Ông giáo già 20 năm giúp hàng ngàn trẻ nghèo thoát cảnh mù chữ

(PLO) -Làng Đại học, không chỉ có sinh viên, không chỉ có trường Đại học. Nơi ấy, có hàng trăm gia đình từ mọi miền tụ tập mưu sinh. Họ nghèo khổ và những đứa con không có cơ hội đến trường. Từ tình yêu nghề nghiệp, yêu trẻ, đôi vợ chồng già ở tuổi “thất thập cổ lai hi” hơn 20 năm qua vẫn miệt mài mở lớp tình thương, xóa mù chữ.
Ông Tư với lớp học tình thương của mình
Ông Tư với lớp học tình thương của mình

Lớp học tình thương đặc biệt

Ở ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương, nơi được gọi là Làng Đại học (Đại học Quốc Gia TP. HCM) có ông bà giáo già Huỳnh Văn Phê (SN 1941) và Huỳnh Thị Lành (SN 1943, quê Bến Tre) hơn 20 năm mở lớp học tình thương, xóa mù chữ cho trẻ em nghèo. Ông bà được người dân và học sinh gọi với cái tên thân mật “ông bà Tư”.

Ông bà Tư quê Bến Tre. Bà Tư từng là giáo viên tiểu học, nhưng năm 1990, ông bà Tư lên Bình Dương mưu sinh kiếm sống nên nghỉ dạy. Ngày ấy, ông Tư được một công ty thuê trông coi đất, bà Tư xin làm công nhân lò gạch.

“Hồi ấy, ở vùng này hoang vắng lắm, dân cư thưa thớt, chủ yếu là dân nghèo ở các tỉnh về đây làm công nhân. Quanh đây, có 5 cái lò gạch nên nhiều người đến ở, làm thuê. Họ nghèo làm gì có tiền cho con đến lớp. Vả lại, muốn đến lớp cũng khó vì giấy tờ, hồ sơ. Bà nhà tôi thấy những đứa trẻ cứ lang thang, chơi bời. Lớn lên lại không nghề nghiệp, có đứa còn rơi vào con đường lao lý. Với tấm lòng là một giáo viên, bà nhà tôi quyết mở lớp học tình thương”, ông Tư kể.

Lớp học tình thương mở lần đầu vào tháng 8/1994, mảnh đất 200m2 được ông Tư nhường lại làm lớp học. Những ngày đầu, ông bà Tư phải đi từng nhà, vận động từng hộ dân để họ cho con đến trường. Bởi đến trường dù miễn phí học phí nhưng là đủ thứ lo, nào là sách vở, bút mực, nào là quần áo, giày dép.

Ông Tư với lớp học tình thương của mình
Ông Tư với lớp học tình thương của mình

Ông Tư gom tiền dành dụm trong nhiều năm mua cây, ván gỗ về dựng thành 2 gian lớp học. Trẻ đến học chữ tại lớp học tình thương đủ lứa tuổi, từ 3, 4 tuổi, đến những em 15, 16 tuổi, chia thành 2 lớp. Ông bà Tư dạy toán và tiếng Việt theo sách giáo khoa để các bé đọc được con chữ, làm được những phép tính căn bản và cũng có kiến thức để học lên cao nữa nếu có điều kiện.

Ông Tư kể: “Những ngày đầu thật khổ. Học sinh có đôi ba chục đứa nhưng trường lớp không có, bàn ghế không có. Tụi nhỏ đi chân đất, mỗi đứa mỗi cuốn vở, một cây viết, không có sách. Do không đủ bàn ghế, tụi nhỏ ngồi bệt dưới đất mà học. Vì thế, vừa dạy, vừa đi làm, vợ chồng tôi lại phải đi vận động các mạnh thường quân. Tuy nhiên, hồi ấy, nghèo khổ, ít ai quan tâm. Bao nhiêu năm trời cố gắng duy trì vì tụi nhỏ. Chúng nó khổ quá, không học thì sau này càng khổ. Vợ chồng tôi già rồi, khổ mức nào cũng đã trải qua”.

Việc duy trì số học sinh đến lớp khá khó khăn do phụ huynh chỉ muốn con em mình ở nhà trông em hoặc làm việc vặt. Vì vậy, ông bà phải đến nhà từng em vận động phụ huynh, rồi tặng cả tập, bút để khuyến khích. Theo thời gian, số học sinh tăng dần lên... Suốt ba năm đầu mở lớp, chẳng những không lấy thù lao, ông bà còn lấy lương hưu của mình để chi trả tiền điện, nước cho lớp học.

Thấy vậy, các phụ huynh bảo nhau tự nguyện đóng học phí để ông bà trang trải một phần. Số tiền 15.000 đồng/tháng/học sinh chỉ đủ để ông bà thanh toán tiền điện nước và mua phần thưởng, thỉnh thoảng tổ chức cho đám trẻ đi chơi. Hơn hai mươi năm qua, tiền học vẫn cố định ở mức này. Còn với những học sinh quá khó khăn, ông bà sẵn sàng cho học miễn phí.

Ông Tư tâm sự: “Thu 15.000 đồng để tượng trưng thôi, phần vì để trang trải chi phí cho lớp học, phần vì để các cháu không bị mặc cảm rằng đi học miễn phí. Thực sự mỗi tháng vài trăm ngàn đồng cũng không đủ trang trải đâu, tôi vẫn phải nhờ một số anh chị có lòng hảo tâm giúp các cháu sách, tập và phụ trả tiền điện, nước”.

