Tái diễn vấn nạn “bức tử” sông Thu Bồn

(PLVN) - Nhiều năm nay, khu vực nhánh sông Thu Bồn chảy qua thị xã Điện Bàn vốn được xem như “điểm nóng” khai thác cát trái phép của tỉnh Quảng Nam. 
Một đoạn bờ sông “biến mất”.
Một đoạn bờ sông “biến mất”.

Mặc dù chính quyền công khai các số điện thoại “Đường dây nóng”, tăng cường kiểm tra, xử lý khâu chấp hành của chủ bến bãi… nhưng vấn nạn khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp.  

Hoạt động rầm rộ trong đêm

Từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, cứ 22h hàng ngày, người dân khối phố Viêm Trung (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) lại chứng kiến cảnh các tàu hút cát xuất phát hoạt động dọc sông Thu Bồn đoạn qua địa phương.

Sau đó nhóm người này đưa cát về các bãi tập kết ở ven sông Ngân Hà thuộc thôn Viên Trung. Toàn bộ các hoạt động diễn ra ầm ầm bằng máy cơ giới công suất lớn nhưng theo người dân, lực lượng chức năng địa phương lại không có động thái gì.  

Ông Lê Thanh Lê (ngụ thôn Viên Trung) cho hay, khoảng cuối tháng 2/2020, cứ khoảng 1h30 sáng 4 ghe hút cát xuất hiện, đặt ống hút xuống lòng sông, khai thác đoạn chảy qua phường Điện Ngọc. Sau khoảng một tiếng đồng hồ “kiếm ăn”, những chiếc ghe này tập kết vào khu vực bến thủy của các hộ kinh doanh cá thể ông Trần Quang Hy, Phạm Văn Thịnh.

Trên các bãi tập kết, các máy xúc liên tục “ăn” cát từ ghe lên bãi. “Liên tục diễn ra như vậy, thời gian có thể dao động trong khoảng từ 10h tối đến 5h sáng hôm sau, nhưng dân báo chính quyền mà không thấy cán bộ không xuống kiểm tra”, ông Lê nói.

Theo người dân địa phương, nạn “cát tặc” hoành hành trên tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn đã “bức tử” đôi bờ sông. Hàng trăm ha đất sản xuất và nhà ở của người dân đã bị dòng nước cuốn trôi. Đi dọc bờ sông ở khu vực Điện Ngọc, nhiều người không khỏi xót xa khi nhìn thấy cảnh sạt lở kinh hoàng. Ông Lê chua chát “giờ bờ sông đã không có bờ mà thành “hầm sông”. Bờ đất chênh vênh, cao như một cái vực, còn mép nước lọt thỏm dưới sâu. 

Chỉ ra phía bụi tre nằm cách mép nước gần 50m, ông Lê thở dài: “Chỉ 2 năm trước, nó là bờ, nay đã nằm gần giữa lòng sông, thậm chí có đoạn bờ sông trước đây cách bờ hiện tại gần 100m. Thấy bờ sông bị “nuốt”, người dân ai cũng lo lắng. Nguyên nhân một phần từ thiên tai, những trận lũ quét, nhưng phần không nhỏ do khai thác cát quá ồ ạt, tràn lan”. 

Một địa điểm tập kết cát.
 Một địa điểm tập kết cát.

Về phía cơ quan chức năng, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Nam cho biết, tính đến tháng 2/2020, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 33 giấy phép khai thác cát, sỏi đang còn hiệu lực, trong đó chủ yếu tập trung ở sông Vu Gia - Thu Bồn với tổng diện tích các khu vực được khai thác gần 230ha. Hiện có 4 trường hợp đang tạm dừng khai thác do người dân phản đối, không cho khai thác vì lo ngại sạt lở, bồi lấp.

Ngăn chặn khó khăn

Liên quan tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chính quyền các địa phương, các ngành triển khai giải pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khoảng sản nói chung, khai thác, vận chuyển, tập kết, kinh doanh cát, sỏi nói riêng. Trong đó, Trạm kiểm soát liên ngành của TX Điện Bàn đặt tại ngã ba Vòm sông Thu Bồn thực hiện công tác chốt chặn 24/24h. 

Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, chủ yếu trên địa bàn các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc và TX Điện Bàn. Trong năm 2019, lực lượng liên ngành đã phát hiện, xử lý 20 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính với tổng số tiền 485 triệu.

Nói về khó khăn, ông Phan Hà, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh cho biết, cát sỏi là loại khoáng sản dễ khai thác và tiêu thụ, không cần đầu tư nhiều nhưng mang lại lợi nhuận, đặc biệt là hoạt động trái phép, nên nhiều đối tượng cố tình vi phạm. 

Những người này cũng có nhiều phương thức, thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng như làm vào ban đêm; khai thác ở địa bàn giáp ranh giữa các địa phương, khi có hoạt động kiểm tra của địa phương này, liền di chuyển phương tiện khai thác sang địa bàn bên kia nhằm tránh bị kiểm tra, xử lý; có tổ chức cảnh giới, thông báo cho nhau khi có cơ quan chức năng kiểm tra…

Đặc biệt, sự manh động và liều lĩnh của các đối tượng ngày càng tăng; liên tục hăm dọa, chống trả khi bị kiểm tra, bắt giữ. Vì thế, nếu không có lực lượng công an, thanh tra giao thông đi cùng và có phương tiện chuyên dụng, rất khó tiếp cận và lập hồ sơ xử lý. Bên cạnh đó, một số cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và quy định pháp luật.

Cũng lời ông Hà, mới đây, UBND Quảng Nam đã ban hành Công văn 610/UBND-KTN yêu cầu thực hiện nghiêm chế độ báo cáo và tập trung thực hiện: Kiểm tra, đóng cửa các bến, bãi không đủ điều kiện cấp, gia hạn giấy phép hoạt động bến bãi; việc đóng cửa bến bãi phải thực hiện bằng biện pháp ngăn chặn triệt để, không để tái diễn tình trạng trái phép... nhằm chấn chỉnh tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông.

“Chúng tôi đang kiến nghị tỉnh bổ sung hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính với hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông với khối lượng dưới 50m3; cũng như quy định chi tiết, cụ thể về mức chi, chế độ chi, sử dụng nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời bổ sung, sửa đổi quy định, tiêu chuẩn giám đốc điều hành mỏ với các mỏ có quy mô nhỏ để nâng cao hiệu quả quản lý khoáng sản”, ông Hà nói. 

Đọc thêm