Một kết luận thanh tra tại Đà Nẵng hai năm bị 'lãng quên'

(PLVN) - Đã hơn hai năm sau kết luận thanh tra về sai phạm tại Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ TP Đà Nẵng được công bố và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ kết quả xử lý cán bộ liên quan. Thế nhưng tình trạng “nóng” ở đơn vị này vẫn chưa được giải quyết, thậm chí “tái phát”.
Trụ sở Công ty quản lý Hội chợ triển lãm TP Đà Nẵng và các chợ. Ảnh: Văn Sơn.
Trụ sở Công ty quản lý Hội chợ triển lãm TP Đà Nẵng và các chợ. Ảnh: Văn Sơn.

Hàng loạt sai phạm

Công ty Quản lý Hội chợ triển lãm và các chợ TP Đà Nẵng (QLHCTL&CC) được hợp nhất từ Công ty Quản lý các chợ Đà Nẵng và Trung tâm thương mại Hội chợ triển lãm kể từ năm 2009 đến nay. Công ty là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Công Thương TP. 

Câu chuyện bắt đầu từ hơn bốn năm trước, khi một cán bộ (đề nghị được giấu tên trên báo – NV) của công ty đâm đơn nhiều nơi, tố cáo những sai phạm nơi mình công tác.

Người tố cáo cho biết, từ năm 2014, ông phát hiện ra việc chi trả tiền cho người lao động cũng như công tác thu chi tài chính của công ty có khuất tất nên đã gửi đơn thư tố cáo. Theo tâm lý thường tình, ban đầu ông chỉ dám gửi những lá đơn nặc danh. Tuy nhiên, việc làm này không mang lại hiệu quả. Sang năm 2015, ông quyết định ghi rõ tên tuổi, vị trí công tác và chịu trách nhiệm về những gì mình tố cáo.

“Cũng vì việc mang đơn đi tố cáo những vi phạm mà tôi bị buộc làm kiểm điểm nhiều lần. Cuộc sống gia đình của tôi bị xáo trộn. Sau khi tôi tố cáo, lãnh đạo công ty điều tôi lên làm ở văn phòng nhưng không phân công nhiệm vụ gì suốt bốn tháng. Tôi khiếu nại lên Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng và được đưa về lại vị trí cũ nhưng họ vẫn muốn tôi từ bỏ ý định tố cáo nên gọi lên gọi xuống liên tục.

Họ còn cắt luôn danh hiệu Lao động tiên tiến năm 2015 của tôi. Năm 2016, tôi gửi đơn đến Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng và được các cơ quan này lắng nghe. Cuối năm 2017, đã có kết luận thanh tra thể hiện những phản ánh của tôi là đúng”, ông chia sẻ.

Cụ thể, năm 2016, sau khi nhận được lá đơn và các tài liệu tố cáo, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chỉ đạo cơ quan chức năng vào cuộc. Trên cơ sở đó, ngày 4/7/2016, ông Thơ đã ký Văn bản số 4804/UBND-NC yêu cầu Thanh tra Đà Nẵng thanh tra Công ty QLHCTL&CC. 

Kết luận thanh tra số 9225/KL-UBND ngày 14/11/2017 được ban hành thể hiện những thông tin tố cáo có nhiều điểm đúng đắn. Đơn cử, QLHCTL&CC chi tiền cho người lao động không rõ ràng, thiếu minh bạch, tiêu hủy các sổ sách tài chính...

Công ty này cũng thu các khoản tiền rồi lập quỹ trái phép gần 5,4 tỷ. Ngoài trách nhiệm của Ban Giám đốc công ty, Giám đốc Sở Công Thương cũng bị thanh tra đánh giá không thực hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước với công ty dẫn đến các sai phạm nghiêm trọng nói trên kéo dài qua nhiều năm, không được chấn chỉnh, xử lý.

