Nạn nhân hiếp dâm còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận công lý

(PLO) - Thông tin này được đưa ra trong Báo cáo nghiên cứu: “Xét xử tội Hiếp dâm: Hiểu rõ cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với bạo lực tình dục ở Thái Lan và Việt Nam” do Liên Hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam công bố chiều 21/3.

Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Trình bày nội dung của nghiên cứu, bà Anna-Karin Jatfors, Phó Giám đốc Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ khu vực châu Á-Thái Bình Dương – cho rằng, nghiên cứu cho thấy có những rào cản phổ biến trong việc tiếp cận công lý mà những nạn nhân bị xâm hại tình dục đang gặp phải không chỉ là những khó khăn trong việc nhận được sự trợ giúp, mà còn ở thái độ, sự phân biệt đối xử của cảnh sát và các quan chức tư pháp được giao nhiệm vụ hỗ trợ.

Bà Anna-Karin Jatfors nhấn mạnh, hiểu được những rào cản này chính là bước đầu quan trọng để đảm bảo công lý cho phụ nữ và chấm dứt tình trạng vụ án bạo lực tình dục không được xử lý một cách công bằng. Đại diện LHQ cũng bày tỏ hy vọng nghiên cứu này sẽ là khởi đầu cho sự thay đổi ở cả hai nước.

Theo báo cáo nghiên cứu, phần lớn các nạn nhân bị hãm hiếp ở Thái Lan và Việt Nam đều phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận công lý, đó là những chính sách và thông lệ xã hội, pháp luật và thể chế quan trọng. Những rào cản này có thể gây cản trở cho việc trình báo về bạo lực tình dục và giảm khả năng mà phụ nữ theo đuổi tìm kiếm sự đền bù thông qua hệ thống tư pháp hình sự. Các phát hiện của nghiên cứu cũng đã chỉ ra nhiều yếu tố chính trong các vụ án hiếp dâm trái ngược hoàn toàn với các quan niệm sai lầm phổ biến về hãm hiếp.

Ví dụ, có quan niệm cho rằng hiếp dâm thực sự do người lạ gây ra, có sử dụng vũ lực, và có thương tích cơ thể và xảy ra ở nơi công cộng nhưng trên thực tế trong đa số các trường hợp nạn nhân và nghi phạm quen biết nhau. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu thì 86% nạn nhân cho biết có quen biết nghi phạm. Điều này cho thấy việc phát hiện nghi phạm không phải là vấn đề trong đa số các trường hợp; tuy nhiên, cần thiết phải có những dịch vụ bảo vệ, an toàn và hỗ trợ cho nạn nhân. 

Hay, nhiều cán bộ thấy rằng họ không tiến hành vụ việc nếu không có bằng chứng pháp y hoặc lời khai của các nhân chứng khác, phản ánh khuôn mẫu giới vẫn còn tồn tại là cần có hình thức làm chứng thực nào đó cho đơn trình báo của người phụ nữ về tấn công tình dục, trong khi tại Việt Nam 76% nạn nhân không có dấu hiệu bị tổn thương rõ rệt nào. Theo báo cáo, những phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với cách các hệ thống pháp lý xử lý các tội phạm liên quan đến tình dục và tương tác với các nạn nhân bị bạo lực tình dục.

Đặc biệt, theo báo cáo, hiếp dâm trong hôn nhân được coi là tội ác thì nghiên cứu phát hiện rằng ở Việt Nam – nơi mà không có vụ việc hiếp dâm trong hôn nhân nào được trình báo để đưa vào nghiên cứu và không có cán bộ tư pháp nào được phỏng vấn đã từng giải quyết hoặc thậm chí nghe nói về một vụ việc như vậy được thụ lý trong hệ thống tư pháp hình sự – đang tồn tại quan niệm phổ biến rằng đồng ý kết hôn cũng có nghĩa là đồng ý quan hệ tình dục đến chừng nào mà hôn nhân vẫn có hiệu lực, quyền tình dục này không thể bị rút lại.

Dựa trên những phát hiện này, nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị ưu tiên với Việt Nam để cải thiện tình hình như cần thiết lập dịch vụ Tư pháp thiết yếu có chất lượng cho nạn nhân, ưu tiên việc bảo vệ, hỗ trợ họ; thúc đẩy hoạt động ứng phó tích hợp, có điều phối giữa ngành Tư pháp hình sự, Chính phủ và các tổ chức xã hội… 

Phát biểu tại hội thảo, ông Kamal Malhotra - Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam - nhấn mạnh, chính sách và ứng phó của cơ quan nhà nước đối với bạo lực đối với phụ nữ cần được điều chỉnh cho phù hợp với những nhu cầu, những ưu tiên cụ thể, đa dạng của phụ nữ, trẻ em gái. Theo ông Malhotra, cùng với những nỗ lực để ngăn chặn ngay bạo lực, các hoạt động ứng phó của ngành Tư pháp là vô cùng quan trọng để có thể chấm dứt chu kỳ bạo lực.

“Cần truyền tải một thông điệp rõ ràng rằng bất kỳ hành động bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nào cũng đều không thể chấp nhận được. Các nhà cung cấp dịch vụ tư pháp có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ, trẻ em gái và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình”, ông nói.

Đọc thêm