Nguy cơ ngồi tù 2 năm vì một vụ đổi đất

(PLO) -Có phần đất giáp quốc lộ 3 bề ngang 1m, sâu 40, ông Lê Văn Phương (SN 1969, ngụ thôn Phù Mã, huyện Phù Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) từng thỏa thuận bán cho bà Nguyễn Thị Kiểm (SN 1968, ngụ cùng thôn). Việc mua bán không thành. Năm năm sau, bà Kiểm khởi kiện ông Phương về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
 Ông Phương cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ông Phương cho rằng mình không lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chứng cứ quan trọng để tòa án huyện Sóc Sơn dựa vào để tuyên phạt ông Phương hai năm tù giam là giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Nhưng ông Phương khẳng định đã chấm dứt giao dịch trên, hủy giấy chuyển nhượng. Tại các phiên tòa, ông Phương đề nghị được xem bản gốc giấy chuyển nhượng này, nhưng không được chấp nhận.

Vụ đổi đất không thành

Theo hồ sơ vụ án, năm 2004, ông Phương là người san lấp mặt bằng đất giãn dân tại khu bờ hồ, thôn Phù Mã. Ông được các hộ dân ủy quyền sắp xếp vị trí từng thửa đất cho từng hộ sau khi đã có mặt bằng chung.

Ngày 12/10/2008, ông Phương bán cho bà Kiểm 40m2, chiều ngang 1m, dài 4m, tính từ quốc lộ 3 bám sát đường bê tông vào nhà bà Kiểm. Hai bên viết giấy mua bán với giá 140 triệu đồng. Ông Phương đã viết giấy chuyển nhượng và nhận trước của bà Kiểm 100 triệu đồng. 

Sau đó, bà Kiểm phát hiện phần đất trên đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp sổ đỏ cho người khác nên đòi tiền lại nhưng ông Phương không trả. Bà Kiểm làm đơn tố cáo ông Phương.

Theo bà Kiểm trình bày, bà có mua đất của ông Phương với giá 140 triệu đồng, đã trả trước 100 triệu, còn lại khi nào dời cột điện xong sẽ thanh toán. Đến khi bà xây tường rào, vợ chồng hàng xóm ra ngăn cản, nói đó là đất của họ đã được cấp sổ đỏ. Bà Kiểm đòi lại tiền nhưng ông Phương không trả.

Ông Phương lại trình bày nội dung trái ngược: Năm 2003, ông mua mảnh ruộng ở khu vực Bờ Hồ, chiều rộng giáp quốc lộ 3 là 7,5m. Trong năm này, ông đã chuyển lại 6m mặt đường cho người khác, có giấy tờ chuyển nhượng và giữ lại 1,5m.

Năm 2005, ông Nguyễn Văn Tâm là hàng xóm được cấp đất tại khu vực Bờ Hồ, cạnh 1,5m đất của ông Phương. Khi đó ông Phương biết bà Kiểm có nhu cầu mua đất nên gặp ông Tâm đề nghị hoán đổi vị trí 1m đất mặt đường của ông lấy 1m đất của ông Tâm để bán cho bà Kiểm với giá 140 triệu đồng. 

Ông cho rằng, dù trên giấy mua bán viết có nhận 100 triệu đồng nhưng thực tế chưa nhận, vì sau khi bán đất cho bà Kiểm thì người hàng xóm không đồng ý đổi đất nữa. Lý do giữa người này và bà Kiểm có hiềm khích. Sau đó ông Phương đến gặp bà Kiểm yêu cầu hủy giấy chuyển nhượng đất.

Cũng theo ông Phương, sau đó ông biết anh trai bà Kiểm có nhu cầu mua đất nên tiếp tục thỏa thuận bán cho ông này phần đất từng bán cho bà Kiểm, giá 100 triệu đồng, đã nhận tiền.

Đến năm 2010, bà Kiểm bị đi tù. Sau khi ra tù, bà đến gặp ông Phương ép viết giấy bán đất và hẹn trả tiền. Nhờ có hai tờ giấy này, bà Kiểm đã làm đơn tố cáo đến CQĐT.

Gian nan trả lại tiền bán đất

Ông Phương cho rằng vụ kiện là âm mưu của anh em bà Kiểm. Bởi khi bán đất cho anh trai bà Kiểm, người đổi đất cũng không đồng ý vì có hiềm khích với cả hai anh em bà này. 

Ông Phương đã nhiều lần đến gặp anh bà Kiểm đề nghị hủy giao dịch, trả lại tiền, nhưng người này đều không nhận, nói đợi em gái ra tù rồi tính.

