Nhức nhối phòng khám tư: Động đâu cũng thấy sai phạm

(PLO) -Sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân đã góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của người dân. Tuy nhiên, hoạt động của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Thủ đô cũng đang bộc lộ nhiều bất cập. Qua công tác thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý, tạm đình chỉ hàng loạt phòng khám tư trên địa bàn do tồn tại nhiều sai phạm. 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác kiểm tra phòng khám tư nhân Thiên Tâm
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác kiểm tra phòng khám tư nhân Thiên Tâm

Thế nhưng, không ít cơ sở khám chữa bệnh vừa bị xử phạt xong lại nhởn nhơ hoạt động, tiếp tục khiến nhiều người bệnh “tiền mất tật mang”. Câu hỏi đặt ra là tại sao các phòng khám liên tục vi phạm này lại được tồn tại, thậm chí phát triển mạnh? Vai trò của các cơ quan chức năng ở đâu? 

Cứ kiểm tra là ra sai phạm

Những năm gần đây, trước nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, nhà nước đã có nhiều chính sách mới nhằm hỗ trợ phát triển y tế tư nhân song hành cùng với y tế công, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với các cơ sở khám, chữa bệnh y tế tư nhân theo các quy định của pháp luật, nhằm tăng cường quản lý các cơ sở hành nghề y tế tư nhân và góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở này.

Thực tế cho thấy, mặc dù giá dịch vụ y tế cao hơn so với bệnh viện công, nhưng người bệnh được đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, các phòng khám tư nhân được nhiều người ưu tiên lựa chọn, nhất là đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả. 

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở chăm sóc sức khỏe có chất lượng, với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hợp lý thì vẫn còn nhiều cơ sở hoạt động “chui”; không niêm yết giá; ghi chép hồ sơ, bệnh án không đầy đủ; không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực khám chữa bệnh; bác sĩ không có giấy phép hành nghề; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được cấp phép; quảng cáo quá phạm vi; điều trị theo kiểu “nuôi” bệnh, bệnh nhẹ thành bệnh nặng, cố tình “móc túi” người bệnh…

Trên thực tế, không ít phòng khám tư đã để xảy ra những vụ việc đau lòng do mải chạy theo lợi nhuận mà không chú trọng đến vấn đề y đức. Như trường hợp thai phụ Trần Thị Thu Tr. (29 tuổi, Quảng Ninh), khi khám và điều trị phụ khoa chỉ cần kê đơn về tự đặt thuốc, nhưng để thu tiền của bệnh nhân, Phòng khám đa khoa 168 Hà Nội đã chỉ định bệnh nhân sử dụng dịch vụ khí dung, dẫn đến hậu quả sản phụ bị hôn mê, chết não và tử vong sau đó. 

Được biết, trước đó, phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội đã từng bị ngành chức năng “sờ gáy” và xử phạt nhiều lần. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, phòng khám này bị xử phạt tới 6 lần về các hành vi mạo danh là phòng khám của Bộ Y tế, vi phạm hành chính về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, bán thuốc khi chưa được cấp phép, sử dụng bác sĩ Trung Quốc hành nghề trái phép, sử dụng thuốc và thiết bị y tế nhập lậu. Tuy nhiên, chỉ đến khi xảy ra sự cố đáng tiếc, phòng khám mới bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Từ sự việc nói trên, các cơ quan chức năng mới ráo riết kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm ở những phòng khám tư nhân trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, mới đây, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã đình chỉ hoạt động của phòng khám đa khoa Nhân Ái Hà Nội (số 709, đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) vì nhiều sai phạm.

Trong đó, đoàn phát hiện phòng khám thực hiện một số kỹ thuật không nằm trong danh mục kỹ thuật đăng ký và được phê duyệt. Cụ thể, phòng khám thực hiện làm xét nghiệm trong giờ hành chính, làm điện tâm đồ cho bệnh nhân trong khi các kỹ thuật đó là không được phép.

