Nhiều dự án tiền tỷ “phơi sương” giữa Cố Đô

(PLO) - Nhiều dự án được cấp phép lên tới cả ngàn mét vuông tại những khu đất có vị trí đắc địa nhất, nhì TP Huế, nhưng nhiều doanh nghiệp không đủ lực để triển khai hoặc không được phép triển khai tiếp dự án, đang gây lãng phí lớn.
Dự án dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp của VNPT giờ thành nơi… dán xe, rửa xe
Dự án dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp của VNPT giờ thành nơi… dán xe, rửa xe
Đất “vàng” thành… quán rửa xe
Dự án xây dựng Trung tâm Thương mại An Hòa của Cty TNHH Hoàng Phú được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 24/11/2010. Địa điểm thực hiện dự án tại phường Phú Thuận, TP Huế có diện tích 6.257m2, với tổng mức đầu tư 36 tỷ đồng. 
Tiến độ thực hiện dự án được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư: Khởi công vào tháng 7/2009, hoàn thành đưa vào hoạt động tháng 12/2011. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Cty này đã thi công một số trụ và hạng mục nhỏ rồi “đắp chiếu” đến tận bây giờ. 
Lãng phí hơn là Dự án Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen, tọa lạc ngay giao điểm của các con phố lớn Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Nguyễn Tri Phương và Ngô Quyền, đã được UBND tỉnh này đồng ý chủ trương cho Cty cổ phần đầu tư và xây dựng Viwaseen - Huế đầu tư với quy mô 2 tầng hầm và 15 tầng nổi trên diện tích hơn 2.500m2. Tuy nhiên, sau khi hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công xong phần thô (khoảng 80 tỷ đồng), dự án này lại “án binh bất động” nhiều năm tháng qua.
Ngoài các doanh nghiệp ở địa phương, “ông lớn” VNPT cũng vào Huế triển khai Dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp tại khu đất số 4 đường Hà Nội. Được biết, dự án này được thực hiện thông qua trúng đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất với tổng giá trị 130,7 tỷ đồng từ hồi tháng 3/2012. 
Thế nhưng đã hơn 3 năm nay, dự án này vẫn chưa triển khai trên thực địa. Khu đất “vàng” nhiều doanh nghiệp muốn mà không được giờ đang được người dân tận dụng làm quán cà phê giải khát và dịch vụ rửa xe, dán xe… 
Cũng Nam tiến như doanh nghiệp ngành viễn thông, Cty cổ phần Sông Đà – Thăng Long được giao triển khai Dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp tại khu nhà đất số 14, 16, 18 và 20 Lý Thường Kiệt, TP Huế của Công ty cổ phần Sông Đà - Thăng Long từ năm 2009, nhưng đến nay doanh nghiệp này mới đầu tư  vào dự án khoảng 30 tỷ đồng với các hạng mục chủ yếu như đúc vè ép cọc thử rồi khựng lại; phía trong khuôn viên khu đất vắng bóng người, cỏ mọc um tùm. Được biết, hiện Sông Đà – Thăng Long đã tìm được đối tác là Cty cổ phần đầu tư xây dựng du lịch và phát triển Đất Vàng để sang lại dự án.
Nhà đầu tư mất dạng, tỉnh “bó tay”?
Trước thực trạng nhiều dự án đang “trơ gan cùng tuế nguyệt” gây lãng phí đất “vàng” ở Cố Đô, phóng viên đã tìm hiểu thông tin ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế thì được biết về nguyên tắc, Dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp tại khu nhà đất số 14, 16, 18 và 20 Lý Thường Kiệt và Dự án xây dựng công trình dịch vụ du lịch, văn phòng, căn hộ cao cấp của VNPT ở số 4 đường Hà Nội nếu chậm tiến độ 24 tháng sẽ bị xem xét thu hồi. 
Tuy nhiên, thời gian qua do các doanh nghiệp thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Chính phủ, dự án khó tiếp cận với các dòng vốn tín dụng do thị trường bất động sản “đóng băng”... nên địa phương đã chia sẻ khó khăn và các nhà đầu tư cũng tìm giải pháp về vốn và kêu gọi nhà đầu tư có năng lực hơn để chuyển nhượng dự án. 
Mặt khác, Luật Đất đai năm 2003 quy định khi thu hồi dự án, thu hồi đất phải bồi thường tài sản trên đất cho nhà đầu tư, trong khi  những khoản tiền mà nhà đầu tư đã bỏ ra để đấu giá quyền sử dụng đất, đầu tư tài sản trên đất tại các dự án trên là khá lớn, nếu không có nhà đầu tư mới thế chân  thì tỉnh không đủ khả năng để bồi thường tài sản đã đầu tư khi thu hồi đất tại các dự án đã nêu. Vì vậy, vấn đề thu hồi đất chưa thể đặt ra.
Đối với Dự án xây dựng Trung tâm thương mại An Hòa, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhiều lần mời nhà đầu tư họp để giải quyết các vấn đề liên quan nhưng đơn vị này không phối hợp và cố tình né tránh. Dự án chậm tiến độ và đủ điều kiện để thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư nhưng do trước đây chưa có quy định về xử lý chấm dứt dự án đầu tư trong trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư nên Sở Kế hoạch và Đầu tư chưa thể kiến nghị UBND tỉnh chấm dứt dự án này.
Đầu năm 2015, Cty cổ phần đầu tư và xây dựng Viwaseen -Huế đổi tên thành Cty đầu tư kinh doanh nhà Thành Đạt, đồng thời đổi tên Dự án Siêu thị, cao ốc văn phòng Viwaseen thành Dự án Le Babilone De Hue. 
Bên cạnh đó, Cty này còn đề nghị điều chỉnh mục tiêu dự án từ siêu thị và cao ốc văn phòng thành khu thương mại, văn phòng cho thuê kết hợp căn hộ khách sạn. Hiện tại Công ty đã thuê tư vấn lập lại thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng từ 143 tỷ đồng lên 260 tỷ đồng; dự kiến các thủ tục này sẽ hoàn thành và khởi công lại vào cuối tháng 12/2015.
Xung quanh vấn đề này, ông Phan Thiên Định – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  Thừa Thiên Huế cho biết, Sở này dự kiến sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xử lý tình trạng dự án chậm triển khai theo hướng chấm dứt dự án trong trường hợp cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư (có hiệu lực từ ngày 27/12/2015).

Đọc thêm