Mộc Châu (Sơn La): Chưa tống đạt quyết định thụ lý vụ án hợp lệ, vẫn xét xử sơ thẩm?

(PLO) - Trước phiên xử phúc thẩm vụ án “Tranh chấp hợp đồng ủy thác xuất khẩu chè giữa Cty CP Xuất nhập khẩu Trà Việt (Cty Trà Việt) với Cty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu (Cty Chè Mộc Châu)” được TAND tỉnh Sơn La xét xử vào 1/12 tới đây, phía bị đơn Cty Chè Mộc Châu bất ngờ tiết lộ: “Thẩm phán Nguyễn Anh Đức của TAND huyện Mộc Châu - chủ tọa phiên tòa sơ thẩm chưa tống đạt hợp lệ quyết định thụ lý vụ án cho phía bị đơn là Cty Chè Mộc Châu nhưng vẫn xét xử vụ án. Đây là vi phạm tố tụng nghiêm trọng, cần phải hủy án sơ thẩm”.
Công nhân Cty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu thu hoạch chè. ảnh MH
Công nhân Cty CP Chè Cờ Đỏ Mộc Châu thu hoạch chè. ảnh MH

Đẩy bị đơn vào tình thế mất quyền phản tố

Theo nội dung vụ việc, ngày 15/4/2016, Cty Chè Mộc Châu ký Hợp đồng ủy thác xuất khẩu số 01 (gọi tắt là HĐ 01) ủy thác cho Cty Trà Việt xuất khẩu 300 tấn chè xanh sơ chế. Thời hạn thực hiện HĐ từ ngày 15/4/2016 đến ngày 31/12/2016. Trong khi hai bên đang thực hiện HĐ, đột nhiên ngày 07/11/2016 Cty Trà Việt khởi kiện Cty Chè Mộc Châu đến TAND huyện Mộc Châu, trong khi phía Cty Chè Mộc Châu vẫn đang nỗ lực thực hiện HĐ và không hề biết việc kiện tụng. 

Ngày 30/11/2016, TAND huyện Mộc Châu đã thụ lý Vụ án số 01/2016/TLST-KDTM mà nguyên đơn là Cty Trà Việt, bị đơn là Cty Chè Mộc Châu mà không hề tống đạt hợp lệ quyết định thụ lý vụ án đến Cty Chè Mộc Châu. “Mãi đến khi chúng tôi nhận giấy mời đến TAND huyện Mộc Châu làm việc với tư cách bị đơn trong vụ kiện mới “té ngửa”. Tôi có chất vấn Thẩm phán Nguyễn Anh Đức quyết định thụ lý vụ án đâu, sao không tống đạt hợp lệ cho chúng tôi nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Tìm hiểu chúng tôi mới biết Cty Trà Việt khởi kiện ngày 7/11/2016 và TAND huyện Mộc Châu thụ lý vụ án vào ngày 30/11/2016…”- ông Lê Kim Huynh, đại diện phía Cty Chè Mộc Châu trình bày.   

Với việc “quên” tống đạt quyết định thụ lý vụ án, TAND huyện Mộc Châu đã bỏ qua hàng loạt quy định của pháp luật để thụ lý và xét xử cho bằng được vụ án có lợi cho Cty Trà Việt, vi phạm nghiêm trọng các Điều 4, Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 11 Luật Thương mại, và các Điều 196 và Điều 200 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Việc không tống đạt quyết định thụ lý vụ án đã làm mất quyền có ý kiến của Cty Chè Mộc Châu về việc Tòa án thụ lý đơn khởi kiện, cũng như làm mất quyền phản tố của Cty Chè Mộc Châu.

Đại diện Cty Chè Mộc Châu trình bày, trong vụ án này Cty Trà Việt cũng không chứng minh được quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm như thế nào, cũng không chứng minh được thiệt hại phát sinh từ thời điểm nào vì thời hạn thực hiện HĐ vẫn còn gần 02 tháng, thiệt hại cũng chưa xảy ra. Các bên hoàn toàn có thể tiếp tục thực hiện HĐ. Theo Cty Chè Mộc Châu, điều này có nghĩa là thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự chưa bắt đầu, chưa phát sinh quyền khởi kiện đối với Cty Trà Việt, việc TAND huyện Mộc Châu thụ lý giải quyết vụ án là vi phạm này quy định tại khoản 1 Điều 159 Bộ luật Dân sự 2005.

