Nam Định: Dự án “ma” đẩy nông dân vào cảnh khốn cùng?

(PLO) -  Vùng bãi sông Ninh Cơ (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) ngoài đê bối không có các hộ dân sinh sống. Lợi dụng chính sách của nhà nước ưu tiên người dân vùng thiên tai, năm 2009, tỉnh đã “vẽ” dự án di dân khẩn cấp 414 hộ không có thật với tổng kinh phí hơn 78 tỷ.

Vùng bãi sông Ninh Cơ (xã Phương Định, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) ngoài đê bối không có các hộ dân sinh sống. Lợi dụng chính sách của nhà nước ưu tiên người dân vùng thiên tai, năm 2009, tỉnh đã “vẽ” dự án di dân khẩn cấp 414 hộ không có thật với tổng kinh phí hơn 78 tỷ.

Ngoài đê bối chỉ lèo tèo vài căn lều câu cá, lấy đâu ra người để thu hồi?
Ngoài đê bối chỉ lèo tèo vài căn lều câu cá, lấy đâu ra người để thu hồi?
Không sạt lở vẫn vẽ dự án
Mọi chuyện khởi đầu sau khi có Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg giai đoạn 2006 - 2015 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn ổn định đời sống. 
Lợi dụng chính sách của nhà nước, dù nhiều thế kỷ qua người dân vùng bãi sông Ninh Cơ vẫn sinh sống ổn định trên đất đai của mình, không hề bị thủy thần đe dọa, đê bối vẫn đứng vững, ngoài đê bối không có dân sinh sống, nhưng tỉnh Nam Định vẫn lập dự án Di dân khẩn cấp.
Dự án có mục tiêu “di chuyển 414 hộ dân sống ở vùng sạt lở bãi sông vào bên trong đê bối, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho dân cư trong mùa bão lũ, ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế xã hội của địa phương”. 
Dự án do UBND huyện Trực Ninh làm chủ đầu tư, với diện tích mặt bằng được san lấp gần 70 ngàn m2, tổng mức đầu tư hơn 78 tỷ.
Đến nay, sáu năm đã qua, khu tái định cư mới đổ đất, làm vài con đường rồi để cỏ dại mọc. Các hạng mục khác của dự án hoặc không làm, hoặc làm nham nhở. 
Bức xúc với dự án “ma” không hề di dân khẩn cấp mà vẫn thu hồi đất của dân rồi để không, tiền đền bù không trả, người dân thôn Văn Cảnh khiếu kiện. Theo đơn, chính quyền đã gửi diện tích đất ảo vào dân để lĩnh tiền khống. 
Sau 5 năm triển khai dự án nhưng người dân thuộc diện di dời khẩn cấp là đối tượng nào để được chuyển vào khu tái định cư vẫn là điều “bí mật”, những người bị thu hồi đất vẫn dài cổ đi kiện vì chưa lấy được tiền đền bù.
Cuối tháng 5/2015, PL&TĐ về khảo sát tại xã Phương Định. Bên trong đê bối có 4 xóm đang sinh sống đều có tên Đại Thắng đi kèm số thứ tự từ 1 đến 4. 
Một số người dân bị thu hồi đất nhưng chưa được đền bù
 Một số người dân bị thu hồi đất nhưng chưa được đền bù   
Tại thôn Đại Thắng 3, thấy PV về, bà con kéo đến rất đông. Tất cả những người dân cho biết mấy năm qua không hề thấy xã nói gì về dự án di dân khẩn cấp. Đi họp cán bộ chỉ nói giãn dân vùng bối. Việc giãn dân được triển khai từ cuối năm 2014, Gia đình một bố 3 con chỉ được giãn 1 người, tuy nhiên xã bảo phải nộp hết sổ đỏ của bố mới cấp đất cho con. Chi phí như thế nào chưa thấy thông báo. 
Bà Nguyễn Thị  Hải cho biết, vùng này lâu nay không ảnh hưởng thiên tai gì, không ngập, không lở được vì vẫn nằm trong đê. Nửa thế kỷ qua chỉ có vài trận lụt. Hà cớ gì bị xếp vào dạng phải “di dân khẩn cấp”.  
Chờ dài cổ tiền đền bù  
Khốn khổ bậc nhất là những nông dân bị thu hồi đất. Tại khu tái định cư của dự án, 7 hộ dân thôn An Trung bị thu hồi tổng số hơn 2300m2, tiền đền bù khoảng 470 triệu đồng. 
Năm năm qua, những người dân bị thu hồi đất đã nhiều lần có đơn đề nghị với các cấp chính quyền giải quyết nhưng huyện chỉ xuống xã, xã chỉ lên huyện, vòng vo “Tam Quốc” chán vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Người nông dân chỉ trông vào hạt thóc, nay mất ruộng, mất đất, bị đẩy vào cảnh khốn cùng.
Khu “tái định cư” được quây thành nơi trồng lạc
  Khu “tái định cư” được quây thành nơi trồng lạc
Bà Lã Thị Phối (78 tuổi, người bị thu hồi 475 m2) than thở: “Với mức bồi thường gần 200 nghìn đồng/m2 thì tôi có gần 100 triệu đồng, lĩnh được tiền thì có thể yên tâm lúc tuổi già.
Tôi bắt đầu đi kiện từ tháng 6/2013 đến nay hai năm rồi. Không có ruộng, không có lúa, không có gạo để ăn. 78 tuổi tôi vẫn phải mưu sinh. Trước đi bắt ốc bươu vàng bán 3 nghìn đồng/kg nhưng tôi không vác được vì ốc nặng quá. Giờ tôi đi đào rau má bán 5 nghìn đồng/kg, ngày được 7 - 8 nghìn đồng đong gạo. Trời nóng hầm hập như mấy ngày qua, tôi chỉ đào được lúc sáng sớm hay chiều muộn”. 
Một số người dân tâm sự: “Chúng tôi không di đân vào khu tái định cư vì ở ngoài này chúng tôi không bị ảnh hưởng gì. Vào đó, nhà mấy mét đất vào lấy gì mà sống. Xã không thể thu hồi sổ đỏ rồi ép chúng tôi vào khu tái định cư được. Ở đây đất rộng còn trồng cây, vài cây hòe cũng đủ sống. Ở khu tái định cư chẳng có gì bới mà ăn, chúng tôi già không ai thuê mà làm”./,

Đọc thêm