Long Biên (Hà Nội): Thu hồi đất liệu đã đúng quy trình?

(PLO) - Để chỉnh trang tuyến đường Ngọc Lâm (quận Long Biên), UBND TP Hà Nội thu hồi đất của người dân, trong đó có 13m2 đất mà hộ ông Nguyễn Đình Phóng đang sử dụng tại địa chỉ số 57 đường Ngọc Lâm.

Tuy nhiên, sự “ngược đời” trong quy trình thu hồi và cưỡng chế thu hồi đất cùng với việc giải quyết khiếu nại thiếu dứt khoát đã khiến ông Phóng có nhà mà không thể ở, phải đi ở nhờ và chạy theo khiếu kiện các cơ quan hữu quan suốt hơn 5 năm nay.

Ngôi nhà bị cưỡng chế đang “vá chằng vá đụp” của gia đình ông Phóng
Ngôi nhà bị cưỡng chế đang “vá chằng vá đụp” của gia đình ông Phóng

Thu hồi không đúng quy trình?

Theo trình bày của ông Phóng, ngôi nhà 4 tầng tại địa chỉ nói trên có tổng diện tích đất hơn 48,4m2, có nguồn gốc đất của Công ty Vật liệu điện và Dụng cụ cơ khí (Bộ Thương mại, nay là Bộ Công Thương). 

Ngày 2/7/2010, UBND quận Long Biên có Quyết định số 2975/QĐ thu hồi 13m2 đất của nhà ông Nguyễn Đình Phóng nhằm chỉnh trang tuyến đường Ngọc Lâm. Gia đình ông Phóng không đồng ý thực hiện Quyết định này bởi cho rằng cơ quan chức năng thu hồi đất không đúng quy trình.

Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành (cụ thể là khoản 2 Điều 31 Nghị định 181/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành  Luật Đất đai), để thu hồi đất thực hiện dự án, TP phải có quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất và căn cứ vào quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất của UBND TP, UBND quận mới ban hành quyết định thu hồi đối với diện tích đất cụ thể của hộ gia đình, cá nhân.

Trong khi đó, ở trường hợp này, tại thời điểm UBND quận Long Biên ra quyết định thu hồi đất nói trên, liên quan đến dự án này, mới chỉ có Quyết định số 450/QĐ-UBND (ngày 27/1/2010) phê duyệt Dự án chỉnh trang tuyến đường Ngọc Lâm. Tới tận ngày 18/1/2012, UBND TP Hà Nội mới có Quyết định số 405/QĐ-UBND thu hồi 388,62m2 đất giao cho UBND quận Long Biên chỉnh trang tuyến đường Ngọc Lâm. 

Vì thế, theo ông Phóng, do quyết định “con” thu hồi đất hộ nhà ông có trước quyết định “cha” thu hồi toàn bộ diện tích đất chỉnh trang dự án nên cả Quyết định thu hồi đất, Quyết định đền bù số 3249/QĐ ngày 14/7/2010 và Quyết định đền bù số 5550 ngày 28/9/2010 đối với gia đình ông là trái pháp luật, phải bị thu hồi.

Tương tự, cả Quyết định cưỡng chế số 170/QĐ (ngày 6/12/2010) và Quyết định cưỡng chế số 55/QĐ (ngày 10/4/2012) của UBND quận Long Biên cũng là sai quy trình. 

Giải quyết không triệt để

Ngay sau khi có quyết định thu hồi đất đối với hộ gia đình mà chưa có quyết định thu hồi đất chung toàn bộ dự án, ông Phóng đã khiếu nại cơ quan chức năng. Năm 2011, trả lời khiếu nại của ông, UBND quận Long Biên chỉ chú trọng tới việc trả lời phương án bồi thường, hỗ trợ mà không đề cập tới “gốc” của vấn đề là quy trình chưa phù hợp.

Chính vì thế, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hộ gia đình ông Phóng ngoài việc tranh cãi tính hợp pháp của diện tích đất bị thu hồi, sự phù hợp của mức giá đền bù..., còn không “tâm phục, khẩu phục” vì thấy  cơ quan hữu quan các cấp chẳng mấy bận tâm về việc sai quy trình của mình.

“Quận ra quyết định giải quyết khiếu nại, sau đó TP lại ra quyết định đồng ý với quyết định của quận. Luật đã quy định rõ ràng như thế rồi, hay dự án này có “đặc thù”, “ngoại lệ”? Đã thế, tại sao khi ra quyết định thu hồi, đền bù, cưỡng chế... xong lại còn ra quyết định thu hồi đất chung của toàn bộ dự án?” – ông Phóng bày tỏ.

Trên “con đường” khiếu nại suốt mấy năm qua, càng đi ông Phóng càng thấy ngỡ ngàng vì bất chấp ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Thành ủy, UBND TP Hà Nội..., vụ việc nhà ông đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Trình ra một tập phiếu chuyển, trả lời đơn thư của các cơ quan chức năng, ông Phóng phàn nàn: “Thời điểm cưỡng chế, đoàn cưỡng chế đã phá dỡ nhà tôi cả phần ngoài diện tích cưỡng chế, làm hư hỏng nhà, mất mát tài sản hàng trăm triệu đồng khiến nhà tôi hoàn toàn không thể sử dụng được, giờ người này đẩy người kia, không ai chịu trách nhiệm. Cả nhà tôi phải đi thuê nhà để ở. Lúc này tôi chỉ mong các cơ quan hữu trách Hà Nội có câu trả lời dứt điểm, hợp lý, hợp tình về vấn đề này”.

Thiết nghĩ, chỉnh trang đường phố là việc phải làm trong quá trình phát triển và quản lý đô thị. Tuy nhiên, việc này phải được làm đúng, chuẩn theo các quy định pháp luật, đạt được mục tiêu phát triển đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Hiện, ngôi nhà bị cưỡng chế phá vỡ lem nhem vẫn đang là một “vết nhọ” trên đường Ngọc Lâm. Vì thế, rất mong cơ quan hữu trách của Hà Nội sớm giải quyết dứt điểm khiếu nại của ông Phóng, đảm bảo quyền lợi của gia đình ông và để việc chỉnh trang đường Ngọc Lâm được trọn vẹn, tránh khiếu nại kéo dài.

Đọc thêm