Phú Thọ: Người dân không được tôn trọng!?

(PLO) - UBND tỉnh Phú Thọ vào cuộc và giao cho Sở Xây dựng phối hợp với Sở TNMT, UBND TP Việt Trì xem xét giải quyết kiến nghị của người dân đề nghị được hợp thức hóa phần đất lưu không. Theo đó, Sở Xây dựng Phú Thọ đã đề xuất hai phương án hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho người dân và đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ giao UBND TP Việt Trì chỉ đạo UBND phường Nông Trang tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với các hộ dân và thông báo, yêu cầu các hộ dân giữ nguyên hiện trạng, không được xây dựng cơi nới. 
Đại diện các hộ dân đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ xem xét nguyện vọng chính đáng của họ tại Ban tiếp công dân tỉnh Phú Thọ ngày 1/11
Đại diện các hộ dân đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ xem xét nguyện vọng chính đáng của họ tại Ban tiếp công dân tỉnh Phú Thọ ngày 1/11

Tuy nhiên, UBND TP Việt Trì và UBND phường Nông đã không thực hiện việc lấy ý kiến người dân mà vẫn “quyết tâm” thực hiện quy hoạch chỉnh trang vỉa hè đường Hùng Vương, đoạn A9-A11 theo hướng: sử dụng diện tích đất phía trước nhà các hộ dân để xây dựng hạ tầng đô thị, làm vỉa hè phố, trồng cây xanh và điện chiếu sáng. 

“Ngày 22/9/2017, UBND phường Nông Trang (do ông Nguyễn Ngọc Anh — Chủ tịch đại diện) đã họp với dân và cho biết sẽ tiến hành đối thoại với nhân dân và báo cáo UBND TP những ý kiến chính đáng của nhân dân; đồng thời sẽ mời UBND TP về đối thoại với chúng tôi. Tuy nhiên, việc này đã không được thực hiện. Ngày 31/10 vừa qua, họ đã cho máy móc đến phá dỡ công trình của chúng tôi nhưng chúng tôi nhất quyết không cho làm vì chưa được trả lời thỏa đáng. Tại sao người dân chúng tôi không được chính quyền tôn trọng?”- một người dân ngao ngán nói.

Bức xúc trước cách làm của UBND TP Việt Trì, các hộ dân liên tiếp có đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ. Ngày 20/10/2017, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản giao Sở Xây dựng làm việc lại với UBND TP Việt Trì rà soát trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch; thống nhất phương án chỉnh trang đô thị (đường Hùng Vương, đoạn A9-A11) để thực hiện theo đúng quy định, báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh; đồng thời, UBND TP Việt Trì có trách nhiệm xem xét nội dung đơn của công dân, giải quyết, trả lời theo đúng quy định.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân thì họ chưa nhận được trả lời thỏa đáng của UBND TP Việt Trì.

Đáng lẽ, sau khi có ý kiến của Sở Xây dựng về hai phương án hợp thức hóa quyền sử dụng đất cho người dân thì UBND tỉnh Phú Thọ phải có quan điểm rõ ràng. Nhưng dường như cơ quan này lại “né” trách nhiệm khi ngày 24/10/2017 ra văn bản cho rằng: “…UBND TP Việt Trì có trách nhiệm quyết định phương án thực hiện quy hoạch chỉnh trang vỉa hè đường Hùng Vương, đoạn A9-A11 đảm bảo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật; xem xét, giải quyết đơn kiến nghị của công dân theo quy định; giao Sở Xây dựng, Sở TNMT phối hợp, hướng dẫn UBND TP Việt Trì thực hiện”? Khiến người dân vô cùng hoang mang, thiếu sự tin tưởng.

Theo Luật sư Nguyễn Trung Thành (Cty Luật TNHH Hòa Lợi — Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Có hộ dân sử dụng đất trước 15/10/1993, có hộ sử dụng sau thời điểm này nhưng đều trước 1/7/2004. Đất sử dụng ổn định, không tranh chấp, không bị xử phạt về hành vi sử dụng đất đai, đất thuộc quy hoạch khu dân cư, khu ở nên đối chiếu với quy định của Luật Đất đai năm 2013; Nghị định 43/2014 thì đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu cơ quan nhà nước thu hồi để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì phải ban hành quyết định thu hồi đất và thực hiện việc chi trả bồi thường về đất theo đúng quy định pháp luật đất đai.

Việc UBND phường Nông Trang lập biên bản vi phạm hành chính đối với diện tích đất ở sử dụng trước 1/7/2004 và ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hộ dân là không đúng quy định pháp luật. UBND phường Nông Trang chỉ có quyền xử lý vi phạm đối với các trường hợp mái che, mái vẩy lấn ra vỉa hè của đường Hùng Vương làm mất mỹ quan đô thị.

Khoản 1 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP: Trường hợp đã có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà nay diện tích đất lấn, chiếm không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng; không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông; không có mục đích sử dụng cho trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp và công trình công cộng khác thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. 

Khoản 3 Điều 22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP: “Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì thực hiện xử lý như sau: Trường hợp đang sử dụng đất thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất trước khi thực hiện dự án, công trình đó.

Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định; Trường hợp đang sử dụng đất không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì UBND cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”.

Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc trên. 

Đọc thêm