Phản hồi “Vụ thu hồi đất gây oan sai ở Đồng Nai”: Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ vụ việc

(PLO) - Ngày 06/12/2017, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, kiểm tra, làm rõ vụ việc và thông tin cho Báo xung quanh vụ thu hồi đất của bà Lê Thị Phương Mai (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) mà vừa qua Báo đã đăng tải. 
Sau loạt bài đăng trên Báo PLVN, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo làm rõ vụ việc
Sau loạt bài đăng trên Báo PLVN, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo làm rõ vụ việc

Báo Pháp luật Việt Nam số 327 (ra ngày 23/11/2017) và số báo 328 (ra ngày 24/11/2017) có đăng loạt bài viết “Vụ thu hồi đất gây oan sai ở Đồng Nai: Trắng tay phận người khai hoang” và “UBND tỉnh cần xem xét lại vụ việc một cách thấu lý, đạt tình”. 

Nội dung loạt bài phản ánh trường hợp bà Lê Thị Phương Mai (ngụ tại 325 ấp 2, xã An Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) đang quản lý và sử dụng tổng diện tích 44 ha đất, trong đó có 14 ha đã được cấp giấy chủ quyền, phần còn lại chưa sang tên chủ sở hữu. Năm 2004, UBND TP Biên Hòa thu hồi 20ha đất giao cho Công ty Cổ phần Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Đồng Nai (gọi tắt là Công ty BMCC) khai thác khoáng sản (đất khu vực này có mỏ đá).

Ngày 18/2/2009, UBND tỉnh Đồng Nai thu hồi 10,5 ha của bà Mai giao cho Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Đồng Nai (Donacoop) làm chủ dự án khai thác mỏ đá Tân Cang 6; yêu cầu Donacoop phải tự thỏa thuận giá đền bù với người đang sử dụng đất. Tuy nhiên, Donacoop đã không thương lượng, thỏa thuận giá với bà Mai. Năm 2011, UBND TP Biên Hòa ban hành 03 quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường và hỗ trợ cho gia đình bà Mai, mức bồi thường hỗ trợ tổng cộng gần 33 tỷ đồng dần hạ xuống chỉ còn 9,507 tỷ đồng.

Ngày 30/6/2014, UBND TP Biên Hòa quyết định bồi thường lần nữa (lần thứ 4), số tiền chỉ còn 7,5 tỷ đồng. Giáp Tết Nguyên đán, UBND TP Biên Hòa bất ngờ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của bà Mai, dùng máy móc san bằng nhà cửa, chuồng trại, cây trồng… gây thiệt hại tài sản khoảng 3 tỷ đồng. Trước đó, gia đình bà Mai không hề nhận được quyết định cưỡng chế hoặc thông báo trước ngày bị cưỡng chế.

Trước những hành động trái chủ trương UBND tỉnh và pháp luật nói chung của Donacoop và UBND TP Biên Hòa, gia đình bà Mai đã liên tục gửi đơn khiếu nại, kêu cứu đến các cơ quan có thẩm quyền từ địa phương đến trung ương. Tuy nhiên, đến nay, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo với gia đình bà Mai vẫn chưa được giải quyết đúng quy định. 

Các ý kiến chỉ đạo của bộ, ngành về vụ việc trên vẫn không được xem xét, giải quyết và trả lời thỏa đáng. Các cơ quan trung ương như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Dân nguyện thuộc UBTV Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước… đều có văn bản đề nghị tỉnh Đồng Nai trả lời các dấu hiệu trái luật trong vụ việc thu hồi đất gia đình bà Mai. Trong đó đề nghị làm rõ việc nhà đầu tư Donacoop phải có thỏa thuận với người sử dụng đất để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 40 Nghị định 84 ngày 25/5/2007 của Chính phủ. Đồng thời chưa giải quyết hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và bố trí tái định cư cho gia đình bà Mai là chưa đúng quy định.

Một diễn biến khác, ngày 12/12/2017 Thanh tra tỉnh Đồng Nai đã có buổi làm việc với bà Mai theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai về việc giao Thanh tra tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND TP Biên Hòa kiểm tra, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xử lý đơn của bà Mai theo quy định pháp luật.

Tại buổi làm việc, bà Mai đã trình bày lại với Thanh tra viên các vấn đề liên quan đến việc thu hồi đất của gia đình bà. 

Về việc thu hồi đất, theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định 84 ngày 25/5/2007 của Chính phủ và Văn bản số 9053 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành ngày 27/8/2017, việc Donacoop muốn lấy đất của gia đình bà để thăm dò, khai thác mỏ đá Tân Cang 6 phải thỏa thuận giá với người đang sử dụng đất. Tuy nhiên, Donacoop đã không thực hiện thỏa thuận đền bù với bà. Sau đó UBND TP Biên Hòa đứng ra áp giá đền bù đất cho gia đình bà Mai thay Donacoop. Theo bà Mai, việc đứng ra áp giá đền bù thay như vậy là trái chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai và pháp luật về đất đai. 

Về các khoản hỗ trợ theo luật, bà Mai cho rằng TP Biên Hòa không kiểm tra kỹ mà tự động cắt các khoản hỗ trợ về chuyển đổi nghề nghiệp của gia đình bà là trái luật. Bà Mai và các con bà là người trực tiếp canh tác trên mảnh đất bị thu hồi gần 40 năm qua, có hộ khẩu thường trú tại đây.

Bên cạnh đó, bà Mai còn đề nghị làm rõ khối tài sản của bà sau buổi cưỡng chế đã mất đi đâu, thiệt hại hàng tỷ đồng nhưng không thấy cơ quan tổ chức cưỡng chế trả lời theo khiếu nại của bà. Đồng thời bà Mai đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết thấu đáo các kiến nghị của gia đình bà theo quy định của pháp luật.

Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục theo dõi và thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.

Đọc thêm