Long đong Dự án Nhà máy nước Hòa Liên

(PLO) - Nhiều ngày qua, cả ngàn hộ dân khu vực trung tâm các quận Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều người dân bức xúc cho rằng, ngoài nguyên nhân khách quan thì tình trạng thiếu nước trên là do lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ đã bất nhất về quan điểm triển khai dự án Nhà máy nước Hòa Liên.
Việc thiếu nước thời gian qua khiến nhiều người dân Đà Nẵng khốn đốn
Việc thiếu nước thời gian qua khiến nhiều người dân Đà Nẵng khốn đốn

Thiếu nước do có việc dân “tích trữ”?

Từ đầu tháng 6 đến nay, người dân nhiều khu vực trên địa bàn TP Đà Nẵng lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt dù đang giữa mùa mưa. Lý giải về việc này, ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Cty CP cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết, nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ đã bị nhiễm mặn và đây là nguyên nhân khách quan.

Trước sự việc trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt  Dũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, báo cáo tình hình và đề xuất giải pháp; xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, vận hành hệ thống cấp nước sạch dẫn đến xảy ra tình trạng thiếu nước; chấn chỉnh và đề xuất xử lý trách nhiệm (nếu có); Dawaco báo cáo cụ thể tình hình hoạt động, vốn, nhân sự chủ chốt và sản xuất kinh doanh từ sau cổ phần hóa đến nay.

Ngày 14/11, Sở TN&MT Đà Nẵng đã công bố những nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua. Cụ thể: diễn biến độ mặn trên sông Cầu Đỏ từ ngày 4-7/11, thường xuyên duy trì ở mức cao >1000mg/l, đỉnh điểm độ mặn đạt đến 4.374mg/l vào lúc 20h00 ngày 5/11. Tình trạng thiếu nước gay gắt nhất trên địa bàn TP là do không thể khai thác nguồn nước ngay tại Cầu Đỏ để hòa trộn với nước bơm tại An Trạch.

Nước sông trạm bơm An Trạch từ ngày 31/10- 9/11 luôn duy trì trung bình đạt 1,8-1,9m. Đây là mực nước đảm bảo để Dawaco bơm nước thô từ An Trạch về xử lý tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Theo Dawaco, nếu vận hành đồng thời 4 bơm của Trạm bơm An Trạch thì tổng công suất khoảng từ 196.000m3/ngày đêm đến 217.000m3/ngày đêm. Ngoài ra, tuyến ống truyền tải nước thô từ trạm bơm An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ được thiết kế cho công suất 210.000m3/ngày đêm. Nếu vận hành quá tải trong thời gian lâu dài có thể ảnh hưởng đến an toàn của tuyến ống này.

Vì vậy, mặc dù lượng nước thô tại đập dâng An Trạch trong thời gian qua đáp ứng thừa so với nhu cầu 270.000m3/ngày đêm của TP Đà Nẵng, nhưng nếu tuyến ống dẫn nước thô từ An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ không đủ tải, lượng nước từ An Trạch về đến Cầu Đỏ vẫn chỉ có thể đạt 210.000m3/ngày đêm. Lượng nước thiếu hụt so với nhu cầu phải lấy tại Cầu Đỏ trong các thời điểm độ mặn dao động từ 200 - 1000mg/l (pha trộn với nguồn nước bơm về từ An Trạch). 

Diễn biến độ mặn trên sông Cầu Đỏ cho thấy, từ ngày 31/10 đến ngày 3/11 và ngày 08/11- 9/11 phải tiến hành pha trộn nguồn nước thô tại An Trạch và Cầu Đỏ để đảm bảo đủ lượng nước cấp cần thiết. Các ngày 4- 7/11 là thời đoạn độ mặn tại Cầu Đỏ thường xuyên duy trì ở mức cao >1000mg/l. 

Với thời điểm thiếu nước gay gắt này, Dawaco cũng đang khai thác nước tại các suối Lương, suối Đá, suối Tình với tổng lưu lượng được cấp phép khai thác tối đa 17.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên, với diễn biến thiếu hụt lượng mưa nghiêm trọng ngay trong mùa mưa dẫn đến các nhà máy trên không thể vận hành tối đa theo giấy phép.

