Phú Thọ: Cần một bản án “vẹn lý trọn tình” cho vợ liệt sỹ

(PLO) - Người vợ liệt sỹ lặn lội vào miền Nam tìm hài cốt chồng. Trước khi đi, bà có gửi đất cho em trai quản lý, thế nhưng phần bị lấn, phần bị chuyển nhượng cho người khác… 
Khu vực đất xảy ra tranh chấp
Khu vực đất xảy ra tranh chấp

Đi tìm mộ chồng về mất đất? 

Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn trong vụ án là bà Nguyễn Thị Nhị (SN 1939, ở khu 8, TT.Sông Thao, huyện Cẩm Khê) có chồng là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, được UBND xã Đông Phú (nay là TT. Sông Thao) cấp khoảng 1.200m2 đất. 

Năm 1986, bà Nhị có chuyển nhượng khoảng 800m2 đất cho một người khác. Năm 1989, do hoàn cảnh khó khăn và cần kinh phí đi tìm mộ chồng, bà Nhị tiếp tục chuyển nhượng 90m2 đất cho gia đình ông Phạm Hùng Thắng (TT.Sông Thao, nay đã mất). 

Cũng theo đơn, sau khi nhận chuyển nhượng, ông Thắng lấn thêm của bà Nhị khoảng 26m2. Đến năm 1991, ông Thắng đã chuyển nhượng toàn bộ số diện tích (116m2) nói trên cho gia đình ông Đoàn Quang Mịnh (TT.Sông Thao). 

Khoảng năm 1990, bà Nhị vào Nam tìm mộ chồng có nhờ em trai là ông Nguyễn Văn Hùng (ở TT.Sông Thao) trông nom phần đất còn lại. Thế nhưng, năm 1992, do hoàn cảnh khó khăn, ông Hùng đã tự ý chuyển 50m2 đất của bà Nhị cho ông Mịnh. 

Điều đáng nói, giao dịch này được thực hiện dưới danh nghĩa là “Đơn xin trả đất thổ cư”. Ngoài vợ chồng ông Hùng, còn có mẹ ruột của bà Nhị ký vào đơn gửi tới UBND xã Đông Phú để cấp đất cho hộ ông Mịnh. Sau đó, vào năm 2003, gia đình ông Mịnh đã hoàn tất thủ tục, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp nhất số diện tích của 2 lần mua (của ông Thắng và “nhận lại” của gia đình ông Hùng). 

Đến năm 2007, bà Nhị có đơn khiếu nại, sau đó năm 2013 khởi kiện ra tòa đòi lại diện tích 50m2 ông Hùng chuyển nhượng trái phép và phần đất ông Thắng lấn chiếm nay ông Mịnh nhận chuyển nhượng và sử dụng. 

Không xác định được quyền sử dụng đất? 

Tại bản án số 20/2017/DS-ST, ngày 22/12/2017, TAND huyện Cẩm Khê nhận định: Hiện tại, các cơ quan quản lý và lưu trữ giấy tờ về đất đai không có bất kỳ văn bản nào xác nhận bà Nhị có quyền sử dụng diện tích 1.200m2 đất. 

Việc bà Nhị cho rằng ông Thắng lấn chiếm 26m2 nhưng hiện ông này đã mất, không còn tài liệu nào chứng minh, kể cả lời khai của nhân chứng là vợ của ông Thắng cũng không biết việc mua bán giữa hai bên. Vì vậy, không có căn cứ để xác định ông Thắng lấn chiếm 26m2 của bà Nhị bán cho ông Mịnh. 

Về yêu cầu khởi kiện việc ông Hùng chuyển nhượng trái phép cho ông Mịnh 50m2 đất của bà Nhị. TAND huyện Cẩm Khê xác định, năm 1992, mẹ đẻ của bà Nhị, cùng vợ chồng ông Hùng có “đơn xin trả lại đất thổ cư” trả lại UBND xã Đông Phú để cấp cho gia đình ông Mịnh là đúng quy định Luật Đất đai năm 1987 và 1993. 