Sau Kết luận thanh tra, UBND Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan chức năng tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm với các cá nhân 

được nêu tại Kết luận và có các hình thức kỷ luật khác đối với các cá nhân có liên quan đến những sai phạm tại công ty này (kể cả những cá nhân nghỉ hưu). Thế nhưng, những cán bộ sai phạm như ông Lê Ngọc Thanh, Giám đốc; ông Mai Phước Ba, Phó Giám đốc; bà Trần Thị Kim Thuyên, Kế toán trưởng chỉ nhận kỷ luật khiển trách.

Riêng bà Dư Thị Hồng Cường, Trưởng ban Quản lý chợ Đống Đa, người trực tiếp thực hiện thu, chi quỹ ngoài sổ sách kế toán, hủy các sổ ghi chép ngoài sổ sách từ năm 2015 trở về trước, chỉ bị phê bình, kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Cho rằng không thỏa đáng, từ năm 2018 đến nay, đơn thư tố cáo công ty tiếp tục được gửi đi.

Người sai phạm tiếp tục… thăng tiến

Nhiều người theo dõi vụ việc cũng bày tỏ, nếu so sánh với tính chất, hành vi sai phạm của các cá nhân như trong kết luận, mức xử lý kỷ luật như trên không thỏa đáng. Dư luận cho rằng, với những sai phạm như vậy, hình thức khiển trách và phê bình rút kinh nghiệm không khác gì để cho xong.

Thậm chí, một số cá nhân sai phạm vẫn đang yên vị và tiếp tục thăng tiến. Trường hợp của nguyên Giám đốc Lê Ngọc Thạnh không thấy nhắc đến (nay đã hưu). Chưa hết, thời gian gần đây, công tác bổ nhiệm nhân sự tại Công ty QLHCTL&CC cũng khiến dư luận lên tiếng. Như bà Dư Thị Hồng Cường được bổ nhiệm làm Chủ tịch Công đoàn Công ty QLHCTL&CC. 

Sai phạm đã được kết luận, nhưng hình thức xử lý thực tế bị đánh giá là không tương xứng.
 Sai phạm đã được kết luận, nhưng hình thức xử lý thực tế bị đánh giá là không tương xứng.

“Trong kết luận thanh tra ghi bà Cường có nhiều sai phạm về tiền bạc, chi trả chế độ cho lao động. Bà Cường còn là người thực hiện thu, chi quỹ ngoài sổ kế toán, hủy sổ ghi chép theo dõi thu, chi ngoài sổ kể toán. Thử hỏi toàn sai phạm liên quan đến người lao động, sao lại làm Chủ tịch Công đoàn, một chức vị giành cho người bảo vệ quyền lợi người lao động”, một lao động tại công ty này bày tỏ.

Ngoài ra, còn có trường hợp vị nguyên Trưởng ban nhân dân liên quan đến việc, vừa được giao quyền Giám đốc. Việc bổ nhiệm này khiến người lao động và dư luận xôn xao cho rằng có sự vị nể vì ông này là chồng của vị Giám đốc một Sở ở TP Đà Nẵng. Ngược lại, người tố cáo đáng ra phải được tuyên dương, khen thưởng, nay vẫn đang long đong ngày ngày ôm đơn đi gõ cửa khắp nơi. 

Trước sự việc, tháng 5/2019, Chủ tịch UBND Đà Nẵng tiếp tục ký Văn bản số 2729/UBND-BTCD yêu cầu Sở Nội vụ chủ trì phối hợp thanh tra thành phố, rà soát lại toàn bộ kết quả xử lý sau kết luận thanh tra, liên quan đến việc xử lý các cán bộ sai phạm tại Công ty QLHCTL&CC. 

Mới đây, trong buổi làm việc giữa Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với Sở Công Thương, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã nêu lên thực trạng đơn thư tố cáo vẫn còn dai dẳng tại Công ty QLHCTL&CC. Theo đó, nguyên nhân vì công tác kiểm tra, giám sát xử lý sai phạm sau thanh tra không được thực hiện rốt ráo, còn có sự nể nang, vì thành tích..., ông Nghĩa đã yêu cầu xử lý dứt điểm, đúng quy định. 

Đọc thêm