Người dân không được xây dựng trên chính phần đất cha ông để lại?

(PLO) - Vì kinh tế khó khăn, gia đình anh Hưng xây tạm một ngôi quán trên phần đất hương hỏa để bán hàng kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên không hiểu sao, chính quyền xã Bình Định (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) bỗng đưa hơn 20 người đến để cưỡng chế trong khi không có quyết định cưỡng chế. Dư luận địa phương hết sức bất bình, đặt  câu hỏi chính quyền có lạm dụng chức vụ và quyền hạn “o ép” dân không?
Gia đình anh Hưng đang thi công thì bị đình chỉ, gạch đá vẫn ngổn ngang
Gia đình anh Hưng đang thi công thì bị đình chỉ, gạch đá vẫn ngổn ngang
Trước đó, tháng 5/2014, gia đình anh Hưng đã ra báo cáo xã và cung cấp đầy đủ giấy tờ liên quan đến mảnh đất, mục đích để xây dựng tạm gian nhà trên mảnh đất ông cha để lại từ  năm 1981. 
Không được xây dựng trên phần đất hương hỏa
Trong đơn khiếu nại và giấy tờ chứng minh kèm theo gửi Báo Pháp luật Việt Nam, anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1981, ngụ xã Bình Định) cho biết, anh được chú mình ủy quyền sử dụng tổng diện tích 360m2 đất tại khu Mả Lọ thuộc thôn Yên Quán. Gần đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, anh và gia đình xây dựng một lán nhỏ, định kinh doanh bán hàng tạp hóa trên mảnh đất này.
Theo như tài liệu anh Hưng cung cấp, phóng viên thấy diện tích đất trên được UBND xã Bình Định phê duyệt theo đơn đề nghị xin cấp đất của ông Nguyễn Văn Trưng (là bố của anh Hưng - PV) vào năm 1981. Tiếp đó đến ngày 10/11/1990, UBND xã Bình Định xác định quyền chuyển nhượng mảnh đất trên của ông Trưng cho em trai là ông Nguyễn Văn Sơn.
Cũng theo nội dung trong đơn, anh Hưng cho biết: Cuộc sống của gia đình cứ trôi đi theo thời gian. Đến nay, gia đình gặp khó khăn về nhà ở và kinh tế cộng với mẹ già ốm đau, bệnh tật. Đến ngày 28/8/2014, gia đình anh Hưng họp bàn và đưa ra quyết định xây dựng tạm khoảng 36m2 trên tổng diện tích 360m2 để mở quán kinh doanh tạp hóa, bán hàng kiếm thêm thu nhập, bớt phần khó khăn cho gia đình hàng ngày. 
Trong lúc đang tiến hành xây dựng, ngày 30/8/2014 UBND xã tổ chức khoảng 20 người gồm tất cả các ban ngành của xã Bình Định xuống để tháo dỡ và cưỡng chế. Điều ngạc nghiên là khi anh Hưng hỏi quyết định cưỡng chế đâu thì tổ công tác không đưa ra được. Mãi đến cuối giờ chiều cùng ngày, phía gia đình anh Hưng mới nhận được quyết định đình chỉ thi công và yêu cầu gia đình xuất trình giấy tờ liên quan. 
Anh Hưng trình bày sự việc với phóng viên
Anh Hưng trình bày sự việc với phóng viên
Đình chỉ vì giấy tờ đất bị 
làm giả?
Anh Hưng bức xúc cho biết, "vào khoảng tháng 5/2014, người chú của anh Hưng đã đến UBND xã gặp ông Đào Xuân Quang là Chủ tịch UBND xã Bình Định (Vĩnh Phúc) và bà Nguyễn Thị Phương, cán bộ địa chính xã để xuất trình giấy tờ bản gốc và các biên bản kèm theo để báo cáo xin phép xây dựng. Buổi làm việc đã được ghi lại bằng biên bản. Thế nhưng không hiểu sao, xã vẫn ra quyết định đình chỉ thi công, thậm chí còn đòi thu giữ giấy tờ để kiểm định."
Hiện nay, gia đình anh Hưng và người dân sinh sống nơi đây rất bức xúc. Dư luận tự hỏi cán bộ xã có lạm quyền không khi đưa hơn 20 người xuống cưỡng chế đình chỉ, không cho người dân xây dựng trên chính mảnh đất của cha ông để lại. “Phía gia đình rất mong được chính quyền xã Bình Định và huyện Yên Lạc giải thích rõ cho gia đình tôi và người dân xã Bình Định tại sao gia đình tôi lại không được xây trên chính mảnh đất cha ông để lại từ  năm 1981” - anh Hưng chia sẻ với PV.
Liên lạc qua điện thoại để  đặt lịch làm việc với ông Đào Xuân Quang, Chủ tịch UBND xã Bình Định, lãnh đạo này cho biết: “Trường hợp gia đình anh Hưng bị quyết định đình chỉ xây dựng vì giả mạo giấy tờ, định chiếm đất công”. Ngoài ra, vị Chủ tịch xã cũng khẳng định xã đã có đơn đề nghị huyện điều tra làm rõ, nếu cần biết thêm thông tin, phóng viên cứ lên huyện làm việc.
Sự việc sẽ được phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc trong những số báo tới.

Đọc thêm