Những trạm trộn bê tông “coi trời bằng vung” ở Đông Anh

(PLO) - Lý giải việc chưa được phép mà vẫn ngang nhiên xây dựng, vẫn hoạt động dù đã bị đình chỉ, đại diện công ty cho rằng: “Bọn anh là doanh nghiệp nhỏ thì việc tiếp cận với đất đai một cách chính thống vô cùng khó khăn…” và “công ty vẫn đang tiếp tục có văn bản để xin sự chấp thuận của UBND thành phố”.
Hai trạm trộn bê tông ngang nhiên xây dựng không phép trên đất nông nghiệp
Hai trạm trộn bê tông ngang nhiên xây dựng không phép trên đất nông nghiệp

Tự ý xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, vi phạm quy định hành lang an toàn đê điều… nhưng suốt thời gian dài hai trạm trộn bê tông của Công ty CP Đầu tư bê tông Việt Ý (Cty Việt Ý) và Công ty Alpha nằm sát cầu Đông Trù (xã Đông Hội, huyện Đông Anh) vẫn ngang nhiên tồn tại khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Hàng loạt sai phạm

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 8/9/2015 Cty Việt Ý đã có đơn xin mượn đất tại khu vực cầu Đông Trù gửi UBND TP Hà Nội để xây dựng trạm trộn bê tông. Tuy nhiên, khi chưa nhận được sự chấp thuận của UBND thành phố thì tháng 2/2016 công ty này đã ngang nhiên tiến hành dựng trạm trộn bê tông “khủng” để hoạt động.

Việc Cty Việt Ý và Cty Alpha tự ý xây dựng hai trạm trộn bê tông không phép trên đất nông nghiệp đã vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng và hàng lang bảo vệ đê điều. Vậy nhưng không hiểu sao hai trạm trộn bê tông này còn được bên điện lực “ưu ái” tạo điều kiện cho xây dựng riêng một trạm điện 3 pha để sản xuất.

Ngay sau khi phát hiện những vi phạm trên, UBND xã Đông Hội đã có quyết định cưỡng chế đối với hai trạm trộn bê tông này. Bên cạnh đó, sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngày 20/4/2016 Sở NN&PTNT TP Hà Nội đã chỉ đạo UBND huyện Đông Anh cùng UBND xã Đông Hội phải tiến hành giải tỏa hai trạm trộn này trước 30/4/2016. Sau thời gian trên, các chủ trạm trộn bê tông không tự tháo dỡ, giải tỏa, Công an huyện Đông Anh sẽ tiến hành điều tra, thiết lập hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Thế nhưng, không hiểu lý do gì đến nay hai trạm trộn bê tông này vẫn ngang nhiên tồn tại và tiếp tục hoạt động đe dọa cây cầu nghìn tỷ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân xung quanh.

Một người dân sống gần trạm trộn bê tông bức xúc cho biết: “Chúng tôi chỉ cách trạm trộn khoảng 200m nên ngày đêm phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ việc sản xuất của hai trạm trộn bê tông này. Khói bụi, tiếng ồn từ hoạt động của máy móc kêu ầm ầm náo loạn cả một vùng. Những chiếc xe bồn chở bê tông, xe trọng tải lớn chở đá, xi măng chạy tấp nập ra vào công trình gây ảnh hưởng tới hệ thống đê cũng như nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao.

Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương, chính quyền địa phương cũng đã có quyết định cưỡng chế nhưng không hiểu sao hai trạm trộn này vẫn tồn tại đến ngày hôm nay. Liệu có sự bao che nào ở đây không?”.

Chính quyền chưa cương quyết

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Nam Tuyến – Giám đốc Cty Việt Ý khẳng định: “Về nguồn gốc pháp lý ở thời điểm hiện tại thì trạm trộn bê tông Việt Ý tại khu vực cầu Đông Trù chưa được phép xây dựng”. 

Khi phóng viên hỏi tại sao chưa có phép mà công ty vẫn ngang nhiên xây dựng và hoạt động như vậy? Ông Tuyến cho rằng: “Bọn anh là doanh nghiệp nhỏ thì việc tiếp cận với đất đai một cách chính thống vô cùng khó khăn… Hiện nay, công ty vẫn đang tiếp tục có văn bản để xin sự chấp thuận của UBND thành phố”.

Ông Đặng Xuân Thiện – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hội cho biết, hai trạm trộn bê tông này đang hoạt động không phép trên đất nông nghiệp. Đây là đất trưng dụng của thành phố, nguồn gốc là đất nông nghiệp được thành phố trưng dụng để làm đường 5 suốt từ năm 2004, đến vừa rồi mới bàn giao, khi trả lại thì diện tích đất màu ít, bà con không gieo cấy được nên hai đơn vị này thuê lại. Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp lại lén lút xây dựng hai trạm trộn bê tông này. Ngay sau khi phát hiện, UBND xã Đông Hội đã lập biên bản vi phạm, cắt điện và có văn bản cưỡng chế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp những tài liệu trên thì ông Thiện lại tìm mọi cách từ chối: “Xã đã lập phương án cưỡng chế, tuy nhiên chưa được chặt chẽ. Vừa qua, UBND xã đã gửi toàn bộ hồ sơ lên Phòng quản lý đô thị của huyện Đông Anh nhờ thẩm định và bổ sung phương án nên hiện tại xã không còn lưu những tài liệu này”(?!)

Về hướng để giải quyết dứt điểm sự việc trên, ông Thiện cho biết, hiện nay UBND xã phải chờ thủ tục kiện toàn và UBND huyện Đông Anh có phương án cụ thể. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp nếu muốn tồn tại thì phải xin được đầy đủ giấy phép của các cơ quan chức năng. Thời gian để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ là ngày 20/6/2016. Nếu doanh nghiệp không thực hiện được thì chính quyền địa phương sẽ tiến hành phương án cưỡng chế theo chỉ đạo của UBND huyện Đông Anh.

Đọc thêm