Oái ăm, 24 hộ dân cùng sử dụng đất, chỉ 1 người được nhận bồi thường

(PLO) -Nguồn gốc và thực tế các hộ dân cùng sử dụng đất nhưng trên giấy tờ lại được giao cho một cá nhân đại diện trước pháp luật. Qua 2 cấp tòa xét xử, vụ việc không được phân định rõ ràng, thậm chí rối rắm hơn khi cơ quan tố tụng còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật. 
Khu đất tranh chấp chưa được phân định rõ ràng của chung hay riêng
Khu đất tranh chấp chưa được phân định rõ ràng của chung hay riêng

Riêng hay chung?

Theo đó, năm 1991, thực hiện chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc, 24 hộ dân ở thôn Rừng Cuông, xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên cùng nhau trồng rừng ở khu vực đồi Gò Chùa (xã Thiện Kế), đến năm 1998 thì thu hoạch, cùng nộp thuế và chia lợi nhuận.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 19/12/1995, UBND huyện Tam Đảo đã “âm thầm” ban hành Quyết định số 666/QĐ-UB, giao riêng cho ông Nguyễn Mạnh Hùng. Thời điểm đó đang là cán bộ Tư pháp xã Thiện Kế gần 10ha đất lâm nghiệp tại đồi Gò Chùa. Điều đáng nói, đây chính là diện tích ông Hùng cùng sử dụng với 23 hộ khác.

Quyết định 666 ra đời nhưng chưa giao đất trên thực địa. Sau khi biết sự việc, 23 hộ còn lại không đồng tình, cho rằng ông Hùng chỉ là người đại diện, không được nhận đất dưới danh nghĩa cá nhân nên việc giao đất đến năm 2004 vẫn chưa được hoàn tất. 

Đến ngày 26/9/2004, các hộ dân trên thống nhất việc ủy quyền cho ông Hùng đứng tên trên quyết định giao đất. Do vậy, ngày 1/10/2004, ông Hùng đã đại diện cho các hộ chính thức nhận bàn giao gần 5ha đất lâm nghiệp tại thực địa. Sau đó, 24 hộ cùng sử dụng không có tranh chấp.

Năm 2015, một phần diện tích bị thu hồi để làm dự án với số tiền đền bù hơn 3 tỷ đồng. Ông Hùng đứng tên trên sổ đỏ nên là người nhận tiền. Chỉ có điều, theo phản ánh, sau khi nhận tiền đền bù, ông Hùng đã chủ động tự chia tiền cho những hộ khác tùy theo cảm tính, dao động từ 50 - 150 triệu đồng và giữ lại hơn 1 tỷ đồng cho mình. 

Thấy không công bằng và mất quyền lợi, một số hộ dân trong đó có ông Cao Xuân Lộng, Trần Văn Đạo, Trịnh Hồng Đà, Nguyễn Đình Bảy (cùng trú tại xã Thiện Kế) khởi kiện ra tòa đòi chia tiền đền bù đất lâm nghiệp. 

Chỉ là người đại diện

Trước hết, xét về nguồn gốc đất, không chỉ các hộ dân, người làm chứng, cán bộ xã qua nhiều thời kỳ mà ngay cá nhân ông Hùng tại nhiều cuộc họp, văn bản cũng thừa nhận việc bản thân chỉ đại diện cho các hộ dân nhận đất để canh tác. Hơn nữa, ở xã Thiện Kế, đặc điểm thời kỳ đó cũng có nhiều trường hợp tương tự.

Cụ thể, tại biên bản họp tổ trồng cây Gò Chùa ngày 26/9/2004, 23 hộ dân chỉ đồng ý ủy quyền cho ông Hùng đứng tên đại diện trên quyết định giao đất, ông Hùng cũng tham gia, nhất trí và ký vào biên bản.

Tại biên bản hòa giải tại TAND huyện Bình Xuyên ngày 8/12/2017, ông Hùng cũng thừa nhận Quyết định số 666/QĐ-UBND là giao cho 24 hộ dân, ông chỉ là người đứng tên đại diện. 

Tại báo cáo ngày 23/9/2004, do chính ông Hùng viết tay gửi UBND xã Thiện Kế thừa nhận đại diện cho các hộ trồng cây đất Gò Chùa theo quyết định giao đất. UBND xã Thiện Kế tại Báo cáo số 15/BC-UB ngày 26/09/2004 cũng khẳng định phần đất được giao theo Quyết định 666/QĐ-UB là cho 24 hộ dân.

Vì nể tình nên mới…chia tiền

Sự thực là như vậy nhưng ông Hùng lại cho rằng đất được cơ quan chức năng giao cho mình thể hiện bằng quyết định, vì tình cảm nên khi có tiền đền bù đất, ông đã chia cho những người cùng canh tác, đây không phải là cơ sở để xác minh nguồn gốc đất. Mặt khác, những hộ khởi kiện cũng không đưa ra được tài liệu để chứng minh nguồn gốc sử dụng đất.

Đánh giá về vấn đề này, TAND tỉnh Vĩnh Phúc nhận định, ông Hùng có đơn xin nhận đất, có quyết định giao đất và biên bản thực địa giao nhận đất của cơ quan chức năng là căn cứ pháp lý. 

