Nhiều nghi vấn cần làm rõ tại Công ty Hóa chất mỏ Trung Trung Bộ

(PLVN) - Theo nguồn tin, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng đang tiến hành các bước thanh, kiểm tra Công ty Hóa chất mỏ Trung Trung Bộ trong việc cho thuê đất công, sử dụng đất công và tài sản trên đất. Trước đó chưa lâu, Công ty nay đã bị xử phạt do nhiều lần sai phạm, tái phạm trong khai thác khoáng sản vượt phép tại mỏ đá Phước Nhân.
Mỏ đá Phước Nhân.
Mỏ đá Phước Nhân.

Đặc biệt hơn, trong quá trình tìm hiểu, được biết đơn vị này còn có nhiều mập mờ trong việc bóc đất tầng phủ mỏ đá để khai thác bán đất san lấp.

Nhiều nghi vấn cần làm rõ 

Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Trung Trung Bộ (trụ sở tại số 137 Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) có vốn 100% nhà nước, trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Hóa chất mỏ Vinacomin (Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam). 

Công ty này hiện đang được thực hiện khai thác mỏ đá Phước Nhân trên địa bàn xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Thế nhưng, suốt thời gian dài, các cấp chính quyền đã nhận nhiều phản ánh về sai phạm trong khai thác khoáng sản của đơn vị. 

Sau khi Thanh tra Sở TN&MT vào cuộc, vào tháng 1/2019, Công ty bị xử phạt với lỗi vi phạm trong khai thác khoáng sản vượt công suất tại mỏ đá Phước Nhân số tiền 8 triệu đồng. Ngày 5/1, Chánh Thanh tra Sở TN&MT tiếp tục ký Quyết định xử phạt số 45/QĐ-XPHC xử phạt Công ty Trung Trung Bộ do vi phạm khai thác khoáng sản vượt công suất được phép khai thác 7,6% tại mỏ đá trên. Căn cứ Nghị định 33/2017/NĐ-CP, Thanh tra Sở xử phạt Công ty này 10 triệu đồng. 

Theo Sở TN&MT, đây là mức phạt kịch khung do áp dụng tình tiết tăng nặng tái phạm. Quyết định xử phạt hành chính của Chánh Thanh tra Sở TN&MT giao ông Nguyễn Lương Minh, Giám đốc Công ty Trung Trung Bộ là người đại diện để chấp hành; nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Điều này khiến dư luận đang đặt câu hỏi, đơn vị liên tiếp tái phạm cùng một lỗi, nhưng vì sao hình thức xử phạt chỉ áp dụng với tình tiết tăng nặng kịch khung trong giới hạn khung áp dụng cho sai phạm lần đầu?

Chưa hết, ngoài những sai phạm về trữ lượng khai thác được xác thực từ hai biên bản xử phạt trên, PV còn nhận thông tin phản ánh khác cho rằng, đơn vị này đã lợi dụng việc bóc đất tầng phủ mỏ đá để khai thác bán đất san lấp. Ngoài số tiền bán đất tầng phủ cho các dự án san lấp, đơn vị này còn được thanh toán một khoản chi phí bóc đất tầng phủ theo quy định khai thác mỏ.

Giải thích về vấn đề này, theo ông Nguyễn Lương Minh, Giám đốc Công ty Trung Trung Bộ, để thi công khai thác được đá, đơn vị phải bỏ tiền ra thi công bóc lớp đất tầng phủ bên ngoài mỏ đá và vận chuyển đi đổ tại bãi thải đúng phép. Có điều khi được hỏi lượng đất tầng phủ được bóc vận chuyển đi đổ tại bãi thải nào, ông Minh cho rằng là “công việc nội bộ của Công ty, không thể trả lời với báo chí được”.

Trái ngược với những gì ông Minh giải thích, một cán bộ Phòng Tài chính kế toán Công ty Trung Trung Bộ khẳng định, công tác bóc đất tầng phủ mỏ đá được chia ra nhiều giai đoạn. Lâu nay, tất cả lượng đất tầng phủ đều được tận thu, bóc bán cho các dự án làm vật liệu san lấp mặt bằng.

PV đặt câu hỏi để được rõ vấn đề, đất tầng phủ được bán lấy tiền, vừa được có tiền, vừa không phải tốn chi phí đào, vận chuyển đi đổ. Vậy có chuyện Công ty thanh toán tiền bóc tầng phủ và vận chuyển đi đổ thải thêm một lần nữa không? Người này xin không trả lời. 

