Quy trình tố tụng đối với Đại biểu Quốc hội

(PLO) - Vụ bà Châu Thị Thu Nga (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) bị bắt tạm giam, điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khiến nhiều người băn khoăn rằng vì sao Đại biểu Quốc hội quyền bất khả xâm phạm nhưng vẫn bị bắt? 



Quy trình tố tụng đối với Đại biểu Quốc hội
Vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn – Công ty TNHH NewVision Law giải thích như sau:  Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng là công dân, nếu vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo quy định của pháp luật, tuy nhiên quy trình tố tụng đối với ĐBQH có đặc biệt hơn.
Điều 81 Hiến pháp 2013 quy định:“Không được bắt, giam, giữ, khởi tố ĐBQH nếu không có sự đồng ý của Quốc hội hoặc trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH); trong trường hợp ĐBQH phạm tội quả tang mà bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc UBTVQH xem xét, quyết định”. Thực tế trong chế độ ta, không ai có thể có một thứ đặc quyền, đặc lợi nào cả. Quyền bất khả xâm phạm của ĐBQH nhằm đảm bảo sự hoạt động của Quốc hội, tránh cho ĐBQH các áp lực, ảnh hưởng không chính đáng trong khi làm nhiệm vụ người đại biểu. 
Bên cạnh đó, Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định: “Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của UBTVQH thì không được bắt giam, truy tố ĐBQH và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH. Việc đề nghị bắt giam, truy tố, khám xét nơi ở và nơi làm việc của ĐBQH thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSNDTC…”.
Như vậy, việc bắt ĐBQH phải có đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC và được sự đồng ý của Quốc hội hoặc UBTVQH (trong thời gian Quốc hội không họp). Việc thực hiện lệnh bắt thuộc về cơ quan điều tra phát hiện ra hành vi phạm tội của ĐBQH và có thẩm quyền điều tra hành vi phạm tội đó.
Với các quy định trên, ĐBQH không có quyền miễn trừ trong tố tụng, quyền bất khả xâm phạm của ĐBQH không phải là tối thượng. Việc bắt giữ bà Châu Thị Thu Nga đã tuân theo pháp luật hiện hành vì có đề nghị của Viện trưởng VKSNDTC và sự đồng ý của UBTVQH.
lLiên quan tới việc khám xét, bắt giữ ĐBQH, trong trường hợp nào có thể bắt khẩn cấp khi chưa được sự đồng ý của Quốc hội?
Theo Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội: “Nếu vì phạm tội quả tang mà ĐBQH bị tạm giữ thì cơ quan tạm giữ phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc UBTVQH xét và quyết định”.
Như vậy, trong trường hợp bắt, giữ, tạm giam khẩn cấp thì phải lập tức báo cáo để Quốc hội hoặc UBTVQH xét và quyết định.
lViệc UBTVQH tạm đình chỉ nhiệm vụ ĐBQH của bà Nga, sau khi bị bắt, tạm giam, tư cách ĐBQH của bà Nga sẽ thế nào?
Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng Hình sự: “Không ai được coi là có tội khi chưa có bản án của tòa án có hiệu lực pháp luật”. Do đó, việc bắt người mới chỉ là bước khởi đầu để phục vụ cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “Trong trường hợp ĐBQH bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì UBTVQH quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH đó”.
Như vậy, để phục vụ công tác điều tra, UBTVQH quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của bà Châu Thị Thu Nga. Còn các hình thức xử lý khác như bãi nhiệm tư cách sẽ phải dựa trên bản án của tòa án. Trong trường hợp bà Nga bị tòa án kết án thì đương nhiên mất quyền ĐBQH, kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật (Điều 56, Điều 58 Luật Tổ chức Quốc hội). Còn nếu được tòa án xác định không phạm tội thì quyền của người bị bắt sẽ được khôi phục theo quy định của pháp luật.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.

Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com

Đọc thêm