20/3/2018. Ngày 16/3/2018, bà đã bắt đầu tự nguyện tháo dỡ. 

Kể về hoàn cảnh của mình, bà Đ cho biết, bà không có chồng con, sống độc thân một mình. Trước đó, bà từng có khoảng thời gian công tác xã hội tại địa phương. Hiện bà tuổi đã cao, sức yếu, chỉ mong có nguồn thu nhập ổn định lúc tuổi già không nơi nương tựa.

“Tôi tuổi cao sức yếu, về già không có công việc, không có con cháu, bất đắc dĩ mới xây căn nhà lên để cho thuê kiếm sống qua ngày. Tôi chỉ mong được các cơ quan nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ cho tôi về già có được đồng ra đồng vào lúc ốm đau”, bà Đ dãi bày. 

Thẩm quyền cưỡng chế công trình xây dựng sai phạm

Theo quy định của Điểm  d Khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2014/TT-BXD quy định:

Đối với công trình xây dựng thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Xây dựng thì người có thẩm quyền xử phạt gửi hồ sơ đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để ban hành quyết định cưỡng chế. Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.

Như vậy, cần xác định 2 trường hợp sau:

+ Nếu công trình bị buộc tháo dỡ thuộc diện phải cấp phép và thẩm quyền cấp phép thuộc về Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc sở xây dựng nhưng lại xây dựng không phép thì trong trường hợp này người có thẩm quyền phải gửi hồ sơ đến chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện để ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ.

+ Nếu không trình bị tháo dỡ không không do Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Sở Xây dựng cấp phép xây dựng thì thẩm quyền thuộc tháo dỡ công trình thuộc về ủy ban nhân dân cấp xã.

Đọc thêm