“Sai phạm trong đền bù, GPMB tại Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô”: Cho hưởng án treo không tương xứng với hành vi phạm tội?

(PLO) - Liên quan đến vụ án này, Báo PLVN đã phản ánh, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt bị cáo Thắng 4 năm tù, còn Huỳnh Ngọc Sương 3 năm tù (án treo) khiến nhiều người tham dự phiên tòa và dư luận cảm thấy bức xúc và cho rằng chưa tương xứng với hành vi phạm tội.
Cấp sơ thẩm áp dụng các điều luật để luận tội khiến dư luận hoài nghi về việc “bỏ lọt” sai phạm của một số bị cáo
Cấp sơ thẩm áp dụng các điều luật để luận tội khiến dư luận hoài nghi về việc “bỏ lọt” sai phạm của một số bị cáo

Bản án 19/2016/HSST của TAND tỉnh Phú Yên cho thấy, bị cáo Huỳnh Ngọc Sương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, được phân công làm Trưởng ban bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án tại xã Hòa Tâm có nhiệm vụ điều hành toàn bộ công tác GPMB, lập, phê duyệt, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất theo Quyết định số 299/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, ông Nguyễn Tài ký.

Quá trình làm việc, bị cáo Sương biết phương án đền bù, hỗ trợ tái định cư do Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) lập chưa hoàn chỉnh, chưa niêm yết công khai, chưa lấy ý kiến của những người bị thu hồi đất và chưa được thẩm định phê duyệt nhưng vẫn phê duyệt. Đồng thời, ông Sương cũng biết việc ông Nguyễn Tài chỉ đạo bỏ qua quy trình thẩm định, phê duyệt, chỉ rà soát trên bảng kê do Trung tâm PTQĐ lập rồi cùng Phòng TN&MT xác nhận trên cùng một bảng kê là trái quy định về quản lý kinh tế, nhưng bị cáo này vẫn thực hiện. Chính từ việc làm này đã dẫn tới việc chi trả tiền bồi thường đất sai quy định gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 9,2 tỷ đồng.

Huỳnh Ngọc Thắng, nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm PTQĐ huyện Đông Hòa, thành viên Ban bồi thường, GPMB, có nhiệm vụ thực hiện công tác kiểm kê, áp giá, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, được cử đi tập huấn tại Sở TN&MT Phú Yên và nghiên cứu các văn bản quy định của Nhà nước về công tác bồi thường GPMB; là người lập phương án nên biết rõ Trung tâm PTQĐ chưa lập hoàn chỉnh phương án nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo và tham gia công tác chỉ đạo kiểm kê nên biết rõ số lượng cây trồng trên đất của ông Nguyễn Kích và ông Nguyễn Kiên Cường không đủ mật độ 25% theo quy định, chỉ được hỗ trợ 50% về đất nhưng Thắng đã cùng với Bùi Xuân Quang, Trần Trọng Duy lập hồ sơ bồi thường cho hai đối tượng này được nhận 100% giá trị quyền sử dụng đất…

Tuy nhiên, HĐXX TAND tỉnh Phú Yên chỉ tuyên Thắng 4 năm tù, còn Huỳnh Ngọc Sương 3 năm tù (án treo) khiến nhiều người tham dự phiên tòa và dư luận cảm thấy bức xúc và cho rằng chưa tương xứng với hành vi phạm tội.

Tại Văn bản số 11/2016/KN-HS-VC2 của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng cho rằng: “Các bị cáo Thắng, Sương, Nguyễn Kỳ Tổng đều giữ vai trò quan trọng trong vụ án, hành vi của các bị cáo này là nguyên nhân chính dẫn đến việc chi trả sai tiền hỗ trợ, đền bù. Là người phải chịu trách nhiệm chính trong tổng số thiệt hại đã gây ra trong vụ án này. Vì vậy, cấp sơ thẩm chỉ áp dụng hình phạt 4 năm đối với Thắng, 3 năm tù (cho hưởng án treo) đối với Sương, 2 năm 6 tháng tù (án treo) với Nguyễn Kỳ Tổng là quá nhẹ, không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ra và không công bằng đối với các bị cáo như Nguyễn Tài, Nguyễn Kích”… 

VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng còn cho rằng, cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2,Điều 54 BLHS năm 2015 để cho các bị cáo như: Nguyễn Kỳ Tổng, Dương Văn Nhân, Bùi Xuân Quang, Trần Trọng Duy, Võ Tấn Vinh, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Trình Văn, Nguyễn Dương Tiến Hùng, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Hữu Phí... hưởng mức án dưới mức hình phạt nhẹ nhất của khung hình phạt liền kề nhẹ hơn trong điều luật là không đúng. Để được áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, các bị cáo phải là người phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể…

Căn cứ để VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng bản án sơ thẩm áp dụng không đúng điều luật còn bởi Nguyễn Dương Tiến Hùng (chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Đông Hòa) vào năm 2004 đã bị TAND huyện Tuy Hòa xử phạt 2 năm tù cho hưởng án treo về tội “Cố ý gây thương tích” rõ ràng không phải là người phạm tội lần đầu. Tuy nhiên, TAND tỉnh Phú Yên vẫn cho bị cáo này áp dụng khoản 2 Điều 54, BLHS. Cấp sơ thẩm cho các bị cáo Huỳnh Ngọc Sương, Nguyễn Kỳ Tổng, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Hữu Phí cùng các đồng phạm khác được hưởng án treo là trái quy định tại Điều 60, BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 đã được hướng dẫn chi tiết tại điểm b, khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐTP ngày 6/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Từ những nhận định trên, Phó Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng - Nguyễn Văn Hòa cho rằng, cần phải sửa hình phạt đối với các bị cáo đã được cấp sơ thẩm xử phạt mức án nhẹ, không đủ răn đe giáo dục riêng, phòng ngừa chung; chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo đã gây ra theo hướng tăng nặng để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. 

Theo đó, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị tăng mức hình phạt đối với bị cáo Huỳnh Ngọc Thắng, Huỳnh Ngọc Sương, Nguyễn Kỳ Tổng, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Hữu Phí... không cho áp dụng Điều 60 BLHS năm 1999 sửa đổi năm 2009 để cho các bị cáo hưởng án treo…

Được biết, ngày 15/11/2018, VKSND tỉnh Phú Yên đã có Cáo trạng số 23/CT-VKS-P3 truy tố ra trước TAND cùng cấp, để xét xử các bị can: Nguyễn Tài, Huỳnh Ngọc Sương, Nguyễn Kích, Huỳnh Ngọc Thắng, Trần Trọng Duy, Bùi Xuân Quang, Nguyễn Kỳ Tổng, Dương Văn Nhân, Võ Tấn Vinh, Nguyễn Trình Văn, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thị Huỳnh Dung, Nguyễn Dương Tiến Hùng, Huỳnh Công Dự, Lê Văn Hoàng và Nguyễn Hữu Phí về tội Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 3 Điều 165 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). 

Đọc thêm