Phường lập Tiểu ban lâm thời quản lý di tích Chùa Nền: Người dân phản ứng

(PLO) - Sau khi UBND phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội ký quyết định thành lập Tiểu ban lâm thời Quản lý di tích Chùa Nền đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của các cụ cao niên ở phường Láng Thượng. Tiếp xúc với phóng viên, người dân ở đây cho rằng việc thành lập tiểu ban trên là không cần thiết, có sự chồng chéo về quản lý. 

Người dân phản ứng trước quyết định thành lập Tiểu ban lâm thời quản lý di tích Chùa Nền
Người dân phản ứng trước quyết định thành lập Tiểu ban lâm thời quản lý di tích Chùa Nền
Phản ánh đến Báo Pháp luật Việt Nam các cụ cao niên tại phường Láng Thượng cho biết do thời gian vừa qua sư trụ trì chùa Nền đã không còn ở chùa. Để quản lý, chăm lo cho Chùa Nền người dân ở đây đã bầu Tổ tự quản Chùa Nền do đại diện là các lão ông, lão bà trú tại phường Láng Thượng cùng chăm lo, quản lý cho chùa. 
Ngày 16/6/2015, UBND phường Láng Thượng có văn bản số 135 gửi Thường trực Quận ủy Đống Đa, UBND quận Đống Đa, Phòng Văn hóa và Thông tin quận Đống Đa… đề nghị thành lập Tiểu ban Quản lý di tích Chùa Nền.
Tiếp đó, ngày 3/7/2015, bà Phạm Thị Hồng Hải- Chủ tịch UBND phường Láng Thượng ký quyết định số 75/QĐ- UBND thành lập Tiểu ban lâm thời Quản lý di tích Chùa Nền. Theo quyết định này thì Tiểu ban trên gồm có 10 thành viên, hoạt động dưới sự chỉ đạo của UBND quận Đống Đa, Phòng VH&TT quận, UBND phường Láng Thượng, Ban Quản lý di tích phường.
Theo ghi nhận của phóng viên, quyết định hành chính này của UBND phường Láng Thượng đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các cụ cao niên phường Láng Thượng. 
Ngày 25/7, trao đổi với phóng viên, các cụ cao niên tại phướng Láng Thượng cho rằng việc UBND phường Láng Thượng thành lập Tiểu ban lâm thời Quản lý di tích Chùa Nền là không cần thiết, có sự chồng chéo về công tác quản lý di tích, văn hóa. Lý do được các cụ cao niên tại chùa này đưa ra là UBND phướng Láng Thượng đã có Ban quản lý di tích của phường, do một Phó Chủ tịch phường phụ trách. Vì vậy việc thành lập Tiểu ban lâm thời Quản lý di tích Chùa Nền là không cần thiết.
Để làm rõ về việc thành lập Tiểu ban này, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND phường Láng Thượng, nhưng đến nay lãnh đạo UBND phường Láng Thượng vẫn chưa thể bố trí lịch làm việc với phóng viên để trao đổi được thông tin. 
Theo nghi nhận của phóng viên, các bô lão ở phường Láng Thượng có tình cảm đặc biệt với sư bác Thích Đàm Đạo (tên thật là Bùi Thị Hà, đang sinh sống tại chùa). Theo thông tin phóng viên nắm được thì sư Thích Đàm Đạo là người đức độ, có tấm lòng từ bi và được bà con ở phường và bà con thập phương yêu mến. 
Được biết, ngày 24/5/1992, Chùa Nền được Bộ Văn hóa công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Theo đó, Chùa Nền là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Vua Lý Thần Tông thờ Phật và hai vị Từ Vinh và Tằng Thị Loan- thân sinh ra thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa có tên chữ là Đản Cơ Tự, có nghĩa là nền sinh ra Thánh. Đay chính là nền nhà của quan đô sát Từ Vinh, nơi thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh ra đời vì đó mà dân gian gọi là Chùa Nền.
Tương truyền, Từ Đạo Hạnh đỗ đầu khoa Bạch Liên nhưng không ra làm quan mà quyết chí cùng Minh Không và Giác Hải sang Ấn Độ học đạo. Thiền sư Từ Đạo Hạnh là người có kiến thức sâu rộng về đạo Phật. Ông cũng còn là một nhà thơ nổi tiếng triều Lý, hiện còn nhiều bài thơ của ông được in trong tập Văn thơ Lý- Trần.

Đọc thêm