Báo cáo của Dawaco cho biết, mặc dù đang trong mùa thấp điểm nhưng nhu cầu dùng nước trên địa bàn TP Đà Nẵng thời gian qua thiếu khoảng 270.000m3/ngày đêm, chứng tỏ có sự gia tăng đột biến nhu cầu dùng nước. Việc người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tích trữ nước tối đa để sử dụng, trước thông tin nguồn nước bị nhiễm mặn gây thiếu nước và Dawaco sẽ tiến hành cắt nước luân phiên… có thể là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến tình trạng thiếu nước xảy ra trên diện rộng trong thời gian qua.

Lãnh đạo bất nhất trong việc xây dựng dự án nhà máy nước

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì việc thiếu nước ngọt của Đà Nẵng, ngoài ảnh hưởng biến đổi khí hậu (thiếu mưa thừa nắng) thì còn có nguyên nhân từ việc  các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện ở thượng nguồn hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn ngăn nước, chặn dòng tự nhiên, không xả về dòng cũ.

Điểm lại có thể thấy, hạn hán sau thủy điện, thiếu nước ngọt vùng hạ lưu bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2009. Cao điểm từng xảy ra từ cuối năm 2010, khi thủy điện Đắk Mi 4 tích nước, phát điện, cắt triệt dòng từ thượng lưu sông Vu Gia, chuyển nước sang dòng Thu Bồn để tận dụng độ cao chênh lệch, tăng lợi nhuận phát điện, đã gây cạn kiện hạ du, thiếu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng. Ngoài ra, sự phát triển “nóng” về du lịch, tăng dân số cơ học do đô thị hóa cũng là nguyên nhân lớn gây thiếu nước ngọt. 

Đáng nói, hiện tại, trong khi nhu cầu nước sinh hoạt tại Đà Nẵng được dự báo trên 300.000m3/ngày đêm thì năng lực cấp nước hiện tại chỉ đạt khoảng 1/3 nhu cầu. Từ nhiều năm trước Đà Nẵng đã có hàng loạt phương án dự phòng, tăng cường nguồn cấp nước, trong đó có việc đầu tư, xây dựng mới Nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000 m3/ngày đêm.

Từ năm 2013, dự án này được đề xuất thực hiện theo hình thức PPP, với kế hoạch do tư vấn Nhật Bản lập, tổng đầu tư gần 4.500 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA. Dự án đang tiến triển tốt thì đến năm 2016, khi thành phố có lãnh đạo mới, phương án trên bị tạm hoãn, dừng và sau đó là việc từ chối nguồn vốn ODA vì cho rằng nguồn đầu tư lớn, thời gian kéo dài.

Lúc này, lãnh đạo thành phố đề ra phương án “tự chủ”. Cụ thể, Dawaco đã xây dựng phương án đầu tư bằng nguồn tự có (29%) và vốn vay để đầu tư nhà máy 120.000m3/ngày đêm, dự kiến làm nhanh để cuối năm 2020 là hoàn thành, cấp nước với kinh phí 1.200 tỷ đồng.

Lần này dự án triển khai thần tốc, các bước tư vấn thiết kế, lập quy hoạch chi tiết, lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ TN&MT phê duyệt... Đà Nẵng đã chuẩn bị cả mặt bằng để đặt nhà máy. Thế nhưng, do xuất hiện sự thiếu thống nhất trong nội bộ, dự án lại bị chậm tiến độ.

Cuối năm 2017, số phận dự án lại bị thay đổi khi Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa muốn đấu thầu dự án, kêu gọi đầu tư theo phương thức BOT. Mọi công tác chuẩn bị đầu tư, triển khai dự án Nhà máy cấp nước Hòa Liên trước đây gần như bỏ hết để làm lại từ đầu. Và cho đến nay chưa có quyết định cuối cùng cho số phận Nhà máy nước Hòa Liên.

Với những gì diễn ra, nhiều người dân cho rằng, chính sự chỉ đạo bất nhất trong quan điểm triển khai dự án đã gián tiếp làm kéo dài tiến độ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, gây ra tình trạng thiếu nước như hiện nay.

Đọc thêm