Đến năm 2013, bà Kiểm mãn hạn tù, ông Phương liền đến trả lại tiền bán đất trước đó. Lúc này bà Kiểm đòi tổng cộng 300 triệu đồng gồm cả lãi. Ông Phương không đồng ý bởi trước đó đã nhiều lần tìm đến trả lại tiền, song anh trai bà Kiểm không nhận, không phải ông cố tình chây ì.

Sau nhiều buổi thương lượng, bà Kiểm giảm xuống đòi bồi thường 200 triệu đồng. Ông Phương vì không muốn rắc rối đã chấp nhận. Hai bên hẹn ngày 20/6 sẽ giao nhận tiền. Nhưng ngày 18/6, bà Kiểm lại thông báo đã kiện ông Phương về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Diện tích đất ông Phương cho rằng thuộc sở hữu của mình.
Diện tích đất ông Phương cho rằng thuộc sở hữu của mình.

Ông Phương nghi bà Kiểm khởi kiện mình vì không nghe theo bà này xúi giục đi kiện chính quyền. Theo ông, bà Kiểm cho rằng bản án buộc bà phải đi tù có lỗi của chính quyền, lại biết ông Phương là cán bộ trong ban chia đất của xã nên đã đề nghị ông đứng ra làm đơn khiếu kiện chính quyền trong quản lý đất đai, bà sẽ hậu thuẫn. 

Khi ông không đồng ý, bà này đe dọa sẽ khởi kiện về việc lừa đảo bán đất. “Rõ ràng tôi mua bán trung thực, khi không thành đã đến trả lại tiền, vậy mà bà Kiểm lật lọng. Bà ấy đã cố tình gài bẫy tôi”, ông Phương nói.

Cũng theo ông Phương, sau đó sự việc được bà Kiểm gửi đơn ra CQĐT. Ông đã nhiều lần làm việc với công an huyện, khai báo rõ ràng như trên. Thông qua công an huyện, ông đã nộp 200 triệu với mục đích khắc phục hậu quả cho bà Kiểm. Trước đó ông đồng ý trả cho anh em bà Kiểm số tiền này nhưng đến phút chót, bà đổi ý không nhận.

Bảy lần trả hồ sơ, bốn lần xét xử chưa xong

Ngày 26/11/2015, TAND huyện Sóc Sơn đưa vụ việc ra xét xử sơ thẩm. Tòa căn cứ vào tờ giấy photo mua bán đất do bà Kiểm cung cấp để buộc tội ông Phương lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nội dung là ông Phương bán đất theo kiểu bán “vịt trời”, không có đất nhưng vẫn bán. Ông Phương bức xúc cho rằng giấy tờ gốc mình đã xé, còn những giấy tờ bà Kiểm cung cấp có thể là bản photo, không thể là chứng cứ buộc tội mình.

Ông Phương còn khẳng định có đủ bằng chứng người trước đây bán cho ông 7,5m đất bề rộng, sâu 40; lại có đủ giấy tờ đã chuyển nhượng 6m. Như vậy ông còn lại 1,5m mặt đường. Vậy tại sao tòa nhận định ông không còn đất để bán? 

Mặt khác, ông Phương đề nghị tòa cung cấp bản gốc giấy tờ mua bán với bà Kiểm nhưng tòa chỉ đưa ra được bản photo, ông cho rằng chưa thỏa đáng. 

Tuy nhiên, HĐXX nhận định tài liệu này đã được CQĐT huyện Sóc Sơn thu thập đúng trình tự tố tụng, đã được tòa án tối cao ký xác nhận sao y bản chính nên có căn cứ xác định tài liệu này là bản gốc được lưu tại hồ sơ tòa án tối cao. Lời giải thích này không được ông Phương chấp nhận. 

“Tôi khẳng định đã hủy giấy mua bán, tờ photo là do bà Kiểm chủ ý lưu lại để kiện tôi. Nay tôi cần đối chất, xem tận mắt bản gốc bằng chứng này”, ông Phương quả quyết.

Theo ông Phương, nhiều bằng chứng cho thấy ông có đất nhưng không được tòa xem xét, như xác nhận của trưởng thôn Phù Mã, hoặc của hai hộ liền kề gia đình ông.

 “Trong vụ án tranh chấp đất khác của bà Kiểm liên quan đến mảnh đất này, khi được hỏi, 16 lần bà Kiểm khẳng định không hề mua bán với tôi. Vậy sao tôi lại lừa đảo bà ấy? Nói tôi không có đất là vô lý”, ông Phương trình bày.

Tòa án huyện sau đó bảy lần trả hồ sơ, bốn lần đưa ra xét xử, trong lần sau cùng đã tuyên phạt ông Phương hai năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ông Phương kháng cáo lên tòa án TP Hà Nội. 

Ngày 30/5/2016, TAND TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án nhưng tạm hoãn. Đến ngày 20/6 lại hoãn do vắng mặt bị hại./. 

Đọc thêm