Một vụ ly hôn tại TP Phủ Lý: Tòa “bỏ quên” thu nhập của vợ chồng?

(PLO) - Giải quyết chia tài sản chung trong một vụ ly hôn nhưng TAND TP Phủ Lý (Hà Nam) lại chỉ nhận định và phân chia nhà đất và các khoản nợ của hai vợ chồng mà “bỏ quên” nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh của người chồng.
Ngôi nhà mà Tòa sơ thẩm chia cho anh Lành được sử dụng.
Ngôi nhà mà Tòa sơ thẩm chia cho anh Lành được sử dụng.

Đã vậy, nhiều tài liệu còn cho thấy, đây là vụ án “hủy kết hôn trái luật” chứ không phải là một vụ án “ly hôn”.

Mất cả trăm triệu đồng vì bị lấy tài sản chung trả nợ riêng

Tại Bản án sơ thẩm số 30/2015/HNGĐ-ST (ngày 12/11/2015), TAND TP Phủ Lý (Hà Nam) đã xử công nhận thuận tình ly hôn giữa anh Lại Xuân Lành (nguyên đơn, SN 1972) và chị Lại Thị Quyên (bị đơn, SN 1972, cùng trú tại phường Châu Sơn, TP Phủ Lý, Hà Nam). Ngoài phán quyết phân chia nhà đất cho hai vợ chồng và con chung, Tòa cấp sơ thẩm còn phân chia công nợ theo hướng hai bên cùng chịu chung số nợ hơn 737 triệu tại ngân hàng.

Nhận định về những lần chị Quyên đưa tiền cho chồng, HĐXX cho rằng chỉ có căn cứ chấp nhận 13 lần chị Quyên đưa tiền cho anh Lành và anh Tân (được coi là người làm thuê cho anh Lành) để làm công trình xây dựng, tổng số gần 1,4 tỷ đồng. Còn gần 1,5 tỷ đồng mà chị Quyên cho rằng đã đưa cho anh Lành, anh Tân 12 lần khác đều bị Tòa bác bỏ. Đối trừ những lần giao, nhận tiền này, HĐXX cho rằng anh Lành còn nhận của chị Quyên hơn 160 triệu đồng. Đây là khoản nợ chung nên mỗi người chịu một nửa (anh Lành phải trả chị Quyên hơn 80 triệu đồng).

Tuy nhiên, Quyết định kháng nghị sau đó, VKSND TP Phủ Lý đã khẳng định rõ, khoản tiền 160 triệu này là nợ riêng của anh Lành, anh Lành phải trả toàn bộ cho chị Quyên. 

Hơn nữa, theo một số luật sư thì việc chia tài sản tại bản án sơ thẩm đã có sai sót nghiêm. Đã nhận định anh Lành phải trả chị Quyên 80 triệu là khoản nợ riêng thì Tòa phải trừ trong phần tài sản riêng anh Lành được hưởng. Nhưng không hiểu sao HĐXX vẫn lại khấu trừ 80 triệu trong khối tài sản chung. Còn chị Quyên được trả nợ riêng thì lại được Tòa tính vào số tài sản chung được hưởng khi chia tài sản. Việc Tòa chia hai người được hưởng phần tài sản giá trị bằng nhau (gần 500 triệu đồng) đồng nghĩa với việc chị Quyên đã bị thiệt mất 160 triệu đồng vì bị lấy tài sản chung trả cho nợ riêng này.

Ngoài ra, theo chị Quyên thì khoản tiền hơn 737 triệu đồng mà vợ chồng chị vay ở ngân hàng đã không được anh Lành nhập vào khối tài sản chung nên Tòa sơ thẩm buộc chị phải chịu chung khoản nợ này với chồng là không đúng quy định

Thu nhập chung vợ chồng ở đâu?

Quyết định kháng nghị của VKSND TP Phủ Lý còn nêu rõ, quyển sổ giao nhận tiền của chị Quyên và anh Tân không có khoản nào ghi số tiền anh Lành đã thu lợi nhuận từ công trình để nộp về quỹ tài sản chung gia đình.

Đồng tình với nhận định này, chị Quyên cho biết: “Tôi đã phải đi vay mượn cả tỷ đồng để anh Lành, anh Tân có kinh phí để nhận thầu và thi công công trình Séc Vina (mượn danh nghĩa Cty TNHH Minh Hà). Lợi nhuận từ việc kinh doanh này là khá lớn nhưng tôi không thấy anh Lành đưa về bất cứ một khoản thu nhập nào. Việc xác minh các khoản thu, lợi nhuận, kê khai thuế… tại Cty TNHH Minh Hà nằm ngoài khả năng của chúng tôi nên ở Tòa cấp sơ thẩm, luật sư của tôi đã hỏi nguyên đơn về vấn đề này nhưng không nhận được câu trả lời. Còn HĐXX cũng không làm rõ về vấn đề này. Vì vậy, tôi tiếp tục đề nghị Tòa cấp phúc thẩm làm rõ vấn đề này hoặc hủy án, trả hồ để Tòa xác minh làm rõ và đưa Cty TNHH Minh Hà vào tham gia tố tụng”.

Ngoài ra, chị Quyên còn khẳng định mình sinh năm 1974 chứ không phải năm 1972 như cấp Tòa sơ thẩm nêu. Năm 1991, chị kết hôn nhưng lúc đó chưa đủ 18 tuổi nên đã khai tăng lên 2 tuổi để đủ tuổi kết hôn. Tòa có thể xem xét tại Sổ đăng ký khai sinh và lấy lời khai nhân chứng để làm rõ điều này. 

Theo một số luật sư, Tòa án cần xác minh rõ lời khai trên của chị Quyên. Đó là chưa kể đến việc rất có thể anh Lành khi kết hôn cũng chưa đủ 20 tuổi vì trong bản án sơ thẩm đã xác định anh này sinh năm 1972 và kết hôn ngày 16/10/1991. Nếu một trong hai người hoặc cả hai người đều không đủ tuổi kết hôn thì vụ án này phải là “hủy kết hôn trái luật” chứ không phải là vụ án “ly hôn” như hiện nay.

Nhận định thiếu thuyết phục về các lần giao nhận tiền

Tòa cấp sơ thẩm đã bác bỏ lời khai của chị Quyên về 12 lần đưa tiền cho anh Tân, anh Lành do “không có căn cứ”. Tuy nhiên, vào tháng 6/2015, khi làm việc với cơ quan công an thì anh Tân đã thừa nhận một số lần nhận tiền này như: ngày 10/8/2014 nhận 280 triệu; ngày 5/8 nhận 50 triệu; ngày 28/8 nhận 50 triệu…

Đối với khoản tiền ngày 18/8, anh Tân đã ký và ghi rõ “vay 300 triệu” cũng bị Tòa bác bỏ vì dòng dưới có ghi “chị Q quản lý chi giùm”. Tuy nhiên, dòng chữ này vẫn là do anh Tân viết (không phải là “bút tích” của chị Quyên) thì tại sao HĐXX lại nhận định chị Quyên đã nhận lại khoản tiền này?  

Ngoài ra, HĐXX còn dễ dàng tin lời khai của anh Lành rằng “nhờ chị Dự rút tiền tiết kiệm 221 triệu đồng để đưa chị Quyên. Trong khi đó, Tòa cũng không làm rõ chị Dự rút tiền tiết kiệm ra sao? Tại sao lại có chuyện rút tiền tiết kiệm dễ dàng như vậy?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về phán quyết của Tòa cấp phúc thẩm về những nội dung trên.

Đọc thêm