Phù Cát (Bình Định): Đất lâm nghiệp bị xâm hại nghiêm trọng

(PLO) - Những năm gần đây, tình trạng người dân vào khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát (Bình Định) lấn chiếm đất lâm nghiệp để canh tác, trồng keo diễn ra phổ biến. Nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng có liên quan không kịp thời ngăn chặn thì không biết hậu quả sẽ như thế nào.
Đất lâm nghiệp trong khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn bị một số người dân “cải tạo” thành rẫy để canh tác, sản xuất.
Đất lâm nghiệp trong khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn bị một số người dân “cải tạo” thành rẫy để canh tác, sản xuất.
Trách nhiệm cơ quan chức năng ở đâu?
Khi giá gỗ keo ngày một tăng cao, một số người dân bất chấp pháp luật đã lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng để trồng loại cây này. Khu vực đất lâm nghiệp thuộc địa phận đầu nguồn hồ Hội Sơn, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cũng không ngoại lệ.
Những ngày cuối tháng 9/2015, đi dọc tuyến tỉnh lộ 634, đoạn từ trụ sở UBND xã Cát Sơn đến hồ Hội Sơn, chúng tôi thấy hàng chục khoảnh rừng nằm ở phía Tây Nam hồ bị đốt phá loang lổ kiểu “da báo”. 
Vượt lòng hồ bằng xuồng rồi đi vào sâu bên trong, chúng tôi nhận thấy hàng chục hécta đất lâm nghiệp đã bị người dân “cải tạo” để làm rẫy trồng keo, bạch đàn. Khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn tiếp giáp với thôn Gia Vấn, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ (Bình Định) cũng có cảnh tương tự.
Khu vực đất lâm nghiệp thuộc đội 9 cũ và suối Hóc Thùng là nơi bị người dân thôn Hội Sơn “xâm cư” để canh tác. Còn người dân ở xã Mỹ Hòa “độc chiếm” khoảng 21ha đất lâm nghiệp tại khu vực đội 10 (cũ) để trồng keo. Hầu hết diện tích đất lâm nghiệp bị người dân lấn chiếm, xâm hại thuộc loại đất bằng, có rừng cây bụi (trạng thái rừng Ib). 
Đáng ngại, một số người dân vào sâu khu vực lòng hồ tiếp giáp diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Hội Sơn để chặt gỗ đốt than và phát rẫy trồng rừng. Tuy nhiên, không hề thấy bóng dáng lực lượng chức năng đến ngăn chặn?
Sớm có biện pháp ngăn chặn
Ông Nguyễn Hữu Nam - Chủ tịch UBND xã Cát Sơn cho hay, UBND xã đã báo cáo, kiến nghị UBND huyện và ngành chức năng liên quan giải quyết dứt điểm tình trạng lấn đất lâm nghiệp trên. Chủ tịch UBND huyện đã thành lập Tổ công tác kiểm tra, xác minh diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn (Tổ công tác) gồm đại diện Hạt Kiểm lâm Phù Cát, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Phù Cát, UBND xã Cát Sơn và đại diện các phòng, ban liên quan. Đến thời điểm ngày 23/9, Tổ công tác tạm kết thúc giai đoạn kiểm tra thực địa và tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo để xác định cụ thể diện tích, loại đất bị lấn chiếm và các đối tượng lấn chiếm.
Trong khi đó, ông Ngô Thanh Hùng, Phó Giám đốc BQLRPH huyện Phù Cát cho biết: Qua kiểm tra bước đầu, BQLRPH xác định diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm không thuộc phạm vi quản lý của đơn vị. Hiện tại, Ban quản lý đang quản lý hơn 4.156ha rừng phòng hộ tại khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn, toàn bộ diện tích này đã giao khoán cho các hộ dân chăm sóc, gìn giữ và không bị xâm hại.
Riêng một số khu vực đất lâm nghiệp nằm ở phía Tây Nam và Bắc hồ Hội Sơn, nguyên trước đây là rẫy cũ của người dân thôn Hội Sơn người dân sử dụng đất rẫy trồng điều, bạch đàn và keo. Hiện nay, một số người tiếp tục vào khu vực này để canh tác, sản xuất. Đây là hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng trong khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn.
Còn ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phù Cát - Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng: Tình trạng nhiều người dân ở xã Cát Sơn và xã Mỹ Hòa lấn chiếm diện tích đất lâm nghiệp trong khu vực đầu nguồn hồ Hội Sơn để canh tác, trồng trọt đã xảy ra từ những năm trước đây. Nguyên nhân là bởi nhiều diện tích đất hiện thuộc loại đất lâm nghiệp nguyên trước kia là đất sản xuất nông nghiệp và đất rẫy của người dân địa phương. Hiện Tổ công tác đang trong quá trình kiểm tra, xác minh cụ thể diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm và xác định đối tượng thực hiện hành vi lấn chiếm để báo cáo, đề xuất UBND huyện Phù Cát xử lý đúng theo quy định.

Đọc thêm