Tiếp tục tìm hiểu về vụ việc, vào vai người đi mua đất tầng phủ để san lấp, PV được ông Nguyễn Xuân Bản, Phó Giám đốc mỏ đá Phước Nhân cho biết, hiện nay đất tầng phủ không còn nhiều, giấy phép bóc tầng phủ cũng hết hạn.

Ông Nguyễn Xuân Bản, Phó Giám đốc phụ trách mỏ đá.
 Ông Nguyễn Xuân Bản, Phó Giám đốc phụ trách mỏ đá.  

Lâu nay đất tầng phủ chủ yếu cho một vài đơn vị làm việc với giám đốc công ty, sau đó tự đưa máy móc vào đào vận chuyển đi san lấp cho các dự án. “Nói vậy chứ mỗi khối đất, có thể có chuyện lấy từ 5 đến 6 ngàn đồng trên 1m3, đó là xe của họ tự múc, chứ nếu xe bên Công ty múc phải lấy hơn”, ông Bản tiết lộ. 

Tại văn phòng làm việc ở mỏ đá, bà Cao Thị Nhung, kế toán mỏ đá Phước Nhân, chia sẻ thêm, muốn mua đá, có thể làm việc và báo giá luôn bây giờ, còn mua đất tầng phủ, làm việc riêng với sếp (Giám đốc Nguyễn Lương Minh - PV). “Người ta mua được, anh chị mua được, muốn mua được đất tầng phủ, chỉ cần “ABC” với sếp là được ấy mà”, bà này nói thêm.

Trước tình trạng mập mờ theo kiểu lãnh đạo Công ty bảo đổ thải, kế toán bảo bán, quản lý mỏ bảo cho nhưng có lấy tiền… dư luận có quyền hoài nghi. Không chỉ vậy, còn có thắc mắc nếu tất cả khối lượng đất tầng phủ được lãnh đạo Công ty cho các đơn vị làm vật liệu san lấp, vậy hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào xuất cho các dự án đã sử dựng lượng đất trên làm san lấp, do đơn vị nào đảm trách?

Sử dụng đất công không đúng mục đích?

Cũng theo một nguồn tin, Thanh tra Sở TN&MT Đà Nẵng đang tiến hành làm việc với Công ty Trung Trung Bộ trong việc quản lý, cho thuê, sử dụng đất công và tài sản trên đất.

Theo đó, thanh tra việc cho một ngân hàng thuê khu đất có gắn tài sản ở địa chỉ số 137 Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng nhiều năm qua. Nơi đây có nhiều nhiều khối nhà, đồng thời là trụ sở chính hiện tại của Công ty Trung Trung Bộ. Chánh Thanh tra Sở TN&MT Nguyễn Thị Quỳnh Như cho biết, hiện thanh tra đang làm việc với Công ty Trung Trung Bộ. Còn ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT trả lời báo chí, cho hay sự việc đang trong quá trình thực hiện kế hoạch nên chưa có kết luận, sau khi kết luận sẽ thông tin.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sáng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hóa chất mỏ (đơn vị cấp trên của Công ty Trung Trung Bộ), trả lời, trước đây do nhu cầu công việc nên Công ty Trung Trung Bộ đã điều nhiều nhân viên lên huyện Hòa Vang làm việc. Vì thế, một nửa khối nhà ở trụ sở chính 137 Ngũ Hành Sơn rảnh ra nên Trung Trung Bộ đề xuất cho thuê.

Việc này cũng tranh thủ và để phát huy tài sản ấy thôi. Trung Trung Bộ có báo cáo xin ý kiến Tổng Công ty. Bây giờ lấy lại rồi vì nhân viên từ kho xưởng trở lại, ngân hàng họ cũng đồng ý. Nếu kết luận chúng tôi có sai sót, đơn vị sẽ có trách nhiệm báo cáo, giải trình”, ông Sáng nói.

Trước đây, PLVN từng có một số bài viết phản ánh về Công ty Trung Trung Bộ có một số bê bối xảy ra liên quan xuất hóa đơn “khống”. Trong đó, tai tiếng nhất được phát hiện có tiếp khách bằng hóa đơn từ cơ sở bán bu lông, ốc vít nhiều năm trước. Công ty này sau đó đã thay đổi lãnh đạo, khắc phục sai phạm.

Đến năm 2019, ngành Thuế và Công an TP Đà Nẵng lại tiếp tục phát hiện và điều tra những nghi vấn mới về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp ở Công ty Trung Trung Bộ và các đối tác. Hiện sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

Đọc thêm