Trong báo cáo số 15/BC-UB của UBND xã Thiện Kế thể hiện ý kiến của ông Hùng là “Đề nghị... giao đất cho ông để ông cùng các hộ trong thôn sử dụng”, chứ không phải cho ông và các hộ trong thôn?

Biên bản họp tổ trồng cây có sự tham gia của 24 hộ nhưng chỉ là tự lập, không phải là văn bản ủy quyền hay hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật và quan trọng là không phải là văn bản pháp lý của cơ quan chức năng.

Chính vì lập luận như vậy nên TAND tỉnh Vĩnh Phúc nhận định đủ căn cứ khẳng định việc đòi tiền đền bù của các hộ khác là không có căn cứ.

Có dấu hiệu sai phạm tố tụng 

Phân tích về diễn biến vụ việc, nhiều luật sư cho rằng, việc xét xử của cơ quan tư pháp như vậy là chưa thấu tình đạt lý, chỉ dựa vào văn bản mà không căn cứ trên tình hình thực tế, sự thật của vụ việc.

Cụ thể, cấp sơ thẩm đã bộc lộ nhiều thiếu sót về quy trình và thủ tục giải quyết vụ án như vi phạm trong thu thập chứng cứ, chưa lấy lời khai của những người liên quan đến việc giao đất và nhận tiền đền bù, chưa có ý kiến của UBND xã Thiện Kế...

Thậm chí, ngay VKSND cùng cấp cũng kháng nghị cho rằng tòa sơ thẩm vi phạm trong đánh giá chứng cứ, khi chỉ căn cứ vào quyết định giao đất, biên bản giao nhận đất thực địa... là chưa đủ căn cứ vững chắc.

Oái ăm là ở cấp tòa phúc thẩm lại cho rằng, đã khắc phục những tồn tại và bác kháng nghị của Viện kiểm sát bằng những lập luận như đã nêu ở trên. 

Phân tích vụ án, luật sư Lâm Quang Ngọc, Văn phòng Luật sư Hùng Phúc bào chữa cho nguyên đơn nhận định, việc TAND tỉnh Vĩnh Phúc không công nhận quan hệ ủy quyền theo Biên bản họp tổ trồng cây ngày 26/9/2004 là sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật. Bởi biên bản họp đó đã xác lập một quan hệ ủy quyền hợp pháp giữa các hộ dân và ông Hùng, việc xác lập quan hệ hoàn toàn phù hợp với quy định tại điều 585, Bộ luật dân sự năm 1995 và các quy định về giao dịch dân sự. 

Điều 585 Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.

“TAND Vĩnh Phúc cho rằng, biên bản họp tổ trồng cây Gò Chùa ngày 26/9/2004 “không phải là văn bản ủy quyền hoặc hợp đồng ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự năm 1995” là sự suy diễn và vận dụng không đúng pháp luật. Hơn hết, quan hệ này đã được các bên tôn trọng và thực hiện suốt một thời gian dài không có tranh chấp”, luật sư cho biết.  

Theo quy định Điều 176 BLDS năm 1995, việc đại diện ủy quyền không phải là căn cứ xác lập quyền sở hữu nên ông Hùng không phải là chủ sử dụng đối với phần đất lâm nghiệp được giao. Điều này đồng nghĩa rằng quyết định phê duyệt phương án bồi thường và chi trả tiền bồi thường đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng là trái pháp luật.

Do đó, việc Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ căn cứ vào Quyết định số 666/QĐ-UB ngày 29/12/1995 của UBND huyện Tam Đảo và hồ sơ quản lý đất đai để cho rằng phần đất này thuộc quyền sử dụng của riêng ông Hùng là sai lầm nghiêm trọng trong vận dụng pháp luật. 

Trong vụ án này, hồ sơ vụ án cho thấy rất nhiều điểm mâu thuẫn giữa các đương sự và giữa đương sự với người làm chứng. Nhưng trong giai đoạn xét xử, 2 cấp tòa đã không tiến hành đối chất giữa nguyên đơn và người làm chứng là một thiếu sót lớn làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.

Theo quy định tại khoản 2, điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì “Một bên đương sự thừa nhận hoặc không phản đối những tình tiết, sự kiện, tài liệu, văn bản, kết luận của cơ quan chuyên môn mà bên đương sự kia đưa ra thì bên đương sự đó không phải chứng minh”.

Thiết nghĩ, một trong những nguyên tắc xét xử cơ bản là “sự công bằng”. Để tuân thủ nguyên tắc này, hội đồng xét xử cần xem xét thấu đáo, toàn diện, khách quan toàn bộ diễn biến vụ việc. Việc chỉ dựa vào giấy tờ mà không xem xét đến thực tế của quá trình và quan hệ sử dụng đất có dấu hiệu của sự phiến diện, ảnh hưởng đến phán quyết, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Chưa kể, còn khiến cho mâu thuẫn kéo dài, phức tạp, không được giải quyết một cách triệt để, thỏa đáng, người dân khó lòng tâm phục, khẩu phục. 

Đọc thêm