Ninh Thuận: Tiểu thương kêu cứu giữ chợ Tấn Tài

(PLO) - Không đồng thuận quyết định ngừng hoạt động chợ Tấn Tài của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) vào ngày 25/11 tới đây, các tiểu thương đã có đơn gửi Báo PLVN và các cơ quan chức năng kiểm tra rà soát.
Đại diện các hộ kinh doanh tại chợ Tấn Tài phản ánh sự việc
Đại diện các hộ kinh doanh tại chợ Tấn Tài phản ánh sự việc

Quyết định bị phản đối

Ngày 16/8/2016, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm ban hành Thông báo số 271/TB-UBND về việc ngừng hoạt động kinh doanh tại chợ Tấn Tài. Theo đó, chợ sẽ ngừng hoạt động kể từ ngày mai (25/11/2016) và các hộ kinh doanh phải di dời đến một số chợ khác trên địa bàn thành phố, như chợ Nông sản Phan Rang (do Công ty TNHH TMDV sửa chữa ô tô Lân Hà làm chủ đầu tư). Tuy nhiên, việc di dời này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các tiểu thương ở chợ Tấn Tài.

Theo ông Trần Minh Thái – Phó Chủ tịch UBND TP, chợ Tấn Tài được đầu tư xây dựng vào năm 2003, với mục tiêu là chợ đầu mối tập trung nguồn rau từ các nơi trong và ngoài tỉnh, từ đó phân phối cho các nơi tiêu thụ.

Trong quá trình hoạt động, số hộ kinh doanh tại chợ ngày càng tăng, lượng khách ra vào chợ và lượng hàng hóa rất lớn khiến diện tích mặt bằng chợ không thể đáp ứng, nhiều tiểu thương đã bày bán lấn chiếm lòng lề đường. Năm 2005, TP đã đầu tư nâng cấp mở rộng chợ Tấn Tài và đến năm 2011, tiếp tục nâng cấp mở rộng thành chợ hạng 2 thuộc TP quản lý với diện 3.683m2 gồm 414 hộ kinh doanh. 

Ông Thái nhận xét: “Tuy nhiên đến nay, hoạt động kinh doanh tại chợ Tấn Tài không còn đúng với tính chất là chợ đầu mối tập trung, chợ hoạt động cả ngày lẫn đêm, cung cấp cả mặt hàng bán buôn và bán lẻ, một số hộ tự ý lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè để buôn bán gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến trật tự, mỹ quan đô thị, không đảm bảo vệ sinh môi trường và mục tiêu quy hoạch ban đầu.

Bên cạnh đó, chợ nằm ở khu vực ngã 5 nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào những dịp lễ, Tết. Do đó, UBND TP định đóng cửa chợ này, giới thiệu các tiểu thương tới một số chợ khác trong thành phố, trong đó có chợ Nông sản Phan Rang cách chợ cũ trên 500m.

Theo Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 16/8/2016 “Ngừng hoạt động kinh doanh chợ Tấn Tài”, hiện trên địa bàn TP có 1 chợ hạng I, 5 chợ hạng II, một số chợ hạng III. Trong đó, có 1 chợ nông sản và 5 chợ dân sinh tổng hợp.  

Còn nhiều bất cập

Trước Quyết định ngừng hoạt động chợ Tấn Tài, tiếp xúc với phóng viên, các hộ đang kinh doanh cho biết, trong 5 chợ thì  4 chợ đang hoạt động ổn định do đó việc các hộ kinh doanh chuyển đến kinh doanh chợ nông sản là khả dĩ nhất. Tuy nhiên, các tiểu thương cho rằng còn tồn tại quá nhiều bất cập khi cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng chưa đảm bảo để đi vào hoạt động.

Ông Mai Xuân Tiến, một tiểu thương cho biết: Cơ sở hạ tầng của chợ nông sản Phan Rang chưa đáp ứng được yêu cầu của chợ đầu mối vì đường cho xe vào bốc dỡ hàng chưa đáp ứng yêu cầu, cũng không đáp ứng được yêu cầu thoát hiểm vì chỉ có hai cửa, ít hơn rất nhiều so với các chợ khác… Lối vào chợ quá chật hẹp, bất tiện, khó khăn trong mua bán và vận chuyển hàng hóa trong khi việc mua bán, trao đổi hàng hóa tại chợ luôn diễn ra tấp nập, rất nhiều người qua lại, chưa kể những lo ngại về phòng cháy chữa cháy.

“Hiện chợ chỉ có một lối ra và một lối vào, nếu xảy ra sự cố về hỏa hoạn chắc chắn sẽ gây thiệt hại lớn cho các tiểu thương. Việc thiết kế xây dựng chợ nông sản Phan Rang có rất nhiều bất cập cần phải giải đáp thỏa đáng, mới thuyết phục được tiểu thương”, ông Tiến nói.

Chưa hết, chi phí thuê các gian hàng, sạp để buôn bán ở đây quá cao và chưa tính đến nhiều chi phí khác như phí chỗ, phí đặt cọc... Theo tính toán, bình quân các hộ kinh doanh tại chợ Tấn Tài mỗi tháng chỉ phải đóng khoảng 225.000đ cho việc thuê sạp, nhưng với chợ nông sản Phan Rang phải trả hơn 2 triệu đồng trên diện tích như vậy, chưa kể phí phát sinh khác. 

Các tiểu thương cấp cho PV bản Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ nông sản Phan Rang số 15HĐ/CT-2016 của một hộ kinh doanh ký với chủ đầu tư chợ mới, thì diện tích 25m2 thuê trong thời hạn 4 năm có mức phí lên đến 98,4 triệu đồng.

Một tiểu thương cho biết, chợ Tấn Tài đã tồn tại nhiều năm và nuôi sống biết bao gia đình. Kế hoạch xóa bỏ chợ cũ chính quyền không lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của người dân để tạo sự đồng thuận. “Nhận được tin chợ ngừng hoạt động từ ngày 25/11, chúng tôi như chết đứng bởi đây là thời gian cận Tết. Ai cũng biết đây là thời điểm “vàng”, thuận lợi nhất trong năm để tiểu thương kinh doanh. Phải chăng chính quyền đang cố ép chúng tôi”, bà Thu nói.

Ngày 7/10 vừa qua, ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức buổi đối thoại với các hộ kinh doanh. Tại buổi đối thoại, hầu hết các ý kiến của tiểu thương đều xoay quanh việc chính quyền TP Phan Rang - Tháp Chàm đã không tham vấn ý kiến của họ khi quyết định đóng của chợ Tấn Tài, khiến cho họ lâm vào thế bị động. Cơ sở hạ tầng, đơn giá thuê mặt bằng chưa đảm bảo, nhưng những ý kiến, thắc mắc của các hộ kinh doanh vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng

Ngày 9/11/2016, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số  9612/VPCP-V.1 đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết đơn của các hộ kinh doanh tại chợ Tấn Tài.

Đọc thêm