Nam Định: Nhiều khuất tất trong bán đấu giá hàng nghìn m2 đất ở huyện Trực Ninh

(PLO) - Không có quyết định thu hồi, không đền bù giải phóng mặt bằng nhưng UBND xã Trực Hưng (huyện Trực Ninh, Nam Định) vẫn tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hành động coi thường pháp luật của UBND xã Trực Ninh đã khiến gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp vô cùng bức xúc.
Nam Định: Nhiều khuất tất trong bán đấu giá hàng nghìn m2 đất ở huyện Trực Ninh

Không bồi thường vẫn thu hồi đất hợp pháp

Gửi đơn cầu cứu đến báo Pháp luật Việt Nam, ông Đoàn Văn Nghiệp, trú tại xóm 7, xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh, Nam Định cho biết. Gia đình ông đang canh tác trên thửa đất 301 m2 và đã được cấp quyền sử dụng đất từ năm 1995. Thế nhưng, nhiều ngày qua, UBND xã Trực Hưng bỗng tiến hành cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông với lý do đất đã thu hồi và bán đấu giá. Kỳ lạ hơn, gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp chưa hề được chính quyền địa phương thông báo thu hồi, không được nhận  đền bù giải phóng mặt bằng.

Theo đó, thửa đất của gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp được ghi rõ trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: QSDĐ/337/ QĐUB, ngày 20/9/1995 cho bà Đoàn Thị Phượng (em gái ông Nghiệp). Tại tờ bản đồ số 3, thửa đất này được đánh số mảnh 18, số thửa 211 với diện tích 301 m2. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, UBND xã Trực Hưng bỗng huy động một lực lượng cán bộ xã tới thửa đất này tiến hành đo đạc, cắm mốc giới để chia cho nhiều gia đình khác.

Lấy đất bù phần thiếu hụt đã bán đấu giá?

Tìm hiểu sâu vào sự việc, thửa đất của gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp đang đứng trước việc bị thu hồi bất hợp pháp là do UBND xã thực hiện việc trả thêm đất cho người trúng đấu giá đất từ năm 2013.

Cụ thể, năm 2013, UBND huyện Trực Ninh đã tổ chức bán đấu giá hơn 17 nghìn m2 đất trên địa bàn 4 xã (Trực Đại, Trực Cường, Trực Hưng, Trực Thắng) thu về 15 tỷ 360 triệu đồng. Trong đó, xã Trực Hưng tiến hành đấu giá 4410 m2 đất, thu về 4 tỷ 513 triệu đồng. Số tiền chi cho đền bù, giải phóng mặt bằng là 1 tỷ 254 triệu đồng.

Diện tích đất thu hồi của gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp nhằm bù đắp phần thiếu hụt trong việc bán đấu giá hàng nghìn m2 đất tại xã Trực Hưng
Diện tích đất thu hồi của gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp nhằm bù đắp phần thiếu hụt trong việc bán đấu giá hàng nghìn m2 đất tại xã Trực Hưng

Điều kỳ lạ, trong 55 người trúng đấu giá đất tại xã Trực Hưng năm 2013, cho đến nay vẫn còn 8 trường hợp chưa nhận đủ số diện tích đã trúng đấu giá. Vì vậy, các hộ gia đình này đã kiến nghị UBND xã Trực Hưng cung cấp thêm số diện tích còn thiếu.

Một người dân trúng đấu giá tại xã Trực Hưng cho biết: “Gia đình tôi đã trúng đấu giá đất từ năm 2013, tuy nhiên, sau khi nộp tiền đầy đủ mới chỉ nhận được hơn 70 m2, trong khi đó diện tích đấu giá là 100 m2. Hiện nay, tôi đã xây dựng nhà cửa kiên cố, tuy nhiên phần diện tích đất bị thiếu khá nhiều.

Vừa rồi, khi chúng tôi kiến nghị được UBND xã Trực Hưng cắm mốc, giao khu ruộng phía sau nhà. Tuy nhiên, chúng tôi tiến hành san lấp thì vấp phải sự phản ứng của chủ sở hữu. Tôi không biết, UBND xã làm như thế nào nhưng tôi đã trúng đấu giá, đã nộp tiền và làm đầy đủ các thủ tục pháp lý nhưng không được nhận đủ diện tích đất là trách nhiệm của xã”.

Như vậy, việc UBND xã Trực Hưng bỗng dưng tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp nhằm mục đích lấy đất để chia cho các hộ dân bị thiếu diện tích đất đã trúng đấu giá đất từ năm 2013. Tuy nhiên, gia đình ông Đoàn Văn Nghiệp chưa được nhận bất cứ thông báo thu hồi, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng UBND xã vẫn bất chấp pháp luật, tiến hành cưỡng chế, giành đất chia cho cho các hộ đã trúng đấu giá nhằm mục đích xoa dịu những vấn đề còn nhiều khuất tất trong đấu giá đất tại xã Trực Hưng.

Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, ông Phạm Văn Hiển, Chủ tịch UBND xã Trực Hưng cho biết: “ Việc đấu giá đất được tiến hành từ năm 2013, có quyết định thu hồi của tỉnh, của huyện, các hộ dân ở đấy đã được đền bù. Ngày xưa, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cô Phượng (em gái ông Nghiệp) ở đấy. Tuy nhiên, qua dồn điền, đổi thửa, diện tích đất đó đã được đổi cho người khác và người ta nhận đền bù và cũng đã chuyển đi nơi khác lâu rồi"

"Vừa rồi, tôi đưa máy múc vào đào mương chứ tôi có tiến hành cưỡng chế hay như thế nào đâu. Có gì các anh cho nội dung cụ thể để tôi trả lời bằng văn bản sau”, ông Hiển nói thêm.

Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Nghiệp cho rằng những lý do mà UBND xã đưa ra để thu hồi đất của gia đình ông là không thuyết phục, không đúng với các quy định của pháp luật. Ông Nghiệp cho biết: “Gia đình tôi chưa bao giờ tiến hành dồn điền, đổi thửa với bất cứ hộ dân nào. Bởi việc đồn điền đổi thửa ở đây đã thất bại, không có gia đình nào dồn điền đổi thửa được. Việc dồn diền đổi thửa đưa sang tên người khác để nhận đền bù là tôi không chấp nhận được. Vì tôi là chủ sở hữu mà chưa tiến hành đổi thửa, chuyển quyền sử dụng đối với bất kỳ nơi nào. Bao năm qua tôi vẫn cấy trồng trên thửa đất đó, vẫn nộp thuế đất hằng nằm. 

Với lại, gia đình tôi đã cấy trồng nhiều năm rồi. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đầy đủ, hợp pháp thì khi thu hồi bán đấu giá phải căn cứ vào đó để đền bù cho gia đình tôi chứ đền bù cho ai?  Vịn vào cớ thu hồi đất của gia đình tôi một cách mập mờ, không rõ ràng là bất hợp pháp”, ông Nghiệp nói.

Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm