Ngư dân bị “tàu lạ” phá ngư cụ: Vì sao bảo hiểm từ chối bồi thường?

(PLO) -Ông Trần Văn Chiến (ngụ thôn An Dương, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) phản ánh: Ông là chủ tàu cá vỏ thép số hiệu TTH.99999 TS. Ngày 15/12/2016 ông có đóng bảo hiểm toàn bộ về thân tàu, tài sản ngư lưới cụ cho tàu này, tại công ty Bảo Việt Thừa Thiên - Huế (theo chính sách Nhà nước hỗ trợ 90%, ngư dân đóng 10% giá trị bảo hiểm).
Ông Chiến (bên phải) và anh Đình – ngư dân bị thương trong lần chạm trán tàu lạ
Ông Chiến (bên phải) và anh Đình – ngư dân bị thương trong lần chạm trán tàu lạ

Vào ngày 14/3/2017, khi tàu ông vươn khơi, đánh bắt thủy sản tại tọa độ thuộc phạm vi chủ quyền của Việt Nam, thì bị tàu cá lạ cố tình kéo đến phá hoại, kéo cắt lưới, khiến ông thiệt hại 60/360 tấm lưới, tổn thất 720 triệu đồng. Thế nhưng khi ông yêu cầu công ty bảo hiểm giải quyết chế độ thì bị công ty này từ chối chi trả bồi thường.

Bị “tàu lạ” phá ngư cụ

Theo đơn trình bày của ông Chiến, vào ngày 14/3/2017, tàu ông vươn khơi, đánh bắt thủy sản xa bờ tại vùng biển Quảng Trị. Sau khi thả lưới, đến 2h sáng hôm sau, khi các thuyền viên trên tàu đang kéo lưới thì gặp nhiều tàu lạ nước ngoài kéo đến.

Những tàu cá này có công suất lớn, có hành vi rượt đuổi, ép sát tàu cá của ông Chiến, đồng thời tiến hành cắt ngư lưới cụ.Quá trình bị truy đuổi, một thuyền viên trên tàu ông Chiến là anh Phạm Văn Đình bị ngã chấn thương nặng. Trước tình hình đó, tàu ông buộc phải bỏ lại toàn bộ ngư lưới cụ để đưa người bị thương vào đất liền cấp cứu.

Sau khi cập bờ, ông Chiến đã đến Trạm kiểm soát biên phòng (thuộc đồn biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An) trình báo vụ việc, viết tờ trình và được trạm xác nhận: “Vào lúc 22h ngày 14/3/2017, tàu TTH 99999 TS vào trình báo theo nội dung trên là đúng”.

Theo ông Chiến, có 60 tấm lưới (giá trị 720 triệu đồng ) bị tàu lạ kéo và cắt mất không thể thu hồi hồi được. Ngoài ra, ông còn bị kéo mất 1 phao vô tuyến (tàu cá trang bị 4 phao vô tuyến và 1 máy, tổng giá trị 145 triệu đồng). Những tấm lưới thu hồi được hầu hết đều bị phá rách, không thể dùng để đánh bắt tiếp.

Sau ngày tàu cá gặp nạn, tàu ông Chiến không thể ra khơi vì ngư cụ bị hư hỏng nặng. Chưa kể nhiều thuyền viên gắn bó lâu nay cùng ông cũng quyết định “rút lui” vì có tâm lý lo lắng, sợ hãi, khiến tàu thiếu nhân lực. “Họ nói tàu tui đi xa quá, thường gặp phải tàu nước ngoài và bị những tàu này chèn ép, rượt đuổi rất nguy hiểm. Trong khi tàu vỏ gỗ đánh bắt gần và ngắn ngày hơn, cũng an toàn hơn”, ông Chiến kể. 

Để có thể tiếp tục ra khơi đánh bắt, ông Chiến phải bỏ ra hơn 300 triệu đồng để mua lưới, bổ sung vào số lưới đã bị mất; và để vá,dặm lại những tấm lưới bị phá rách.Ông còn phải chạy quanh vùng kiếm người “đi bạn”, bởi ai nghe “tàu sắt” cũng có ý né.

Vì sao không được bồi thường?

Sau sự việc, ông Chiến đã viết đơn gửi đến công ty bảo hiểm Bảo Việt Thừa Thiên - Huế để yêu cầu giải quyết về chế độ bảo hiểm. Tuy nhiên, 1 tháng sau, ông Chiến nhận được công văn trả lời từ phía công ty bảo hiểm (công văn số 183/BVTTH/GĐBT, ngày 10/4/2017), có nội dung:

“Theo quy định tại giấy chứng nhận bảo hiểm số 549198 đã cấp cho ông, thì khiếu nại tổn thất về lưới và phao vô tuyến không thuộc phạm vi bảo hiểm do: Nguyên nhân sự cố không thuộc phạm vi bảo hiểm của điều khoản bảo hiểm rủi ro đặc biệt (được chấp thuận đăng ký theo công văn số 18759/BTC – QLBH ngày 16/12/2015 của Bộ Tài chính), theo khoản 1, điều 2.