Ông Tư kèm cho các em viết chữ
Ông Tư kèm cho các em viết chữ

Mãi đến năm 2001, một số người hảo tâm mới chung sức xây lại lớp học tình thương với 3 phòng. Đến bây giờ, lớp mới có đủ bàn ghế, bảng viết. Mỗi lần vào năm học mới, ông Tư lại phải vận động sách cũ từ nhiều nơi cho đám học trò nhỏ của mình.

Hạnh phúc giản dị

Gần 20 năm qua, ông bà Tư đã xóa mù chữ cho hơn 1.000 trẻ em. Năm nay, lớp có khoảng 60 học sinh. Đa số là con em công nhân, những người bán hàng rong ở khu vực Làng Đại học. 

Ông Tư nói: “Tụi nhỏ ở đây chịu thiệt thòi đủ thứ. Đang tuổi ăn học vẫn phải phụ giúp cha mẹ về kinh tế. Vì thế, lớp chỉ mở vào buổi sáng. Buổi chiều và tối, tụi nhỏ còn phải “tay xách nách mang” nào xoài, ổi, bánh trái, vé số quanh chợ đêm Làng Đại học để kiếm tiền. Đứa nào cũng có hoàn cảnh tương tự nên tụi nhỏ dễ đồng cảm cho nhau lắm”.

Ông Tư bảo ông không có nghiệp vụ sư phạm. Ông chỉ dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo. Bởi cuộc sống có nhiều cám dỗ, ông Tư thường dạy cho những đứa trẻ về đạo đức, về cách đối nhân xử thế, cách né tránh khỏi những cạm bẫy, những vi phạm pháp luật.

Trước đây, có một học trò tên Trần Văn Bé lượm được vàng và tiền đã mang đến nhờ ông trả lại cho người bị mất. Từ xã, câu chuyện lan nhanh lên huyện, lên tỉnh và em đã được tỉnh tặng bằng khen với danh hiệu “Công dân trẻ của tỉnh Bình Dương”, được vinh dự cùng 200 thiếu nhi khác của tỉnh ra Hà Nội tham quan và chụp ảnh cùng Thủ tướng Phan Văn Khải.

Lớp học đặc biệt hiện có khoảng 60 học sinh
Lớp học đặc biệt hiện có khoảng 60 học sinh

Mỗi sáng, ông Tư đều dành ít phút điểm danh xem hôm nay trò nào vắng mặt, trò nào chưa làm bài tập về nhà, rồi mới bắt đầu vào học. Ông dạy lớp các cháu nhỏ, bà dạy lớp các cháu lớn hơn.

Bây giờ, hai ông bà đã cao tuổi, lại bệnh tật liên miên, thường xuyên ra vào bệnh viện nhưng vẫn cố gắng ngày ngày lên lớp đúng giờ. Lớp học tình thương nằm ngay trong khu vực Làng đại học Thủ Đức nên chiều chiều, sinh viên các trường đại học gần đó cũng thường xuyên lui tới tặng quà và giúp các em học chữ.

Ông Tư kể: “Năm ngoái bà ấy bệnh, phải về quê điều trị, khi về bà ấy dặn tôi phải trông nom, động viên tụi nhỏ đi học đều đặn. Mấy hôm rày thấy khỏe hơn, bà ấy đòi lên dạy tiếp, nhưng tôi không cho. Tuổi già sức yếu, vợ chồng tôi cố gắng hết sức mình, cố gắng để tụi nhỏ có được cái chữ. Dù không học lên cao nhưng cũng phải biết đọc, biết viết, biết cái nào đúng, cái nào sai. Không lẽ thời đại này mà để mù chữ sao được”.

Niềm vui, niềm hạnh phúc của ông Tư là thấy những đứa trẻ nghèo, vượt lên số phận, cố gắng đến trường đều đặn, không bỏ buổi học nào. Ông kể: “Nhất là những ngày lễ, ngày thiếu nhi. Mấy cô cậu sinh viên thường tới tổ chức vui chơi, phát quà. Tụi nhỏ mong chờ những ngày đó lắm. Tôi cũng thấy vui lây”.

Học sinh cứ đến rồi đi hết lớp này đến lớp khác. Tóc ông bà ngày một bạc thêm, sức khỏe ngày một yếu đi. Làng Đại học lại sắp giải tỏa khu vực này. Khi nghe chúng tôi hỏi về tương lai lớp học, giọng ông Tư trầm hẳn, mắt nhìn xa xăm:

Lớp học đặc biệt hiện có khoảng 60 học sinh
Lớp học đặc biệt hiện có khoảng 60 học sinh

“Vợ chồng tôi còn khỏe ngày nào sẽ cố gắng lên lớp ngày đó. Hy vọng sau khi giải tỏa, với số tiền 50 triệu đồng được bồi thường, chính quyền địa phương sẽ thực hiện lời cam kết xây dựng một lớp học tình thương khác”. Ông giáo già còn có tâm nguyện cống hiến số sách cả đời tích cóp để xây dựng một phòng đọc sách cho các em có điều kiện học tập...

Đọc thêm