“Ôm” cục nợ 40 tỷ đồng, chủ doanh nghiệp bất ngờ làm đơn “đi chữa bệnh”

(PLO) - Báo PLVN có bài “Nông dân ký gửi nông sản điêu đứng trước chiêu vỡ nợ của chủ doanh nghiệp” phản ánh sự việc ngày 12/3, hàng trăm người dân vây kín Cty TNHH MTV Hoàng Sang chuyên thu mua nông sản (địa chỉ tại tổ dân phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) khi nghe tin chủ Cty này “biến mất”. Đến nay, chủ doanh nghiệp (DN) này lại bất ngờ có đơn xin vắng mặt khỏi địa phương để đi chữa bệnh.
Ngôi nhà đồ sộ ở tổ dân phố 2 của gia đình bà An
Ngôi nhà đồ sộ ở tổ dân phố 2 của gia đình bà An

Xin vắng mặt để đi chữa bệnh?

Ngày 28/3, bà Thái Thị An (SN 1973, ngụ tổ dân phố 2, thị trấn Ia Kha, Giám đốc Cty TNHH MTV Hoàng Sang) cho biết, bà đã làm đơn gửi lên UBND thị trấn Ia Kha, Công an huyện Ia Grai và Công an tỉnh Gia Lai xin phép vắng mặt tại nơi cư trú để đi chữa bệnh.

Theo bà An, trong thời gian qua, một số hộ dân tại địa phương đã tin tưởng và ký gửi nông sản tại Cty. Gần đây, công việc kinh doanh của Cty gặp nhiều khó khăn dẫn đến thua lỗ. Khi biết thông tin Cty thua lỗ, các hộ dân đã tìm đến để đòi lại số nông sản đã ký gửi nhưng Cty chưa có khả năng chi trả. Các hộ dân đã gây sức ép, trong đó một số hộ dân có hành vi đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của gia đình bà.

“Do nhiều ngày chịu áp lực về mặt tinh thần dẫn đến sức khỏe bị suy nhược nên tôi phải đến điều trị tại bệnh viện. Vì vậy, tôi xin các cơ quan, chính quyền địa phương cho phép vắng mặt tại nơi cư trú một thời gian. Đến khi tinh thần và sức khỏe ổn định trở lại, tôi sẽ có kế hoạch trả nợ cho các hộ dân”, bà An cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Tăng Năng Ái - Trưởng Công an huyện Ia Grai, cho biết: “Chúng tôi đã nhận được đơn xin vắng mặt khỏi địa phương của bà Thái Thị An. Đơn thư ghi rằng chữa bệnh nhưng lại không ghi rõ là cụ thể ở đâu, bệnh viện nào. Hiện đơn vị đang xem xét. Nếu bà An có hành vi bỏ trốn thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Đến thời điểm hiện tại, số nợ ngân hàng và người dân của bà An theo thống kê là hơn 40 tỷ đồng”.

Vỡ nợ hay mưu mô lừa đảo?

Trong những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, cơ sở thu mua nông sản của ông Phạm Quốc Trung (ở xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa) tuyên bố vỡ nợ với số tiền khoảng 20 tỷ đồng. 

Năm 2017, DN thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh (ở xã Kdang, huyện Đăk Đoa) do bà Nguyễn Thị Nguyệt làm giám đốc tuyên bố vỡ nợ với số tiền gần 40 tỷ đồng khiến hàng chục hộ dân khóc gào thảm thiết. Sau đó, DN thu mua nông sản Sáu Đào (xã Ia Glai, huyện Chư Sê) lại lần nữa gây rúng động khi tuyên bố vỡ nợ với số tiền 50 tỷ đồng. Và nay, nông dân ở huyện Ia Grai lại khổ sở vì chủ DN nợ 40 tỷ đồng, rồi nay viện cớ vắng mặt khỏi địa phương để đi chữa bệnh.

Ngày 12/3, hàng trăm người kéo đến Cty TNHH MTV Hoàng Sang đòi nợ
Ngày 12/3, hàng trăm người kéo đến Cty TNHH MTV Hoàng Sang đòi nợ

Dẫn ra một số vụ gần đây để thấy rằng các địa chỉ “vỡ nợ” hầu hết là cơ sở thu mua nông sản: cà phê, hồ tiêu, điều...; đối tượng bị chiếm đoạt tiền chủ yếu là nông dân. Cơ sở nào vỡ nợ, số tiền người dân bị “bốc hơi” cũng lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. 

Vì sao mấy chục năm qua gần như năm nào Gia Lai cũng xuất hiện cơ sở thu mua nông sản vỡ nợ. Giá nông sản tăng cũng vỡ nợ, giá xuống cũng tuyên bố vỡ nợ. Nếu kinh doanh nông sản rủi ro như thế sao nhiều người lao vào, không ít người giàu lên?

Có lẽ người dân cần tỉnh ngộ khi gửi niềm tin cho cơ sở mua bán nông sản, bởi thường trực nguy cơ một đêm trắng tay. Nên hiểu rằng đồng tiền ở trong túi mình mới là của mình, ham một chút lời, gửi hàng chờ thời, đợi giá cao chốt bán thì nguy cơ vỡ nợ, mất tài sản là đương nhiên. Vì vậy, mỗi người dân phải là một khách hàng thông minh khi quyết định trao thành quả lao động của mình vào tay ai, và nhận lại giá trị công sức ấy thế nào.

Các cơ sở thu mua nông sản thời gian qua vỡ nợ hay mưu đồ lừa đảo? Câu trả lời chỉ người trong cuộc mới rõ. Ở Gia Lai, không ít người vay mượn, nhận ký gửi rồi bảo mất khả năng thanh toán, bỏ trốn khỏi địa phương một thời gian, nhiều năm sau thành đại gia trở về. Có người “vỡ nợ” ở Gia Lai nhưng đi nơi khác giàu có bất thường. 

Và, tấm gương của những người sống khỏe sau khi vỡ hụi, vỡ nợ có lẽ đã kích thích không ít người đang và sẽ đi theo con đường tuyên bố vỡ nợ, không phải “được hùa thua nhảy” mà đôi khi thắng cũng ôm tiền “cao chạy xa bay”. Vỡ hụi, vỡ nợ, những điệp khúc lặp đi lặp lại, đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Trao đổi với chúng tôi về việc chủ DN thu mua nông sản tuyên bố vỡ nợ, luật sư Võ Thị Tiết (Văn phòng luật sư Võ Luật ở Bình Định) phân tích: “Một khi vỡ nợ mà chủ DN bỏ trốn khỏi địa phương thì dễ xử lý tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, hiện đa phần các vụ việc xảy ra đều được các chủ DN tuyên bố vỡ nợ theo Luật Phá sản, nghĩa là DN không biến mất, họ không trốn mà sẵn sàng đối mặt với cơ quan chức năng và chủ nợ, sẵn sàng hầu tòa do đó khó khép tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, xét các yếu tố khác có thể khởi tố những trường hợp này về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Cũng theo luật sư Tiết, để xử lý về tội danh Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cần phải chứng minh rõ đầu vào (số tài sản nông dân ký gửi) và đầu ra (DN bán tài sản đi đâu, tiền dùng vào mục đích gì…). Nếu làm rõ DN dùng số tài sản này vào mục đích riêng, không rõ ràng, có ý chiếm dụng thì đủ cơ sở để khởi tố. Ngoài ra, cần xem xét thời điểm DN tuyên bố vỡ nợ, bởi có không ít trường hợp hôm nay ký gửi ngày mai đã tuyên bố vỡ nợ.

Đọc thêm