Tòa sơ thẩm cố tình xác định “nhầm” quan hệ pháp luật

Diễn biến khách quan của vụ tranh chấp thể hiện: đây là vụ tranh chấp HĐ ủy thác xuất khẩu hàng hóa (chứ không phải HĐ mua bán); vậy nên Cty Trà Việt khởi kiện Cty Chè Mộc Châu là khởi kiện tranh chấp HĐ ủy thác xuất khẩu. Giá trị của HĐ ủy thác xuất khẩu mà hai bên ký ngày 15/4/2016 chỉ trị giá 1,5% giá trị lô hàng 14,1 tỷ đồng (tương đương 211,5 triệu đồng) chứ không phải là 14,1 tỷ đồng như TAND huyện Mộc Châu đã “bé cái nhầm”. 

“Tại phiên tòa sơ thẩm chúng tôi đã trình bày rõ ràng tất cả các vấn đề này nhưng có vẻ như TAND huyện Mộc Châu vẫn cố tình “nhầm lẫn”, tuyên chúng tôi chịu phạt 8% giá trị HĐ mua bán số tiền lên tới 976,2 triệu đồng. Như vậy TAND huyện Mộc Châu đã xác định sai quan hệ pháp luật bị tranh chấp, đây là sai lầm nghiêm trọng”- đơn kêu cứu của Cty Chè Mộc Châu khẳng định.

Bên cạnh đó, việc TAND huyện Mộc Châu thụ lý vụ án để xét xử sơ thẩm còn không đúng thẩm quyền xét xử vì trước đó hai bên thỏa thuận lựa chọn tòa án giải quyết tranh chấp là Tòa Kinh tế TAND TP Hà Nội. Tại khoản 10.2 Điều 10 của HĐ 01 thể hiện khi ký kết HĐ, Cty Chè Mộc Châu và Cty Trà Việt đã thỏa thuận rõ: “Khi một hoặc cả hai bên có những vi phạm trong quá trình thực hiện HĐ thì hai bên phải chủ động thương lượng giải quyết. Nếu thương lượng giải quyết không dẫn đến thỏa thuận được thì khởi kiện ra Tòa án Kinh tế thuộc TAND TP Hà Nội để giải quyết theo pháp luật”. Tuy nhiên, khi tranh chấp xảy ra, người có trách nhiệm của hai bên chưa có bất kỳ buổi làm việc nào với nhau, cũng không có văn bản, tài liệu nào thể hiện giữa hai bên đã tiến hành việc hòa giải thì phía Cty Trà Việt lại khởi kiện Cty chè Mộc Châu ra TAND huyện Mộc Châu. Và điều bất ngờ là TAND huyện Mộc Châu vẫn thụ lý vụ án mà bỏ qua thỏa thuận hợp pháp của đương sự về việc lựa chọn TAND TP Hà Nội để giải quyết tranh chấp. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định tại Điều 4 Bộ luật Dân sự 2005 và Điều 11 Luật Thương mại.

Mặc dù căn cứ khởi kiện của phía nguyên đơn rất yếu nhưng bản án sơ thẩm ngày 23/5/2017 của TAND huyện Mộc Châu vẫn cố tình xác định “nhầm” quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng mua bán và tuyên Cty Trà Việt thắng kiện, buộc Cty Chè Mộc Châu phải chịu phạt 8% giá trị HĐ mua bán với số tiền lên tới 976,2 triệu đồng. Điều này gây thiệt hại nghiêm trọng cho phía Cty Chè Mộc Châu. Sau khi tòa tuyên án, Cty Chè Mộc Châu đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị TAND tỉnh Sơn La xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm nói trên và đình chỉ vụ án.

Được biết, ngày 01/12/2017 tới đây TAND tỉnh Sơn la sẽ đưa ra xét xử vụ án. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến vụ việc. 

Đọc thêm