Một bệnh nhân đang điều trị lưu trú tại phòng khám từ ngày 13/3 trong khi theo quy định, phòng khám không được phép lưu bệnh nhân quá 24 giờ. Về thiết bị y tế, kiểm tra cho thấy có một số thiết bị lắp đặt tại phòng khám không nằm trong danh mục được phê duyệt. Về vấn đề quản lý thuốc, tủ thuốc cấp cứu bị biến thành kho thuốc và rất nhiều thuốc không đúng như danh mục niêm yết ngoài tủ thuốc. Việc xử lý rác thải cũng không đúng quy định khi để lẫn rác thải y tế với rác thải sinh hoạt.

Đặc biệt, trong giấy phép đăng ký hoạt động có 3 bác sĩ quốc tịch Trung Quốc, trong đó có 2 bác sĩ đã về nước từ trước Tết nhưng chưa rút giấy phép hoạt động tại phòng khám. Vị bác sĩ Trung Quốc còn lại không có mặt tại phòng khám tại thời điểm kiểm tra. Phòng khám đăng ký hoạt động 6 chuyên khoa, nhưng tại thời điểm kiểm tra trong giờ hành chính chỉ có 2 bác sĩ chuyên khoa nội và chuyên khoa ngoại có mặt - tức là không đủ điều kiện hoạt động của phòng khám đa khoa.

Phòng khám chuyên khoa Răng - Hàm - Mặt BIOTIS tại địa chỉ B002, tầng 1 The Manor Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) cũng bị đình chỉ hoạt động với nhiều sai phạm, như: Theo giấy phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội cấp ngày 25/8/2014, phòng khám này chỉ khám bệnh, chữa bệnh cho người Hàn Quốc tại Việt Nam nhưng thời điểm kiểm tra lại chữa cho cả người Việt Nam.

Phòng khám niêm yết giá dịch vụ và phòng chụp X quang, kỹ thuật Implant là những dịch vụ kỹ thuật không được cấp phép. Phòng khám cũng chưa thực hiện đúng quy định về quy chế chuyên môn như xử lý rác thải, có một số thuốc hết hạn sử dụng. Về nhân sự, có một điều dưỡng viên chưa có tên tại danh sách nhân sự được Sở Y tế phê duyệt.

Gần đây nhất, ngày 21/4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế đã bất ngờ kiểm tra hoạt động của phòng khám tư nhân Thiên Tâm (ở số 212 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội).

Qua kiểm tra phát hiện bộ phận xét nghiệm của phòng khám này chỉ có một máy soi vi sinh, không có máy xét nghiệm sinh hóa như trong biên bản thẩm định cấp giấy phép hoạt động. Ghi chép sổ sách bệnh án cũng không đầy đủ, các mẫu hồ sơ không đúng quy định và không có đơn thuốc.

Đặc biệt, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc hoạt động nhưng chỉ có bệnh án, đơn thuốc bằng tiếng Việt mà không có bệnh án được ghi bằng tiếng Trung. Đáng chú ý, tại phòng khám này có một số dịch vụ được niêm yết thực hiện tại phòng khám như khám nam khoa nhưng chưa được Sở Y tế phê duyệt, điều này đồng nghĩa với việc phòng khám hành nghề vượt quá phạm vi cho phép. Nghiêm trọng hơn, phòng khám đã vi phạm quảng cáo trên internet khi chưa được xác nhận nội dung và vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được cho phép.

Cuối năm 2016, Thanh tra Sở Y tế cũng đã tiến hành kiểm tra Phòng khám Đa khoa Thiên Tâm và phát hiện phòng khám này thực hiện dịch vụ kỹ thuật quá phạm vi chuyên môn được cấp phép. Vì vậy, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã quyết định tạm đình chỉ hoạt động của phòng khám này thời hạn 4,5 tháng và phạt hành chính 120 triệu đồng. Phòng khám vừa mới được hoạt động trở lại cách đây chưa lâu.

Theo báo cáo của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, trong năm 2016 và quý I/2017, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra 170 lượt cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, trong đó xử lý vi phạm hành chính 102 lượt cơ sở (chiếm 60% tổng số lượt cơ sở được kiểm tra), với số tiền phạt gần 2,6 tỷ đồng. Đã có 5 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, tước giấy phép có thời hạn 2 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 bác sĩ, thu hồi giấy phép hoạt động 3 cơ sở.

Đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài, từ đầu năm 2017 đến nay đã kiểm tra 26 cơ sở, trong đó thu hồi giấy phép hoạt động 3 cơ sở, xử phạt hành chính 4 cơ sở, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở, tước chứng chỉ hành nghề 1 bác sĩ người nước ngoài tại Phòng khám đa khoa Thái Hà do hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn.

Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất đã đình chỉ hoạt động PK đa khoa Nhân Ái (Hà Nội) vì thực hiện một số kỹ thuật không nằm trong danh mục được phê duyệt. Ảnh SYT Hà Nội
Lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất đã đình chỉ hoạt động PK đa khoa Nhân Ái (Hà Nội) vì thực hiện một số kỹ thuật không nằm trong danh mục được phê duyệt.  Ảnh SYT Hà Nội

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Dương Trung (Phó Phòng Thanh tra, Sở Y tế Hà Nội) cho biết, Hà Nội hiện có hơn 3.200 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập, với gần 40 phòng khám và bệnh viện có bác sĩ nước ngoài làm việc.

So với số lượng phòng khám cũng như số lượng công việc phải đảm nhiệm, lực lượng thanh tra chuyên ngành của Sở Y tế Hà Nội còn mỏng (14 người) nên khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát. Phần lớn công tác thanh tra, kiểm tra được giao cho phòng y tế các quận, huyện, thị xã.

Trong khi đó, các phòng khám tư nhân hoạt động rất tinh vi, ngày càng có nhiều “mánh khóe” để qua mặt cơ quan chức năng, nếu không “bắt tận tay, day tận mặt” thì khó xử phạt. Số lượng phòng khám có yếu tố nước ngoài liên tục thay đổi. Nhiều bác sĩ nước ngoài được cấp phép hành nghề, đã nghỉ việc nhưng không báo với cơ quan quản lý nên việc kiểm tra, giám sát càng khó khăn. 

Có những cơ sở đã bị xử lý phạt tiền nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục vi phạm. Có cơ sở bị đình chỉ vẫn lén lút hoạt động bằng cách quảng cáo trên Internet và giao dịch với bệnh nhân thông qua mã khám bệnh điện tử. Có cơ sở khám chữa bệnh không bố trí người phiên dịch có chuyên môn về y tế hoặc bằng chuyên môn được làm giả. Khi bị kiểm tra, có cơ sở sử dụng bác sĩ Trung Quốc nhưng né tránh hoặc bỏ trốn…

Một bất cập nữa trong hoạt động của hệ thống khám chữa bệnh tư nhân đó là việc “loạn” giá dịch vụ y tế. Năm 2016, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã nhiều lần ra quyết định xử phạt đối với các phòng khám có yếu tố nước ngoài vì các vi phạm “chặt chém” khách hàng. 

Theo quy định của Nhà nước thì các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định phí dịch vụ, nhưng phải niêm yết công khai giá dịch vụ để bệnh nhân và người nhà họ được biết và chịu sự quản lý, giám sát của Sở Y tế. Tuy nhiên, việc niêm yết giá dịch vụ tại một số cơ sở chưa được thực hiện nghiêm túc dẫn đến tình trạng mỗi nơi thu mỗi kiểu.

Lý giải tình trạng “nhờn luật” của các phòng khám liên tục tái diễn vi phạm, ông Nguyễn Quang Trung (Trưởng Phòng hành nghề y dược, Sở Y tế Hà Nội) cho rằng, quy định hiện hành khó có thể đóng cửa được phòng khám tư nhân cho dù có liên tiếp tái diễn vi phạm. Bởi lẽ, hiện nay, quy định chỉ cho phép đóng cửa phòng khám khi họ có giấy phép nhưng không hoạt động trong 12 tháng, giấy phép hoạt động cấp không đúng thẩm quyền.

