Ninh Bình: Dân khổ vì quyết định trái luật

(PLO) - Theo ông Nguyễn Hữu Kiêm (thôn Hán Nam, xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Quyết định số 440 ngày 24/4/1997 của UBND tỉnh Ninh Bình không đúng pháp luật khi giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa gia đình ông với gia đình ông Nguyễn Hữu Quyến và ông Nguyễn Hữu Phán, khiến vụ việc kéo dài chưa có hồi kết.
Phần đất tranh chấp được UBND tỉnh Ninh Bình cho là của gia đình ông Quyến, ông Phán.
Phần đất tranh chấp được UBND tỉnh Ninh Bình cho là của gia đình ông Quyến, ông Phán.
Quyết định “trên trời”?
Ông Kiêm cho biết, toàn bộ thửa đất hiện nay gia đình ông đang quản lý và sử dụng có nguồn gốc từ thời cha ông để lại. Bản đồ Gia Long và bản đồ Xanh thời Pháp đều thể hiện diện tích 1 sào 3 thước, tương đương 342m2. Ngày 27/12/1955, Ủy ban hành chính tỉnh Ninh Bình có cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất cho cụ Nguyễn Hữu Kỳ (bố ông Kiêm) có diện tích phía Bắc giáp với gia đình ông Quyến, ông Phán, phía Nam giáp diện tích nhà ông Nguyễn Hữu Xuyến, phía Đông và Tây giáp làng.
Năm 1974, đường làng phía Tây bị lụt không đi được, gia đình ông Quyến và ông Phán đã xin mở đường đi qua phần đất nhà ông Kiêm. Vì chưa có nhu cầu sử dụng nên gia đình ông Kiêm đã đồng ý cho gia đình ông Quyến, ông Phán đi nhờ. Với suy nghĩ đơn giản và vì tình làng nghĩa xóm nên việc cho mượn đất gia đình ông Kiêm không lập thành văn bản. Đến năm 1993, do có nhu cầu sử dụng đất, gia đình ông Kiêm đã đề nghị gia đình ông Quyến và ông Phán trả lại diện tích đất đã mượn. Tuy nhiên, đến lúc này gia đình ông Quyến, ông Phán lại không thừa nhận việc đã mượn đất, đồng thời gửi đơn lên cơ quan chức năng yêu cầu công nhận con đường này thuộc quyền sở hữu của mình!?
Trong quá trình giải quyết, UBND xã Gia Tiến đã tiến hành đo đạc nhưng không xác định được mốc giới chính xác. Vì vậy, ngày 2/4/1996, Phòng Địa chính huyện Gia Viễn đã phối hợp với liên ngành thanh tra tiến hành đo đạc lại diện tích đất của từng hộ đang tranh chấp. Căn cứ kết quả đo đạc, ngày 2/8/1996 Phòng Địa chính huyện Gia Viễn đã ban hành Văn bản số 31/KL-ĐC với nội dung: “Gia đình ông Quyến, ông Phán phải trả 50m2 đất đang tranh chấp cho gia đình ông Kiêm (con cụ Kỳ) trong đó 42,5m2 làm tiểu ngõ và 7,5m2 đất thổ cư thừa ra. Diện tích đất thổ cư còn lại của gia đình ông Quyến, ông Phán được phép sử dụng là 564m2 là đảm bảo pháp luật như lời khai của hai ông là “bố mẹ để lại cho anh em tôi trên dưới 1 sào”. Gia đình ông Kiêm được nhận lại 50m2 đất, song căn cứ vào thực tế thì diện tích đất vẫn còn thiếu 69,4m2. Diện tích đất còn thiếu này được lấy vào diện tích đất thổ cư của gia đình ông Quyến, ông Phán”.
Không đồng ý với kết luận của UBND huyện Gia Viễn, gia đình ông Quyến, ông Phán đã làm đơn khiếu nại vượt cấp lên UBND tỉnh Ninh Bình. Đáng lẽ UBND tỉnh Ninh Bình phải chuyển vụ việc về UBND huyện Gia Viễn để giải quyết theo thẩm quyền mới đúng, nhưng không hiểu vì lý do gì và không biết căn cứ vào đâu, UBND 
tỉnh Ninh Bình đã vội vàng ban hành Quyết định số 440/QĐ-UB ngày 24/4/1997 công nhận toàn bộ diện tích đất ngõ đi hiện đang tranh chấp, được hình thành từ năm 1995, chủ sử dụng hợp pháp là ông Nguyễn Hữu Phái (đã chết) thuộc quyền sử dụng của các ông Nguyễn Hữu Phán, Nguyễn Hữu Quyến? UBND tỉnh Ninh Bình còn giao cho UBND huyện Gia Viễn chỉ đạo các ngành chức năng, UBND xã Gia Tiến áp dụng các biện pháp cần thiết buộc ông Nguyễn Hữu Kiêm dỡ bỏ công trình xây dựng, trả toàn bộ, nguyên trạng phần đất ngõ đi của hai gia đình ông Phán, ông Quyến xong trước ngày 5/5/1997(?).
Cần sớm giải quyết thỏa đáng
“Không hiểu vì quen biết hay vì lý do nào đó mà vừa nhận được đơn khiếu nại của gia đình ông Quyến và ông Phán, UBND tỉnh Ninh Bình lại vội vàng kết luận như vậy? Đây chẳng khác nào quyết định “trên trời” rơi xuống gia đình tôi, khiến vụ việc kéo dài cho dù gia đình tôi nhiều năm nay mòn mỏi gửi đơn và không biết đến bao giờ mới được giải quyết thỏa đáng?” - ông Kiêm bức xúc.
Quyết định vội vã và có phần thiếu căn cứ pháp lý của UBND tỉnh Ninh Bình đã khiến sự việc tranh chấp đất của người dân trở nên vô cùng phức tạp. Bởi vì đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành, quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình về việc giải quyết khiếu nại tranh chấp đất đai của gia đình ông Nguyễn Hữu Kiêm và ông Nguyễn Hữu Quyến, Nguyễn Hữu Phán đã có nhiều sai sót.
Sau nhiều lần gửi đơn khiếu nại, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cũng đã giao Thanh tra tỉnh Ninh Bình phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra rà soát vụ việc trên, đề xuất biện pháp giải quyết. Và mới đây nhất, ngày 30/8/2013, một lần nữa UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục có văn bản gửi Chánh thanh tra tỉnh Ninh Bình tiếp tục phối hợp với các cơ quan kiểm tra, rà soát vụ việc, đề xuất biện pháp giải quyết xong trước ngày 10/10/2013. Nhưng từ đó đến nay, không hiểu vì sao Thanh tra tỉnh Ninh Bình vẫn im hơi, lặng tiếng, mặc cho người dân chờ đợi.
Bình luận về vụ việc này, một số luật sư cho rằng UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định 440 về giải quyết tranh chấp đất đai khi chưa có quyết định giải quyết của UBND huyện Gia Viễn là vi phạm về thẩm quyền ban hành quyết định, vi phạm trình tự và thiếu căn cứ pháp lý…Trong trường hợp này, UBND tỉnh Ninh Bình cần xem xét lại Quyết định 440 để sửa sai, giải quyết lại vụ việc một cách khách quan, toàn diện nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, tránh khiếu kiện không đáng có, ảnh hưởng đến uy tín của các cấp chính quyền.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm