Nghệ An: Nạn phá rừng ở huyện Quỳ Châu đến mức báo động, nhiều cánh rừng tan hoang

(PLVN) - Nhiều năm nay trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, nạn phá rừng xảy ra triền miên nhưng vẫn chưa bị xử lý. Một số địa phương nạn chặt, đốt rừng để chiếm đất làm nương rẫy trồng keo ngang nhiên tồn tại.
Nghệ An: Nạn phá rừng ở huyện Quỳ Châu đến mức báo động, nhiều cánh rừng tan hoang

Rừng bị “tùng xẻo” tan hoang

Quỳ Châu, Quỳ Hợp là vùng đất gắn liền với việc canh tác, sản xuất gỗ rừng trồng trong nhiều năm qua. Trên địa bàn huyện này, hàng nghìn hecta đất rừng đã được người dân trồng keo để cung cấp cho các nhà máy sản xuất răm gỗ xuất khẩu. Các nhà máy chế biến răm gỗ xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản đóng tại khu công nghiệp Nam Cấm, Quỳnh Lưu hay các xưởng nhỏ tại khu vực huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa, tiếp giám huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An đã trở thành đầu ra quan trọng cho ngành trồng rừng ở khu vực này. Từ đây, nhu cầu phát triển rừng trồng tăng và đó là một phần nguyên nhân dẫn đến nhu cầu đất rừng của người dân, gián tiếp làm cho nạn phá rừng tự nhiên gia tăng.

Theo phản ánh của người dân về nạn phá rừng, chúng tôi lặn lội về các xã Châu Thuận, Châu Hội, Châu Bính huyện Qùy Châu để tìm hiểu sự việc.

Dọc theo quốc lộ 48 đến ngã ba Châu Tiến, rẽ phải chừng 13 km, qua nhà văn hóa Bản Chiềng, men theo đường 229 thêm khoảng 10 km nữa là đến khu vực “Căng- Cu”, như người Thái nơi đây thường gọi.

Ghập ghềnh theo con đường đất nhấp nhô toàn ổ voi, ổ gà, đập vào mắt chúng tôi phía hai bên đường là những khoảng rừng đã bị đốt, chặt phá, những chòi canh được dựng lên một cách tạm bợ. Có những khoảng cây Keo đã được trồng cao chừng 50 cm. Những “vườn cây” này được rào chắn cẩn thận, kiên cố bằng hàng rào gỗ.

Những cây gỗ tự nhiên lớn bị đốn hạ
Những cây gỗ tự nhiên lớn bị đốn hạ

Nhiều nơi, rừng mới bị các đối tượng chặt phá và đốt xong, than củi còn nằm chỏng trơ. Những cảnh tượng này trải dài cho đến xã Châu Hội (Qùy Châu), tiếp giáp với đường đi sang tỉnh Thanh Hóa. Nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã bị “sét đánh” đốn hạ, chỉ còn trơ trọi phần gốc.

Tại vùng “Căng- Cu”, ngay tại cây đa có độ tuổi có lẽ cũng hàng chục năm nằm ngay vệ đường, rẽ trái men theo con dốc nhỏ đi chừng 500 m là những mảnh rừng cũng bị các đối tượng chặt phá tan hoang với diện tích lên đến hàng ha. Những mầm keo mới “lú nhú” nằm xen kẽ giữa rừng tự nhiên.

Thật xót xa, ngay cả nhũng nơi gần trụ sở UBND xã như bản Men, những cây có giá trị kinh tế cao như Lim, chu vi hàng chục cm cũng bị đốn hạ, nhiều khúc còn nằm ngổn ngang. 

Những vạt rừng bị tàn sát
Những vạt rừng bị tàn sát

Đáng nói, có chỗ sát cạnh Trạm quản lý bảo vệ rừng Châu Hội, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Qùy Châu các đối tượng vẫn ngang nhiên phá rừng.

Luồn theo đường mòn sau lưng trạm này, chúng tôi vào một khu vực tại bản Kẻ Sớn, Châu Hội. Trước mặt, hàng ngìn m2 rừng mới bị chặt, đốt xong. Có cây gốc đo được đường kính tới gần 1,5m, thân cây hơn 20m nằm bên cạnh một đống gỗ ngổn ngang gồm của cả các loại cây khác mà các đối tượng chưa kịp tẩu tán.

Ngược ra xã Châu Bính, tại bản Phá Đáy và bản Mờ, chúng tôi ghi nhận được hàng chục ha rừng cũng bị tàn phá không thương tiếc. Những vết loang lổ xen kẽ giữa rừng tự nhiên, thay thế màu xanh của rừng là những vạt keo, vạt mía còn nhỏ, hay là một màu nâu đen của than tro cây rừng bị đốt.