“Có những lỗi vi phạm, cơ quan chức năng sẽ lập tức đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của bác sĩ, nhưng có những lỗi, đoàn kiểm tra chỉ được lập biên bản, xử phạt hành chính và đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của bác sĩ hoặc phòng khám trong một thời gian nhất định (có thời hạn)”, ông Trung cho biết và nhận định, chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ mạnh, do vậy, các phòng khám này cứ vi phạm, chấp nhận bị xử phạt và rồi lại tái phạm.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đánh giá, việc xử phạt bằng tiền đối với các phòng khám tư hiện nay không làm họ sợ, nhiều phòng khám vi phạm liên tục. Do đó Sở cũng đề xuất mức xử phạt cao hơn với các phòng khám tư phạm lỗi nhiều lần, thậm chí là đóng cửa. Theo ông, “cần phải bổ sung quy định một phòng khám nếu sai phạm 3 lần liên tiếp các quy định về hành nghề sẽ phải đóng cửa. Như vậy mới hi vọng các phòng khám… sợ”. 

Thời gian tới, Sở Y tế tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề y, dược tư nhân. Nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước có liên quan theo phân cấp đối với hoạt động hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn phụ trách, xử lý nghiêm đối với các cơ sở y tế tư nhân có hành vi cố tình vi phạm hoặc vi phạm tái diễn nhiều lần các quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề.

Thông báo công khai kết quả thanh tra, danh sách cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có Giấy phép hoạt động với UBND các huyện, thị xã, thành phố để giám sát, quản lý theo thẩm quyền phân cấp.

Với các phòng khám tư nhân, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu phải niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề của người hành nghề, danh sách nhân sự tham gia hành nghề tại cơ sở cũng như số điện thoại đường dây nóng của Sở Y tế Hà Nội (043.998.5765) cũng phải được các cơ sở y tế tư nhân ghi ở những vị trí thuận lợi, dễ quan sát để phục vụ công tác giám sát của các cơ quan chức năng và của người dân khi sử dụng dịch vụ và giao cho trạm y tế có trách nhiệm giám sát việc chấp hành của các cơ sở.

Thiết nghĩ, ngoài việc ngành Y tế Hà Nội tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, đòi hỏi chủ cơ sở hành nghề y tế ngoài công lập cần nâng cao ý thức, y đức trong hành nghề, không vì lợi ích cá nhân gây tổn hại đến sức khỏe người dân khi đến khám, chữa bệnh.

Bên cạnh đó, cần thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở khám bệnh chữa bệnh tư nhân có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm. Đồng thời, việc nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân trong việc sử dụng dịch vụ này là hết sức quan trọng vì chính người dân là chủ thể quyết định sự tồn tại của các phòng khám. 

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền hi vọng người dân cùng tham gia giám sát, quản lý hoạt động khám chữa bệnh bằng việc làm cụ thể: “Không khó đâu, chỉ cần người bệnh tự kiểm soát xem phí phải trả có đúng với giá niêm yết không, có bị chỉ định làm xét nghiệm không cần thiết hay không; bao bì, nhãn mác thuốc có rõ ràng hay không… và phản hồi với cơ quan quản lý những hành vi sai phạm”.

5 phòng khám đã bị xử phạt hành chính, tạm dừng hoạt động và đề xuất đóng cửa, gồm: Tước giấy phép hành nghề đối với bác sĩ Vương Sùng Anh - người Trung Quốc tại phòng khám đa khoa 11 Thái Hà, do hoạt động khám chữa bệnh vượt quá chuyên môn; Đình chỉ hoạt động của phòng khám đa khoa Nhân Ái, số 709 đường Giải Phóng, Hoàng Mai, Hà Nội trong thời gian 4,5 tháng; Đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của phòng khám Đông y An Thái, tại 58 phố Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội, do không đảm bảo điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; Đề xuất thu hồi giấy phép hoạt động đối với phòng khám Răng hàm mặt thuộc Công ty Nha khoa BioTis - Khu đô thị The Manor, Nam Từ Liêm, Hà Nội do không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế; Tạm đình chỉ đến khi có hợp đồng xử lý rác thải y tế đối với phòng khám Kims tại Golden Palac.

Đọc thêm