Nghệ An: Cuộc sống “khổ sở” của người dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ

(PLO) - Mặc dù công trình thủy điện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong nhiều năm, nhưng các hộ tái định cư Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) vẫn chưa “an cư an lạc nghiệp”. Sau gần 10 năm di dời, nhường đất cho dự án thủy điện các hộ dân đang gặp rất nhiều khó khăn.
Người dân mưu sinh trên lòng hồ thủy điện
Người dân mưu sinh trên lòng hồ thủy điện

Cư trú bất hợp pháp

Dự án Thủy điện Bản Vẽ là dự án thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Miền Trung với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Để xây dựng công trình này, từ năm 2007 đến năm 2009, đã có hơn 2.120 hộ dân ở huyện Tương Dương phải rời quê cũ đến nơi ở mới tại huyện Thanh Chương (cách nơi cũ hơn 150km) sinh sống. Tưởng rằng đến nơi ở mới cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhưng không ngờ lại thiếu thốn từ đất sản xuất, nước, thổ nhưỡng không phù hợp. Cuộc sống khó khăn nên hàng ngàn người đành bỏ khu tái định cư (TĐC) về khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ mưu sinh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có gần 400 hộ dân với 2000 nhân khẩu trở lại lòng hồ Bản Vẽ để mưu sinh, họ dựng lán trại, bè, cư trú bất hợp pháp trong khu vực lòng hồ thủy điện. Đa số những hộ dân này từ các khu tái định cư ở huyện Thanh Chương quay trở lại khu vực Thủy điện Bản Vẽ, còn một số khác là các hộ chưa di dời khỏi khu vực lòng hồ thủy điện. 

Đứng từ xa, trên mặt hồ mênh mông nước có một “xóm chài” nhà là những chiếc thuyền, chiếc bè nổi lênh đênh với nhiều cảnh đời “trôi nổi”. Mặc dù hộ khẩu thường trú vẫn đang ở huyện Thanh Chương nhưng nhiều gia đình đã quay lại huyện Tương Dương cư trú trong nhiều năm. Một trong các hộ di dời từ Tương Dương xuống Thanh Chương, nhưng do cuộc sống khó khăn gia đình anh lại bồng bế, đưa nhau quay trở lại lòng hồ Bản Vẽ để mưu sinh. 

Sớm có giải pháp giúp người dân ổn định cuộc sống

Cũng như hoàn cảnh của gia đình anh Hoan, anh Lữ Văn Đại dân tộc Khơ Mú trú tại bản Hồi Xén, xã Yên Na, huyện Tương Dương kể về hoàn cảnh của gia đình anh: “Ta cũng thuộc diện về Thanh Chương, nhưng những người về trước bảo khó khăn, nên ta không về nữa, mà ở lại đây từ đó đến nay, giờ vợ chồng quay lại bản cũ (bản Xộp Vy) để làm rẫy và chăn nuôi. Hàng ngày ta chạy thuyền chở khách ngược xuôi lòng hồ, tính từ xã gần nhất cũng phải mất hơn 1 giờ, chạy vào các xã trên nữa phải mất nửa buổi, nhưng tiền công không đáng là bao. Khách ngày càng ít đi vì nhiều người cũng sắm thuyền để chở khách nên chia sẻ, vì thế mà cuộc sống càng khó khăn hơn”.

Bến lòng hồ nằm tại bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương được hình thành từ khi thuỷ điện tích nước, sau một thời gian hình thành, bây giờ xóm nổi này là một phần không thể thiếu của người dân vùng lòng hồ cùng với cảnh buôn bán tấp nập. Không những vậy, rải rác khắp cả lòng hồ, những nhà nổi dạng này rất nhiều, cũng chỉ vì cuộc mưu sinh mà rất nhiều hộ gia đình đã rời bỏ nơi ở mới để quay về lòng hồ bám trụ biết rằng đó là bất hợp pháp. 

Người có thâm niên 10 năm chạy thuyền ngược dòng Nậm Nơn phải kể đến anh Lương Văn Bù (xã Hữu Khuông) tâm sự: “Thuỷ điện về, đồi núi, nương rẫy bị nhấn chìm, nghĩ mãi không biết làm gì, vợ chồng mượn tiền đóng con thuyền và chở khách ngược hồ từ hơn chục năm nay. Trước kia còn khách đông lắm, chứ giờ khách ít, thuyền nhiều, ngày kiếm vài trăm ngàn là ổn rồi, có ngày lỗ vốn”.

Rời xã Yên Na chúng tôi đến khu TĐC bản Khe Ò được xây dựng năm 2004 để bố trí TĐC cho 47 hộ thuộc diện di dời Thủy điện Bản Vẽ. Đến nay, khu TĐC chỉ là một vùng đất hoang, vắng bóng người, duy chỉ còn 3 hộ “bám trụ” sinh sống ở điểm TĐC này. Các căn nhà tại điểm TĐC này bị tháo hết mái, cửa sổ, tường, mái bị hư hỏng bong tróc. Các công trình phụ trợ khác như đường, công trình nước sạch, nhà văn hóa... rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. 

 Thực tế cho thấy, những người dân TĐC Thủy điện Bản Vẽ đang hàng ngày phải đối mặt với bao khó khăn, vất vả đẩy người dân đến cư trú bất hợp pháp. Mong rằng các cơ quan chức năng sớm có phương án để người dân có một cuộc sống ổn định, thoát nghèo.

Đọc thêm