Mục đích của Dự án Bảo vệ môi trường hồ chứa nước Bộc Nguyên liệu có bền vững?

(PLO) - Mục tiêu của dự án là khắc phục, giải quyết ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ Bộc Nguyên, di dời 26 hộ dân ra khỏi khu vực thượng nguồn lòng hồ. Tuy nhiên, người dân vẫn được vào lòng hồ để sản xuất, trồng cây, chăm sóc rừng… khiến dư luận lo lắng liệu môi trường có được bảo vệ bền vững như mục tiêu của dự án?
Người dân viết đơn kiến nghị về việc không thu hồi diện tích đất trong lòng hồ
Người dân viết đơn kiến nghị về việc không thu hồi diện tích đất trong lòng hồ

Dự án mang ý nghĩa lớn

Hồ chứa Bộc Nguyên có trữ lượng nước 19,8 triệu m3, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho TP Hà Tĩnh và một số vùng lân cận. Tuy nhiên, quá trình sinh sống và sản xuất tại khu vực khe Thành Thình đã xảy việc người dân trồng rừng sử dụng thuốc trừ sâu, chai lọ đựng thuốc trừ cỏ vứt trôi nổi, hàng trăm con trâu bò chăn thả trong lòng hồ… làm ảnh hưởng đến môi trường nguồn nước.

Để nâng cấp, đưa tổng trữ lượng nước trong hồ lên 24,5 triệu m3,cung cấp nước sạch cho hơn 25.000 hộ dân trên địa bàn TP Hà Tĩnh, thị trấn Thạch Hà và vùng phụ cận, một dự án di dời dân vùng lòng hồ trên địa bàn hai xã Nam Hương và Thạch Điền huyện Thạch Hà được UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt thực hiện. 

Theo đó, ngày 22/12/2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 4887 phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bảo vệ môi trường khu vực thượng nguồn và ven hồ Bộc Nguyên thuộc địa bàn các xã Thạch Điền và Nam Hương (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) giai đoạn 1 (gọi tắt là Dự án), nhằm khắc phục, giải quyết ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước hồ Bộc Nguyên – là nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân TP Hà Tĩnh và các vùng phụ cận trước mắt và lâu dài.

Giao UBND huyện Thạch Hà làm chủ đầu tư với tổng mức dự kiến trên 32 tỷ đồng; trong đó chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư là trên 20 tỷ đồng; chi phí xây dựng hạ tầng tái định cư là trên 9 tỷ đồng; nguồn vốn được lấy từ ngân sách tỉnh.

Dự án ảnh hưởng đến 13,96 ha đất của 26 hộ dân nằm trong vùng lòng hồ là cư dân của hai xã Nam Hương và Thạch Điền. Sau khi hoàn thành, dự án đảm bảo nước sạch cho TP Hà Tĩnh và các huyện phụ cận, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, góp phần xóa đói giảm nghèo từng bước nâng cao đời sống nhân dân tại hai xã Thạch Điền và Nam Hường, góp phần đẩy nhanh tiến độ về đích xây dựng nông thôn mới 2 xã nói trên…

Điều đáng nói ở đây là với diện tích thu hồi lên đến 13,69 ha, nhưng lại chỉ tái định cư trong diện tích 1,1ha đất tại khu vực xã Thạch Điền và 1,2 ha tại khu vực xã Nam Hương (bao gồm cả giao thông, đường điện, mương thoát nước..). 

Người dân lo lắng khi mực nước hồ dâng qua mức 23m thì toàn bộ khu rừng sẽ bị ngập trong nước không thể tiến hành sản xuất
Người dân lo lắng khi mực nước hồ dâng qua mức 23m thì toàn bộ khu rừng sẽ bị ngập trong nước không thể tiến hành sản xuất

Mắc “bài toán” tái định cư và nguy cơ thất nghiệp

Theo phản ánh của 26 hộ dân vùng ảnh hưởng của Dự án, họ lên đây sinh sống từ những năm 1976, 1978 theo chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước. Trước đây, khu vực này là vùng đất hoang vu, rừng thiêng nước độc, người dân sinh sống chủ yếu bằng việc trồng cây phát triển rừng. Sau khi nghe giới thiệu về Dự án, người dân tại xóm Tân Sơn, xóm Làng Vòng, xã Nam Hương và xã Thạch Điền – những người bị ảnh hưởng - rất ủng hộ dự án. Tuy nhiên, việc lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất hợp lý. 

Dự án chỉ được duyệt thu hồi một phần diện tích đất ở (400m2) và đất lúa (10%), còn diện tích đất vườn liền kề đất ở, đất rừng sản xuất nằm gọn trong mực nước của lòng hồ 23m thì không thu hồi. Gia đình anh Đặng Công Đỉnh có 3.800m2 đất ở và đất vườn, Dự án chỉ thu hồi 1000m2 đất ở và đất sản xuất nông nghiệp, số còn lại nằm trong lòng hồ.

Anh Đỉnh lo lắng “Chủ trương của Nhà nước thì gia đình và bà con rất ủng hộ, tuy nhiên việc để lại một diện tích lớn đất rừng trong lòng hồ chứa nước như vậy sau này nước dâng lên dân làm sao vào sản xuất, mà nếu vào sản xuất được thì lại ảnh hưởng đến môi trường và nguồn nước… Như vậy chúng tôi không biết làm gì để sinh sống?”.

Cùng với thắc mắc như trên, 10 hộ dân tại xã Nam Hương và 16 hộ dân xã Thạch Điền cũng lo lắng cho việc di dời đến nơi ở mới số đất rừng có bị ngập lụt không? Ai sẽ là người đền bù cho họ khi nước trong lòng hồ ngập tài sản? Khi hồ nước dâng cao, dân vào lòng hồ sản xuất rừng sẽ rất nguy hiểm, nếu không sản xuất được thì họ sẽ sống bằng nghề gì...? 

Theo ông Nguyễn Sỹ Quý, Chủ tịch UBND xã Nam Hương, tháng 6 vừa qua đã xảy ra hiện tượng ngập lụt 1.900m2 đất sản xuất, xã đã báo cáo với huyện và các đơn vị liên quan về lập biên bản để tìm phương án giải quyết. “Quan điểm của xã là cắm mốc đến đâu thì đền bù và thu hồi đến đó, hoặc nhà máy nước phải cam kết mức nước không làm ảnh hưởng đến việc người dân sản xuất. Đừng để đến lúc người dân quay lại lòng hồ sản xuất thì lại ảnh hưởng đến môi trường của nguồn nước…”, Chủ tịch Quý nói.

Trao đổi với PLVN, ông Nguyễn Bá Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Bồi thường – tái định cư Dự án cho biết, Dự án được tỉnh phê duyệt hơn 32 tỷ đồng, hiện đang làm các bước theo quy trình để đền bù cho dân. Việc tái định cư đang hoàn thiện hồ sơ thiết kế hai khu để trình phê duyệt. Việc đền bù theo quy định của pháp luật, Hội đồng công khai thông báo đối với các hộ dân bị ảnh hưởng, hiện đang tổng hợp các phản ánh của nhân dân về việc ngập úng để báo cáo tỉnh.

“Việc lo lắng của người dân hiện Hội đồng chưa nhận được phản ánh bằng văn bản nào, quy hoạch được phê duyệt của dự án như thế nào thì chúng tôi thực hiện như thế. Dân muốn thu hồi toàn bộ đất vì sợ bị ngập khi nước dâng nhưng diện tích thu hồi và số tiền đền bù chỉ được phê duyệt như vậy, nếu thu hồi tất cả thì số tiền rất lớn...”, ông Sơn nói.  

Khi phóng viên đề nghị được xem bản thuyết trình phương án Bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư, cán bộ của Hội đồng đưa ra một tài liệu không có dấu và chữ ký và cho rằng tài liệu đóng dấu đã gửi trình UBND tỉnh hết. Tại tài liệu này có nêu: Di dời các hộ sinh sống sát mép lưu vực thượng nguồn hồ Bộc Nguyên, bằng và thấp hơn cao trình thiết kế hồ Bộc Nguyên (cốt nhỏ hơn hoặc bằng 23m). Tuy nhiên, theo như quá trình thực hiện thì Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư chỉ chỉ bồi thường được 400m2 đất ở, còn đất vườn liền kề và các loại đất còn lại vẫn giữ nguyên trạng ? 

Thiết nghĩ, một dự án mang ý nghĩa lớn, một lần thực hiện phải được người dân đồng thuận và thực hiện đúng mục đích phê duyệt.  

Tại Quyết định số 2451 của UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 25/6/2015 về việc ban hành Quy chế phối hợp quản lý hồ chứa nước Bộc Nguyên, Điểm c và e có nêu các hành vi nghiêm cấm trong vùng bảo hộ vệ sinh nguồn nước: Chặt phá đốt rừng làm nương rẫy; Mọi hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động khác gây ô nhiễm nguồn nước… Vậy việc người dân quay trở lại lòng hồ sản xuất, trồng rừng và khai thác rừng có vi phạm quy định không?

Đọc thêm