Quảng Ninh: Uẩn khúc quanh cái chết của một phụ hồ

(PLO) - Cho rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Bùi Xuân Khang (SN 1954, trú tại huyện Hưng Hà, Thái Bình) là do tai nạn ngã cầu thang, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP.Hạ Long quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Gia đình nạn nhân không chấp nhận quan điểm này.
Cầu thang nơi được cho là ông Khang bị rơi
Cầu thang nơi được cho là ông Khang bị rơi
Từ “sốc nhiễm khuẩn” thành “đa chấn thương”
Rạng sáng 5/7/2014, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận ông Khang trong tình trạng đa chấn thương và sau đó nạn nhân tử vong. Ba ngày sau, Bệnh viện đã cấp “Giấy báo tử” với nguyên nhân ông Khang chết do “sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng”.
Trao đổi với phóng viên, anh Bùi Thanh Lâm (con trai ông Khang) cho hay: “Ngay sáng 5/7, tôi được bác sỹ thông báo bố tôi bị nhiễm viêm cầu khuẩn do ăn tiết canh lợn, không bị chấn thương gì. Trước đó một ngày, bố tôi bắt xe đi Quảng Ninh để làm phụ hồ trong tình trạng sức khỏe bình thường. Nhưng khi chết, bố tôi lại có nhiều vết thương trên người nên gia đình đề nghị công an vào cuộc làm rõ”.
Khá bất ngờ, khi giám định thì Phòng Giám định Pháp y, Bệnh viện lại kết luận nguyên nhân chết của ông Khang hoàn toàn khác với nguyên nhân nêu trong Giấy báo tử là “chấn thương sọ não + suy hô hấp do chấn thương ngực kín + đa chấn thương”. Với kết luận này, gia đình ông Khang liên tục có đơn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ về cái chết của người thân vì nghi ngờ đây là một vụ “án mạng”.
Tuy nhiên, gần một tháng sau CQĐT Công an TP.Hạ Long đã ra quyết định “không khởi tố vụ án”, đồng thời nêu ra một loạt nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân như: “Sơ ý ngã cầu thang dẫn đến bị chấn thương sọ não, suy hô hấp do chấn thương ngực kín, đa chấn thương phối hợp, bị xơ gan cổ trướng, tiền sử đã cắt thận trái và lách”? 
Trả lời khiếu nại của anh Lâm, cơ quan này vẫn giữ nguyên “quyết định không khởi tố” và mô tả rõ hơn về cú “ngã cầu thang” của ông Khang như sau: Nhóm thợ xây của anh Bùi Vạn (trong đó có ông Cường) xây nhà cho một gia đình ở phường Cao Thăng, TP.Hạ Long và ăn, ở, sinh hoạt tại một ngôi nhà 2 tầng bỏ hoang gần đó. Đêm 4/7, tại ngôi nhà này tổng cộng có 7 người. Ông Khang cùng 3 thợ xây khác ngủ tại tầng 2 của ngôi nhà. Khoảng hơn 1h sáng 5/7, nghe tiếng động mạnh, mọi người tỉnh giấc, bật điện lên thì phát hiện ông Khang nằm trên đất ở chân cầu thang tầng 1. Do khi xảy ra sự việc trong nhà trời tối lại không có điện, hai bên cầu thang không có tay vịn nên mọi người nhận định ông Khang bị trượt chân ngã từ cầu thang tầng 2 rơi xuống đất…
CQĐT còn cho rằng: “Việc anh Lâm nghi vấn một số người trong nhóm thợ của anh Vạn có liên quan, gây ra cái chết cho ông Khang là không có căn cứ. Trong quá trình làm việc, sinh hoạt với mọi người trong nhóm thợ xây, ông Khang không xảy ra mâu thuẫn, thù oán với ai. Do vậy, có thể khẳng định ông Khang chết là do sơ ý ngã cầu thang, không có sự việc phạm tội xảy ra”.
Đơn kiến nghị của gia đình nạn nhân
Đơn kiến nghị của gia đình nạn nhân 
“Cơ thể bố tôi không thể nẩy như quả bóng được”
Có thể thấy, trong vụ việc này không có ai nhìn thấy nạn nhân ngã cầu thang. Như vậy, việc ông Khang “ngã cầu thang” cũng chỉ có thể dừng ở mức độ “phán đoán” mà thôi. Khi cơ thể nạn nhân chết trong tình trạng đa chấn thương thì rất tiếc, CQĐT lại không thực nghiệm điều tra để xem “phán đoán” trên chính xác tới đâu? Vị trí nào tại cầu thang có thể gây ra những thương tích nặng nề cho nạn nhân như kết luận giám định thể hiện? Vị trí nào ở cầu thang có dấu vết máu, da hoặc tóc của nạn nhân còn dính lại?
Theo Kết luận giám định thì ông Khang bị “đụng giập, tụ máu dưới da đầu cùng đỉnh trái; vỡ xương hộp sọ vùng đỉnh, kẽ xương vỡ chảy nhiều máu; gãy 1/3 xương ức; gãy kín 3 xương sườn bên phải, 4 xương sườn bên trái; vỡ gan trái; xây xát da nhiều nơi”… 
Nhận định về những thương tích của bố mình, anh Lâm cho hay: “Bảo bố tôi bị ngã cầu thang thì CQĐT phải kết luận rõ bố tôi bị ngã từ vị trí nào mà cơ thể lại có thể nằm gọn gàng ở ngang chân cầu thang. Chiếu thẳng vị trí phát hiện cơ thể bố tôi lên là cầu thang lên tầng 3  thì không có khoảng trống nào để ông có thể rơi thẳng từ tầng 2 xuống được. Hơn nữa, cơ thể con người không thể như quả bóng mà khi rơi xuống đất rồi còn có thể nảy lên, đập xuống để gây thêm nhiều thương tích ở những vị trí khác nhau trên cơ thể được. Nếu phần đỉnh đầu của bố tôi đập xuống đất thì ông phải bị gãy cổ chứ không thể bị gãy xương sườn hai bên được. Còn nếu phần ngực của bố tôi đập xuống đất thì không thể nào đồng thời bị nứt sọ được. Đó là chưa kể các thương tích khác xung quanh người như xây xát giữa lưng, hông phải, hông trái và vỡ gan…”.
Được biết, anh Lâm đã khiếu nại đến VKSND và Công an tỉnh Quảng Ninh đề nghị đánh giá lại lời khai của những người có mặt cùng ông Khang khi xảy ra vụ việc cũng như tiến hành thực nghiệm điều tra, xem xét hiện trường để lý giải các mâu thuẫn, nghi ngờ của gia đình nạn nhân. 
PLVN sẽ theo dõi và thông tin về vụ việc.

Đọc thêm