Cán bộ xã và người thân cũng phá rừng

Điều đáng ngạc nhiên đến các xã này, hỏi bất cứ người dân nào, rừng của cán bộ A, của cán bộ B ở đâu họ đều đọc vanh vách; nào là rừng của người thân ông nọ, bà kia và chỉ dẫn tận tình cho chúng tôi. Nhiều người còn bảo “các anh cứ đi đi, có người nhà em đón các anh và đưa đến tận nơi, nhưng các anh giữ bí mật giúp em cái ạ. Lộ ra chúng em khổ, ở đây dân phát rừng thì bị bắt, bị phạt, còn cán bộ phá rừng thì không ai phạt, ai bắt”.

Ngay chỉ cách trung tâm xã Châu Thuận khoảng 500m, khi thấy 1 vạt rừng đang cháy to, khi phóng viên dừng lại ghi hình, chị L (xin được giấu tên theo yêu cầu của người dân) vội gạt đi. Hỏi lý do, chị nói “các anh ghi hình làm chi, đây chỉ là việc nhỏ thôi, các anh đi vào khu Căng- Cu còn khủng khiếp hơn nhiều”.

Loang lổ những cánh rừng bị phá
Loang lổ những cánh rừng bị phá

Sau nhiểu ngày lặn lội trong rừng sâu để tìm hiểu sự việc theo phản ánh của người dân và chứng kiến sự tan hoang của các khu rừng nơi đây, chúng tôi được biết có nhiều khu rừng bị tàn phá là do người nhà của một số cán bộ các xã này gây ra.

Tại trụ sở UBND xã Châu Thuận, ông Cầm Bá Kinh, Chủ tịch xã thừa nhận  “UBND xã có nắm được việc bà con đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền và việc này là có thật. Xã đã lập nhiều phương án bảo vệ nhưng do lực lượng mỏng nên không kham nổi và đã đề nghị Kiểm lâm địa bàn tham mưu cho xã về vấn đề này”.

Ông Chủ tịch xã cũng xác nhận, trong các vụ phá, lấn chiếm rừng thì có ba hộ có quan hệ thân thích hay là cán bộ của xã. Cụ thể, vụ bà Lương Thị Bình là mẹ chồng của bà Lữ Thị Mai (Bí thư Đảng ủy xã), xảy ra tại lô 51, thửa 52, khoảnh 9 tiểu khu 160 với diện tích đất rừng là 3000 m2; vụ của ông Lô Văn Chính, bố chồng của bà Lương Thị Hảo (Phó bí thư Đảng ủy xã) đang làm ruộng và trồng keo trên đất rừng phòng hộ quản lý tại khoảnh 5, tiểu khu 159, khu vực khe Đầu Chó với diện tích đã khoanh vùng và sử dụng trái phép 10.062 m2.

Cây gỗ lớn bị đốn hạ, chỉ còn gốc cây
Cây gỗ lớn bị đốn hạ, chỉ còn gốc cây

Còn chỗ khu rừng có cây cổ thụ bên đường 229, lô 25, thửa 52, khoảnh 11, tiểu khu 160 với diện tích 3100 m2 là của anh Lô Văn An, Chủ tịch MTTQ. Hiện xã đã làm báo cáo gửi lên UBND huyện để xin hướng giải quyết”.

Theo Báo cáo số 74/BC-UBND của UBND xã Châu Thuận ngày 01/07/2019 gửi UBND huyện Qùy Châu, thì chỉ riêng 6 tháng đầu năm nay trên địa bàn đã xảy ra 27 vụ phá rừng, trong đó cả một số người là đảng viên, cán bộ và người thân thích của lãnh đạo xã này.

Trao đổi với phóng viên, ông Vi Văn Mậu, Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Châu Bính cũng cho biết, “Kiểm lâm  vừa tham mưu cho UBND xã xử phạt 3 vụ phá rừng tại bản Mờ với diện tích rừng bị phá 4.000 m2, mỗi đối tượng bị phạt 2.650.000 đồng”

Qua xác minh thực tế, chúng tôi thấy thực trạng phá rừng không chỉ diễn ra trong năm nay mà đã xảy ra nhiều năm. Có khu rừng, các đối tượng phá trồng keo đã gần thu hoạch nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại mà không bị xử lý.  

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An cấn vào cuộc sớm để làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan, nhằm ổn định an ninh trật tự trên địa bàn và giải tỏa sự bức xúc của người dân.

Một số hình ảnh mà phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam ghi nhận tại hiện trường:

 
 

Đọc thêm