Thái Bình: Xây dựng Bệnh viện gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hộ liền kề Chủ đầu tư có làm đúng quy định?

(PLO) - Ngày 6/8 Báo PLVN có bài viết, “Xây dựng khu điều trị chất lượng cao gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chủ sở hữu liền kề” phản ánh việc Chủ đầu tư đã tắc trách trong quá trình thi công xây dựng công trình gây thiệt hại về tài sản nhà ở của 51 hộ dân. Việc gây lún nứt nhà của các hộ dân liền kề có phải xuất phát từ việc làm sai quy trình của Chủ đầu tư?
Quá trình Chủ đầu tư triển khai xây dựng công trình 13 tầng và 1tầng hầm, 1 tầng tum đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nhà ở cho hàng chục hộ dân ở phường Quang Trung, TP Thái Bình
Quá trình Chủ đầu tư triển khai xây dựng công trình 13 tầng và 1tầng hầm, 1 tầng tum đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản nhà ở cho hàng chục hộ dân ở phường Quang Trung, TP Thái Bình

Trước đó, theo thông tin phản ánh của không ít hộ dân tại tổ 22, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình ,  Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao tỉnh Thái Bình tổ chức thi công xây dựng Dự án khu điều trị chất lượng cao tại số 530 đường Lý Bôn, phường Quang Trung gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản nhà ở của những hộ dân liền kề. 

Trong quá trình phóng viên Báo PLVN tìm hiểu, được biết UBND phường Quang Trung đã yêu cầu Chủ đầu tư là Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao phải tạm dừng thi công xây dựng công trình để phối hợp với người dân thỏa thuận bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, dù chưa thống nhất được mức tiền bồi thường thiệt hại đối với một số hộ dân, chủ đầu tư vẫn vô tư thi công xây dựng như không có chuyện gì xảy ra.

Từ sự việc trên cho thấy, chưa nói đến việc thi công, thiết kế xây dựng đúng hay sai, song, với tinh thần và thái độ của Chủ đầu tư không chấp hành theo đề nghị của cơ quan quản lý Nhà nước và không thể hiện trách nhiệm do quá trình thi công gây thiệt cho người dân là việc làm không thể chấp nhận.

Người dân phản ánh sự tắc trách của Chủ đầu tư với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam
Người dân phản ánh sự tắc trách của Chủ đầu tư với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam

Được biết, ngày 26/2/2016 Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình đã cấp giấy phép xây dựng số 09/GPXD cho Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao tỉnh Thái Bình xây dựng nhà khám chữa bệnh thuộc dự án khu điều trị chất lượng cao tỉnh Thái Bình với số tầng 12 tầng và 1 tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng là hơn 33 nghìn m2. Đơn vị thiết kế dự án là Công ty TNHH Kinh doanh và xây dựng Vinnahouse và Công ty TNHH Tư vấn thiết kế Hoàng Báu là đơn vị thẩm tra thiết kế.

Điều đáng chú ý, lựa chọn đơn vị thiết kế và đơn vị thẩm tra là như trên, song đến ngày 23/6/2017 Cục Quản lý hoạt động xây dựng có văn bản thông báo kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình gửi Công ty TNHH Bệnh viện Đa khoa chất lượng cao, lại cho thấy đơn vị thẩm định này không phải là thẩm định đơn vị thiết kế theo giấy phép Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình cấp.

Thậm chí có một trong hai đơn vị nhà thầu tư vấn thiết kế, là Công ty CP Kiến trúc xây dựng và thương mại Fingerprint (là đơn vị đóng dấu xác nhận vào hồ sơ thiết kế) bị Cục quản lý hoạt động xây dựng chỉ ra chưa đăng tải thông tin năng lực của tổ chức tham gia hoạt động xây dựng theo quy định và thực hiện thủ tục đề nghị được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng với công việc thực hiện.

Về vấn đề đơn vị tư vấn thiết kế trên đã được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hay chưa, ông Nguyễn Giang Thanh, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng giải thích, “Sở không cấp cho đơn vị tư vấn thiết kế nào, còn Cục quản lý hoạt động xây dựng đã cấp chưa thì tôi không rõ. Vì đây là công trình cấp 1 tương đương với công trình hạng 1 và do nguồn vốn của Chủ đầu tư tự huy động nên đơn vị cấp phép phải do Cục Quản lý hoạt động xây dựng cấp”.

Cũng tại kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế, Cục Quản lý hoạt động xây dựng đã yêu cầu đối với Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phải thực hiện thí nghiệm hiện trường kiểm tra sức chịu tải của cọc trước khi thi công đại trà phần cọc. Chủ đầu tư gửi kết quả cho đơn vị tư vấn thiết kế để đối chiếu, kiểm tra lại sức chịu tải của cọc, đảm bảo an toàn cho công trình và bổ sung đầy đủ thiết kế hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kỹ thuật ngoài nhà, giao thông nội bộ.

Bên cạnh đó, Chủ đầu tư phải có trách nhiệm kiểm soát, đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các công trình khớp nối, đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật chung của dự án; thiết kế hạ tầng kỹ thuật chung của dự án phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định. Trước khi thực hiện kết nối cần kiểm tra hiện trạng, báo cáo và tuân thủ theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành, đảm bảo khớp nối và đáp ứng được khả năng tiếp nhận với hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực và thực hiện nhiều công việc khác để đảm bảo an toàn xây dựng.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, Trưởng phòng quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình khẳng định: “Trong quá trình xây dựng công trình để ảnh hưởng thiệt hại đối với những công trình nhà ở liền kề như hiện nay là trách nhiệm hoàn toàn của Chủ đầu tư. Chúng tôi chỉ là đơn vị cấp giấy phép để kiểm soát về mặt Nhà nước”. 

Như vậy, cho thấy ngay từ những bước đầu thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật công trình, cơ quan chuyên môn cao nhất trong lĩnh vực xây dựng đã cảnh báo với Chủ đầu tư về một số vấn đề có thể xảy ra trong quá trình thi công, do vậy cần tính toán kỹ lưỡng và bổ sung thêm một số yêu cầu như đã nêu trên. 

Với những gì đang diễn ra, dường như hậu quả gây lún nứt nhà dân xuất phát từ việc nhà thầu và chủ đầu tư đã không tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng.

Để bạn đọc và người dân hiểu rõ hơn về chủ trường đầu tư xây dựng của Dự án này và vì sao Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình lại có sự thay đổi điều chỉnh số tầng từ 12 tầng lên đến 13 tầng cộng 1 tầng hầm và 1 tầng tum. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục phân tích bài viết tiếp theo./.

Đọc thêm