Vẫn công văn này: “Tại khoản 1 điều 2 – Phạm vi bảo hiểm, ghi: Trên cơ sở chủ tàu yêu cầu và đóng đủ phần phí bảo hiểm không được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định tại điều 5 điều khoản này, doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường:

Tổn thất toàn bộ thân tàu, hư hỏng bộ phận thân tàu được bảo hiểm, hư hỏng toàn bộ ngư lưới cụ, trang thiết bị đánh bắt thủy sản được bảo hiểm do những rủi ro dưới đây gây ra: Rủi ro do chiến tranh hoặc những rủi ro tương tự chiến tranh gây ra; Bị cướp, bạo loạn, hành động phá hoại hoặc khủng bố có tính chất chính trị; Bất cứ vụ nổ hoặc các loại vũ khí hoặc chất nổ nào”.

Công văn trả lời của công ty bảo hiểm cũng nêu rõ, căn cứ vào các điểm nêu trên, công ty bảo hiểm không thể giải quyết cho khiếu nại đòi bồi thường về lưới và phao vô tuyến của ông.

Theo ông Đặng Văn Chánh – Giám đốc công ty Bảo Việt, công ty Bảo Việt không thể làm trái với quy định. Cụ thể là tại khoản 1 điều 2 thuộc phạm vi bảo hiểm quy định, công ty bảo hiểm chỉ chi trả bảo hiểm trong trường hợp “hư hỏng toàn bộ ngư lưới cụ”.

Cụ thể hơn, tại “điều khoản bảo hiểm ngư lưới cụ, trang thiết bị đánh bắt thủy sản trên tàu khai thác hải sản xa bờ, dịch vụ tàu hậu cần khai thác hải sản xa bờ”, điều 3 quy định: Doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường ngư lưới cụ, trang thiết bị, trang thiết bị đánh bắt thủy sản… trong trường hợp ngư lưới cụ, trang thiết bị đánh bắt thủy sản bị mất khi tàu bị mất tích hoặc bị chìm hoặc hư hỏng toàn bộ khi tàu bị tổn thất toàn bộ gây ra bởi các rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm…

“Có nghĩa, nếu tàu bị đâm hư hỏng, sau khi được cơ quan giám định giám định mức thiệt hại, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả tiền bồi thường. Riêng về ngư lưới cụ, do Nhà nước không thể quản lý được trong quá trình ngư dân đánh bắt trên biển, nên mới quy định chặt chẽ là phải mất hoặc hư hỏng toàn bộ khi tàu mất tích hoặc chìm, hoặc hư hỏng toàn bộ khi tàu tổn thất toàn bộ”, ông Chánh giải thích.

Ông Chánh cũng thừa nhận, trên thực tế khi ngư dân ra khơi làm ăn, bảo vệ chủ quyền biển đảo, việc ngư lưới cụ bị các tàu lạ trên biển phá hoại gây thiệt hại là có thật. Tuy nhiên, do vướng quy định của nhà nước nên không thể bồi thường.

Như vậy, trong trường hợp của ngư dân Trần Văn Chiến, công ty bảo hiểm không chi trả bồi thường là làm đúng quy định. Tuy nhiên, để “dễ quản lý”, mà cơ quan chức năng đã đưa ra những quy định cứng nhắc, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của ngư dân. Thiết nghĩ, cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi quy định phù hợp với thực tế để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho ngư dân.

Ông Chiến cho biết, tàu vỏ thép số hiệu TTH 99999 TS được đầu tư thực hiện theo nghị định 67/NĐ – CP. Tàu có tổng mức đầu tư 18,4 tỷ đồng. Trong đó chủ tàu tự bỏ vốn 5%, Ngân hàng cho vay 95% vốn đóng mới. Tàu có chiều dài 28,09 mét, rộng 6,79 mét, kết cấu vững chắc, trang thiết bị bên trong hiện đại, chịu va đập và sóng gió tốt hơn tàu vỏ gỗ, hạn chế tối đa thiệt hại khi va chạm trên biển.

Tàu này chính là tàu vỏ thép đóng mới đầu tiên tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Gia đình ông Chiến có truyền thống làm nghề biển từ bao đời nay. Thời chưa có ngư dân nào đóng tàu xa bờ, ông Chiến đã mạnh dạng đóng tàu công suất 250 CV, là con tàu lớn nhất tỉnh lúc đó. Trước nhu cầu vươn khơi đánh bắt, ông Chiến lại đóng mới thêm chiếc tàu trên 400 CV.

Cuối năm 2016, ông Chiến chuyển từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép. Bởi đây là phương tiện đánh bắt hiệu quả, an toàn và có thể vươn khơi bám biển dài ngày, tăng năng suất và sản lượng hải sản, còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Đọc thêm