Quảng Ngãi: Cơ quan chức năng nói gì về “đại dự án nhận chìm” của Hòa Phát?

(PLVN) - Ông Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa ký Giấy phép nhận chìm ở biển số 372/GP-BTNMT, cho phép Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất (đóng tại Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi) được nhận chìm vật chất ở biển. Vụ việc nhận chìm vật chất từng gây xôn xao dư luận thời gian qua.
15,5 triệu m3 vật chất sẽ cần mặt bằng rộng 300ha với chiều cao 5m để chứa
15,5 triệu m3 vật chất sẽ cần mặt bằng rộng 300ha với chiều cao 5m để chứa

Cấp phép nhận chìm vật chất từng cấm 

Đầu năm 2017, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất được chấp nhận chủ trương xây Dự án khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất gồm hai hạng mục chính là nhà máy sản xuất và cảng chuyên dùng nằm tại huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Bộ TN&MT đánh giá tác động môi trường (ĐTM) tháng 8/2017.

Trong bản đánh giá tác động môi trường, dự kiến khối lượng nạo vét phát sinh từ quá trình xây dựng cảng khoảng 9 triệu m3, chủ dự án tận dụng khoảng 4 triệu m3 để san lấp nội bộ và phần còn lại được bán cho các đơn vị khác để san lấp. Đáng lưu ý, trong bản ĐTM này, dự án không thực hiện việc nhận chìm vật chất nạo vét ở biển. 

Đến đầu năm 2018, dự án điều chỉnh quy mô cầu cảng số 5,10,11 và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận theo hướng nâng công suất cảng đón tàu có tải trọng từ 150.000 tấn lên 200.000 tấn.

Vật chất được nhận chìm là chất nạo vét khu vực cảng, luồng tàu ra vào cảng, khu bến cảng thuộc dự án nêu trên. Tổng khối lượng vật chất nhận chìm có 15,39 triệu m3, bao gồm hai giai đoạn. Giai đoạn một 7,69 triệu m3, giai đoạn hai 7,7 triệu m3.

Giấy phép của Bộ TN&MT thể hiện, thành phần của chất nhận chìm có khoảng 86,4% là cát, 13,6% bùn sét. Chất được phép nhận chìm không chứa chất phóng xạ, chất độc, chất thải nguy hại “vượt quy chuẩn an toàn bức xạ, quy chuẩn kỹ thuật môi trường”. Địa điểm khu vực nhận chìm thuộc vùng biển Dung Quất (xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi).

Về phương tiện chuyên chở và cách thức nhận chìm, giấy phép của Bộ TN&MT nêu, đơn vị nhận chìm sẽ sử dụng tàu hút bụng xả đáy tự hành loại 7.000 m3 đến 35.000 m3. Mỗi loại tàu vận chuyển 3 chuyến/ngày, nhận chìm theo hình thức xả đáy.

Thời điểm và thời hạn thực hiện hoạt động nhận chìm từ ngày 1/3/2019 đến hết ngày 31/5/2020 (15 tháng). Trong đó, thi công giai đoạn một, 5 tháng; thi công giai đoạn hai, 5 tháng; thời gian dự phòng 5 tháng.

Cũng theo giấy phép này, Công ty cổ phần Thép Dung Quất có trách nhiệm thực hiện nhận chìm đúng địa điểm, thời điểm và thời hạn nhận chìm theo quy định của giấy phép; phải có các biện pháp phòng, chống các sự cố, bảo đảm an toàn lao động, an toàn hàng hải, bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện hoạt động nhận chìm. 

“Trường hợp có các dấu hiệu không đảm bảo an toàn, nhận chìm không đúng vị trí, thành phần vật chất không đúng theo giấy phép này; một trong các thông số giám sát môi trường vượt quá giới hạn cho phép, thì phải dừng ngay hoạt động nhận chìm và thực hiện ngay các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, khắc phục sự cố, đồng thời báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”, giấy phép của Bộ TN&MT nêu.

Nhận chìm tại vị trí đã từng được nhận chìm

Giải thích lý do thay đổi từ không nhận chìm sang nhận chìm gần 15,5 triệu m3, bà Hoàng Cẩm Tú, Trưởng Ban Quan hệ công chúng Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất cho rằng, việc nạo vét sâu xuống cao trình -22m là để nâng công suất cảng phù hợp với đội tàu vận tải có tải trọng lớn trong lĩnh vực chuyên dụng. 

Bà Tú lý giải, ban đầu khi mới tính nạo vét 9 triệu m3 đã ký hợp đồng nguyên tắc dự trù bán khoảng 5 triệu m3 cho một số dự án trong vùng và TP Đà Nẵng. Tuy nhiên vì một số lý do, sau này không có dự án nào tiếp nhận với khối lượng lớn như vậy. Trong điều kiện không có mặt bằng và cũng không có đơn vị mua san lấp; Chính phủ cũng dừng cho xuất khẩu cát nhiễm mặn, nên từ giữa năm 2018, đơn vị này xin nhận chìm 15,5 triệu m3 vật chất nạo vét ngoài khơi để đảm bảo kịp tiến độ triển khai.

“15,5 triệu m3 cần mặt bằng rộng 300ha với chiều cao 5m để chứa. Không có mặt bằng nào chứa nổi và không có phương án nào khả thi hơn việc nhận chìm. Trong khi đó, khu liên hợp dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 2/2019, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến hợp đồng với 6.000 công nhân nhà máy, khoảng 200 đối tác và cam kết với chính quyền”, bà Tú nói. 

Vẫn lời bà Tú, sau khi dùng 4 triệu m3 để san lấp mặt bằng, việc nạo vét phải dừng lại do bế tắc đầu ra. Tiến độ tổng thể của dự án đã chậm trễ vì cảng chưa làm xong.

Trao đổi với PLVN, ông Đỗ Minh Hải, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi thông tin, vị trí được cho phép nhận chìm cách nơi nạo vét gần 7km về hướng Đông, cách đảo Lý Sơn khoảng 28km đã từng nơi “nhận chìm” của một số dự án cải tạo cảng trước đây.

Cụ thể đã từng có hai dự án liên quan đến cảng thực hiện việc nhận chìm ở đây. Năm 2006 nhận chìm khoảng 1,2 triệu m3 và năm 2016 nhận chìm 960 ngàn m3. Là một trong 22 thành viên trong hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, ông Hải cho rằng có thể “an tâm được” với việc nhận chìm vật chất này dù khối lượng khá lớn.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Đọc thêm