HĐXX sơ thẩm cũng cho rằng, theo bản đồ 299 và các tài liệu lưu trữ năm 1985 – 1986, bà Nhị đã bán nguyên thửa đất nên không còn quyền sử dụng nào khác. Đồng thời, cũng không thể xác định diện tích bà Nhị sử dụng là của cả gia đình gồm vợ chồng em trai hay của riêng bà Nhị. Do vậy, theo tòa, diện tích ông Hùng trả lại cho UBND xã Đông Phú không thuộc quyền sử dụng riêng của bà Nhị. 

Nhiều nội dung chưa được làm sáng tỏ 

Tuy nhiên lập luận trên của cấp sơ thẩm là mâu thuẫn, bởi nếu không còn quyền sử dụng đất thì sau khi đã bán nguyên thửa đất như tòa lập luận vào năm 1985-1986, sẽ không thể còn đất để tới năm 1989, bà Nhị tiếp tục chuyển nhượng cho ông Thắng như đã nêu trên. 

Mặt khác, những giấy tờ dùng làm căn cứ pháp lý trong sự việc đều có dấu hiệu trái quy định pháp luật. Trước hết,“Biên bản về việc trích chuyển đất thổ cư” ngày 12/4/1991, do UBND xã Đồng Phú lập không có hiệu lực pháp lý vì biên bản lập nhưng lại không có chữ ký xác nhận của hai bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng. 

Về “Đơn xin trả lại đất” của gia đình ông Hùng và “Đơn xin thêm đất” của gia đình ông Mịnh. Thực chất đây chỉ là hình thức để hợp thức hóa giao dịch chuyển nhượng, điều này đã được các bên xác nhận. 

Đối chiếu với các quy định của pháp luật, các văn bản trên không có giá trị pháp lý bởi: Căn cứ vào thời điểm xác lập giao dịch, áp dụng theo Luật Đất đai 1987 không cho phép các cá nhân, hộ gia đình được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trừ trường hợp chuyển nhượng cho người chưa có chỗ ở (điều 17). 

Mặt khác, vào thời điểm hai bên thực hiện giao dịch, căn cứ khoản 2, điều 75, và khoản 2 điều 31, Luật Đất đai năm 1993, việc chuyển nhượng phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nông thôn làm tại UBND huyện. Như vậy, UBND xã Đông Phú không có thẩm quyền công nhận và thực hiện các thủ tục chuyển nhượng đất. 

Tại quyết định giải quyết khiếu nại số 1164/QĐ –UBND ngày 8/7/2008, của UBND huyện Cẩm Khê đã xác định các thửa đất, bao gồm cả diện tích 50m2 được công Hùng chuyển nhượng là quyền sử dụng của bà Nhị. Ông Hùng cũng đã thừa nhận 50m2 chuyển nhượng cho ông Mịnh là trái phép, không được bà Nhị ủy quyền. 

TAND huyện Cẩm Khê nhận định “Biên bản trích chuyển đất thổ cư” của UBND xã Đông Phú “cũng được coi là 1 hợp đồng” nhưng lại cho rằng, theo quy định của Nghị quyết 02/2004/NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình thì đối với hợp đồng giao kết trước 1/7/2004, vi phạm điều kiện nhưng sau đó đã được UBND cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định khác tại các khoản 1,2 và 5 điều 50 Luật đất đai 2003 mà phát sinh tranh chấp và từ ngày 1/7/2004 mới có yêu cầu tòa án giải quyết thì không coi là hợp đồng vô hiệu. 

Một điều quan trọng mà cấp sơ thẩm bỏ qua đó là, chủ thể thực hiện hợp đồng. Ở đây, ông Hùng không được phép chuyển giao, không được phép trả lại đất khi chưa có sự đồng ý của bà Nhị nhưng chính quyền địa phương lại “hợp thức hóa” cho việc làm sai trái. 

Ngày 4/1/2018, bà Nhị đã có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Dự kiến, phiên tòa phúc thẩm sẽ được TAND tỉnh Phú Thọ đưa ra xét xử ngày 31/5 tới đây. 

Đọc thêm