“Siết” hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ

(PLO) - Liên Bộ Tài chính – Công an đang dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhằm quản lý có hiệu quả hoạt động kinh doanh này.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Cơ quan công an sẽ giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê
Một trong những nội dung quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều người  là việc Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ đưa ra quy định cơ quan công an tiến hành giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Theo đó, trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê thuộc về cơ quan công an và UBND các tỉnh, thành.
Như vậy, Bộ Công an đã thay thế vai trò của Bộ Tài chính trong việc quản lý (kiểm tra, giám sát, xử phạt) hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, vốn đang thuộc về trách nhiệm của Bộ Tài chính và UBND tỉnh, thành như quy định tại Thông tư 110/2007/TT-BTC về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Cùng với việc thay đổi bộ quản lý từ Bộ Tài chính sang Bộ Công an, các quy định mới của pháp luật cũng sẽ siết chặt hơn đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Cụ thể, Bộ Công an giữ quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê; kiến nghị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội; hướng dẫn mẫu trang phục của nhân viên dịch vụ đòi nợ; xử lý các hành vi vi phạm quy định về an ninh, trật tự trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ…
Đồng thời, cơ quan công an có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, như: kiểm tra các giấy tờ hợp lệ về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê; nội dung kinh doanh ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận...
Doanh nghiệp đòi nợ thuê phải đăng ký lý lịch nhân viên với công an
Một điểm mới của dự thảo lần này là quy định rõ ràng trách nhiệm và quyền hạn của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Theo đó, doanh nghiệp chỉ được tiến hành các hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sau khi có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự (theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh trật tự đối với một số ngành, nghề kinh doanh có điều kiện); không cho thuê, mượn, chuyển nhượng hoặc sửa chữa Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự...
Ngoài chế độ báo cáo với cơ quan chức năng như quy định hiện hành, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê còn phải đăng ký lý lịch nhân viên với công an phường, xã, thị trấn; cung cấp cho cơ quan công an có thẩm quyền danh sách và thông tin có liên quan đến người làm trong doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ (kể cả người nước ngoài); thống kê các phương tiện phục vụ cho công tác thu hồi nợ…
Đặc biệt, khi thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, chi nhánh và người đại diện theo pháp luật thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan công an; khi thực hiện hợp đồng đòi nợ thuê cũng phải thông báo bằng văn bản cho Công an phường sở tại nơi thực hiện hợp đồng đòi nợ biết trước khi thực hiện.
Dịch vụ đòi nợ được đòi những khoản nợ nào?
Các khoản nợ được phép thực hiện bởi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này là các khoản nợ giữa các tổ chức kinh tế với các tổ chức kinh tế; giữa tổ chức kinh tế với cá nhân; giữa cá nhân với nhau.
Còn các khoản nợ đang thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật; các khoản nợ của chủ nợ hoặc khách nợ là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân hoặc nợ giữa Việt Nam với các tổ chức quốc tế hoặc quốc gia khác thì không được phép thực hiện bởi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Đọc thêm