Thái Bình: Tiếp tục đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết lương cho người lao động

(PLO) - Ông Nguyễn Duy Vân (SN 1965, cán bộ Cty CP Xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Thái Bình) có đơn gửi Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh vụ việc ông bị “mất” 19 tháng lương.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Nguồn Internet
Cụ thể, từ năm 1979 đến năm 1999, ông Vân làm việc ở Nhà máy Xay Thái Bình. Do đấu tranh chống tiêu cực nên ông bị giám đốc nhà máy trù dập bằng cách không cho làm việc một cách vô lý, không trả lương. Tổng cộng thời gian ông bị nghỉ việc bằng “lệnh miệng” trong thời gian này là 40 tháng.
Năm 2000, khi Nhà máy Xay Thái Bình sáp nhập vào Cty Xuất nhập khẩu (XNK) tỉnh Thái Bình thì ông Vân được bố trí đi làm trở lại tại trạm kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, đi làm đến tháng 3/2001 thì ông lại bị cho nghỉ việc (không có quyết định, không trả lương). 19 tháng sau, vào tháng 10/2002 ông mới tiếp tục đi làm.
Như vậy, ông Vân đã bị cho nghỉ việc sai quy định tổng cộng 59 tháng. Theo quy định thì đơn vị sử dụng lao động phải bồi thường cho ông Vân một khoản tiền tương ứng tiền lương trong thời gian ông không được làm việc này. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Bình (cơ quan chủ quản Cty XNK Thái Bình) lại chỉ đồng ý cho Cty trả ông Vân tiền lương trong 40 tháng bị nghỉ việc sai quy định. 
Chính vì vậy, từ đó đến nay ông Vân liên tục khiếu nại, đề nghị UBND tỉnh Thái Bình giải quyết nốt phần tiền lương 19 tháng ông bị nghỉ việc sai quy định, từ tháng 3/2001 đến tháng 10/2002.
Mới đây ngày 1/7/2015, UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn trả lời ông Vân cho rằng: “Nội dung đề nghị về tiền lương không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh mà thuộc thẩm quyền giải quyết của người sử dụng lao động trong doanh nghiệp nơi ông Vân đã và đang làm việc hoặc thẩm quyền của Tòa án”.
Phản đối nội dung trả lời trên đây, ông Vân cho rằng UBND tỉnh Thái Bình đã tự mâu thuẫn với chính mình vì trước đây cơ quan này đã có công văn đồng ý cho Cty XNK Thái Bình trả 40 tháng lương cho ông, nay thì lại  thoái thác trách nhiệm giải quyết 19 tháng lương còn lại mặc dù hai lần nghỉ việc này giống hệt nhau về bản chất: ông bị cho tạm nghỉ việc không lý do, không văn bản; UBND tỉnh Thái Bình là cơ quan chủ quản của đơn vị sử dụng lao động; đơn vị sử dụng đều mua đủ bảo hiểm xã hội cho ông mức 20% lương, đóng quỹ công đoàn cho ông… (tức là công nhận 59 tháng công tác liên tục cho ông Vân)…
Ngoài ra theo ông Vân, trong cuộc họp liên ngành trước đây, TAND tỉnh Thái Bình và Sở Tư pháp Thái Bình đã có quan điểm thẩm quyền giải quyết vụ việc này thuộc UBND tỉnh. Vậy thì tại sao đến nay UBND tỉnh Thái Bình lại đẩy trách nhiệm giải quyết cho cơ quan khác? Chẳng lẽ Cty Cổ phần XNK hàng thủ công mỹ nghệ (nơi ông làm việc hiện nay) lại phải chịu trách nhiệm về cái sai của một doanh nghiệp của tỉnh từ 14 năm trước?
Theo ông Vân thì chính UBND tỉnh Thái Bình phải giải quyết bồi thường tiền lương trong 19 tháng cho ông thay cho doanh nghiệp trực thuộc chứ không thể “đẩy” cho cơ quan khác.

Đọc thêm