Né “trát” tòa trong tố tụng dân sự: Xác định “không hòa giải được”, xử vắng mặt

(PLO) - Không hiếm gặp các trường hợp một trong hai bên đương sự trong các  vụ án dân sự như ly hôn, tranh chấp đất đai… thường chọn “chiêu”  né thông báo triệu tập hòa giải hoặc tham gia phiên tòa của Tòa án để trốn tránh nghĩa vụ. Vậy, trường hợp đương sự cố tình không thực hiện “trát” gọi của tòa thì luật áp dụng như thế nào? 

Né “trát” tòa trong tố tụng dân sự: Xác định “không hòa giải được”, xử vắng mặt
Tắt di động, giấu địa chỉ…
Bà Trương Thị Xuân (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Năm 1992 tôi có mua đất của anh Bắc. Sau một thời gian tôi đi làm, từ miền Nam trở về thì phát hiện anh Bắc đã xây nhà và lấn chiếm sang phần đất của tôi với chiều rộng 20cm, chiều dài 10,5m. Do anh Bắc cố tình không hợp tác nên tôi nộp đơn đề nghị hoà giải, UBND phường hoà giải không thành. Sau đó, Tôi nộp đơn kiện anh Bắc để đòi lại đất. Toà thụ lý và đã lấy lời khai anh Bắc 2 lần. Khi tòa đang thụ lý, tôi phát hiện anh Bắc ngang nhiên rao bán nhà đất (trong đó có phần đất lấn chiếm của tôi)”.
Theo trình bày của bà Xuân thì việc ông Bắc bán đất với nhiều mục đích nhằm che giấu hành vi lấn chiếm đất của bà, đồng thời đưa sự việc vào “thế đã rồi” và để có tiền trả nợ do làm ăn thua lỗ. “Gần đây, tôi thấy anh Bắc không về nhà, tôi gọi điện thoại nhưng không nghe hoặc tắt máy, cố tình không tham gia phiên toà giải quyết tranh chấp với tôi. Toà án có gửi thông báo triệu tập hoà giải nhưng anh Bắc không đến. Tôi phải làm gì để đòi lại phần đất của Tôi đang bị rao bán và liệu khi anh Bắc đã thay đổi chỗ ở thì Toà án có phải tìm anh ấy để xử không?” - bà Xuân nói.  
Từ những thông tin bà cung cấp cũng như những quy định của pháp luật tố tụng dân sự, bà có quyền yêu cầu tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án. 
Đi vào chi tiết của vụ việc này, theo chúng tôi, bà cần sớm nộp đơn yêu cầu Thẩm phán đang thụ lý giải quyết vụ án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn việc bị đơn rao bán đất cho người khác, gây bất lợi cho bà và gây khó khăn cho toà án trong quá trình giải quyết vụ án (Điều 99 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Nếu ông Bắc rao bán nhà thì bà nên liên hệ với đơn vị đăng thông tin rao bán đó và đề nghị họ gỡ bỏ thông tin nói trên để tránh phức tạp, thiệt hại cho người muốn mua nhà đó vì bản chất nhà đất rao bán đang có tranh chấp. Đồng thời, bà cũng nên gặp Tổ trưởng dân phố để trao đổi thêm về tình trạng hiện nay của nhà đất, vì người muốn mua nhà thông thường hay gặp Tổ trưởng dân phố nơi nhà đất toạ lạc để tìm hiểu thông tin.
Xử vắng mặt 
Còn việc ông Bắc không có mặt ở nhà với mục đích trốn tránh, không hợp tác, không đến toà án để giải quyết thì căn cứ Nghị quyết số 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao ngày 12/05/2006 quy định: “Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ, cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho toà án nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Toà án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung”.
Như vậy, đối với trường hợp ông Bắc là người bị kiện không ở địa chỉ đăng ký thường trú và người này thay đổi chỗ ở thường xuyên với mục đích trốn tránh, không hợp tác, không đến toà án, sẽ được tòa án giải quyết theo thủ tục chung như sau: Nếu bị đơn đã được toà án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt được coi là vụ án dân sự không tiến hành hoà giải được (Khoản 1 Điều 182 Bộ luật Tố tụng Dân sự).
Đối với phiên tòa xét xử sơ thẩm, nếu bị đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai vẫn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên toà thì toà án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ (Khoản 2 Điều 199 Bộ luật Tố tụng Dân sự). 
Thực tiễn cho thấy, nếu ông Bắc cố tình vắng mặt thì Thẩm phán sẽ niêm yết Giấy triệu tập bị đơn lần thứ hai tại UBND phường. Vì vậy, bà yên tâm tin tưởng là dựa vào hồ sơ, tài liệu đã có, dựa vào lời khai của ông Bắc tại toà, Thẩm phán vẫn hoàn toàn có quyền đưa vụ án ra xét xử theo quy định. 
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm