Thái Nguyên: Lãnh đạo VKS tỉnh xin về 'hưu non' hòng trốn tội 'tiếp tay'?

(PLO) - Suốt 7 năm qua, gần 30 nạn nhân bị vợ chồng Võ Khánh Dương -  Nguyễn Thị Quỳnh Anh lừa đảo vẫn kiên trì gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm công lý, đòi lại tiền, yêu cầu truy trách nhiệm người tẩu tán tài sản giúp các bị cáo. Thế nhưng vị Phó Viện trưởng VKSND tỉnh đã bất ngờ có động thái “ngoạn mục”.
7 năm với rất nhiều phiên tòa xét xử, vụ án vẫn chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng
7 năm với rất nhiều phiên tòa xét xử, vụ án vẫn chưa đưa ra được phán quyết cuối cùng

Sai nghiêm trọng, chỉ bị kỷ luật nhẹ nhàng

Do có kháng cáo của hai bị cáo và kháng cáo về phần dân sự của người bị hại, tại Bản án hình sự phúc thẩm số 245/2012/HSPT, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội đã giữ nguyên quyết định về hình phạt đối với hai vợ chồng Dương và hủy phần trách nhiệm dân sự của bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho VKSND tỉnh Thái Nguyên giải quyết theo thủ tục chung.

Ngày 15/5/2013, TAND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục mở phiên tòa lần thứ 3. Tại phiên toà này, xét thấy nhiều tình tiết chưa được làm rõ nên HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án để tiếp tục điều tra, xem xét việc kê biên các tài sản của bị cáo. 

Bản án số 33/2013/HSST ngày 27/6/2013 của TAND tỉnh Thái Nguyên xác định: “HĐXX thấy rằng Tòa án đã ba lần trả hồ sơ cho VKSND yêu cầu thay đổi Quyết định hủy bỏ lệnh kê biên, nhưng VKSND không thực hiện được, nên phiên tòa cần phải được tiến hành để kết thúc vụ án, xác định nghĩa vụ bồi thường của hai bị cáo trong vụ án hình sự trước đây. Do vậy, HĐXX quyết định buộc Dương và Anh bồi thường cho 23 nguyên đơn dân sự hơn 107 tỷ đồng”.

Tiếp đó, lần xét xử thứ 5, ngày 28/5/2014, Tòa Phúc thẩm TANDTC vẫn quyết định giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 33-2013/HSST ngày 27/6/2013 của TAND tỉnh Thái Nguyên.

Như vậy, sau 5 lần xét xử, vụ án lại rơi vào vòng luẩn quẩn, các bị hại vẫn không đòi được quyền lợi chính đáng của mình. Thiệt đơn, thiệt kép, không còn cách nào khác, các bị hại tiếp tục có đơn tố cáo hành vi sai phạm của Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên  Dương Quang Hợp.

Qua xác minh, ngày 16/7/2013, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thái Nguyên đã có Kết luận số 02-KL/UBKTTU xác định, ông Hợp là người trực tiếp chỉ đạo thực hành quyền công tố và kiểm sát tuân theo pháp luật đối với vụ án nêu trên. Trong giai đoạn truy tố, ông Hợp đã chỉ đạo và ký các Quyết định số 20/KSĐT-P1, số 21/KSĐT-P1, số 22/KSĐT-P1 hủy bỏ 3 lệnh kê biên tài sản của Cơ quan CSĐT, đồng thời ký ban hành 7 quyết định trả lại vật chứng và một số tài sản tạm giữ cho 5 bị hại và 2 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Việc chỉ đạo và ký các quyết định trên trong giai đoạn truy tố không đúng quy định tại Điều 76 và khoản 4 Điều 146 BLTTHS. 

Việc làm của ông Hợp đã vi phạm khoản 1 Điều 5 Quy chế công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra vụ án hình sự; vi phạm những điều đảng viên không được làm. Khi chỉ đạo và ký các quyết định trên, ông Hợp không báo cáo với Viện trưởng VKSND để xin ý kiến chỉ đạo là vi phạm quy định về những việc phân công Phó Viện trưởng phụ trách, nhưng phải báo cáo với Viện trưởng.

“Vi phạm của ông Hợp đã gây hậu quả nghiêm trọng, không đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các bị hại, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại của các bị hại, gây dư luận xấu, bức xúc trong xã hội, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với cơ quan bảo vệ pháp luật”, Kết luận số 02 nêu.

Nhưng lạ thay, trước những vi phạm nghiêm trọng như vậy mà ông Hợp chỉ bị kỷ luật “nhẹ nhàng” về mặt Đảng. Một thời gian sau, VKSNDTC đã vào cuộc điều tra và quyết định hình thức kỷ luật đối với ông Hợp là cách chức từ Phó Viện trưởng VKSND xuống làm kiểm sát viên với lý do có nhiều sai phạm trong quá trình giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục kỷ luật thì ông Hợp lại bất ngờ có đơn xin nghỉ hưu sớm trước tuổi, phải chăng nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm. Đơn xin nghỉ hưu sớm sau đó đã được VKSNDTC đồng ý.

7 năm và bao lâu nữa?

Suốt 7 năm qua, rất nhiều phiên tòa xét xử vụ án được mở ra nhưng đến nay vẫn chưa có phán quyết thấu tình, đạt lý khiến hàng chục bị hại rơi vào cảnh “tan cửa, nát nhà”. Không chấp thuận sự vô lý trên, các bị hại trong vụ án tiếp tục có đơn khiếu nại về các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản và Quyết định trả lại vật chứng của VKSND tỉnh.

Cuối năm 2015, VKSNDTC đã có Văn bản số 4867/VKSND-V12 về việc trả lời khiếu nại của các bị hại khẳng định, khiếu nại của các bị hại là có căn cứ, hành vi bị tố cáo có dấu hiệu phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đồng thời, CQĐT VKSNDTC đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 11/VKSND-C1(P5) ngày 28/9/2015 về tội “Ra quyết định trái pháp luật” theo Điều 296 Bộ luật Hình sự để điều tra, xử lý.

Tiếp đó, ngày 7/6/2016, VKSNDTC đã ban hành Kháng nghị Giám đốc thẩm số 04/QĐ-VKSTC-V7 đối với Bản án hình sự phúc thẩm số 255/2014/HSPT ngày 28/5/2014 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo thủ tục Giám đốc thẩm hủy phần quyết định về trách nhiệm dân sự của bản án hình sự phúc thẩm nêu trên và của Bản án hình sự sơ thẩm số 33/2013/HSST ngày 27/6/2013 của TAND tỉnh Nguyên để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.

Kháng nghị giám đốc thẩm số 04 cũng cho rằng: “Trong quá trình điều tra, CQĐT tạm giữ, kê biên tài sản của 2 bị cáo, không những là tài sản để đảm bảo thi hành án, mà trong những tài sản này có tài sản là do phạm tội mà có chưa được làm rõ. Việc ông Hợp ký các “Quyết định hủy bỏ lệnh kê biên tài sản” của CQĐT đồng thời ký các “Quyết định trả lại vật chứng” cho 5 bị hại và 2 người có nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng BLTTHS về kê biên tài sản và thẩm quyền xử lý vật chứng”.

“Việc tòa án các cấp sơ thẩm và phúc thẩm quyết định buộc các bị cáo bồi thường cho 23 bị hại là mặc nhiên công nhận sự thỏa thuận trái pháp luật của các đương sự và quyết định trái pháp luật nêu trên của Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Thái Nguyên, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người bị hại. Do đó, cần phải hủy bỏ các bản án sơ thẩm, phúc thẩm về phần dân sự để điều tra lại. Xử lý đối với các quyết định của ông Hợp về hủy bỏ lệnh kê biên tài sản để đảm bảo quyền lợi chính đáng của tất cả các bị hại”, Kháng nghị Giám đốc thẩm số 04 nêu.

Vậy là sau 7 năm kêu cứu, giờ đây các nạn nhân của vụ lừa đảo đã được thắp lên chút hi vọng bởi động thái tích cực của VKSNDTC. Hành trình đi tìm công lý của họ có đến đích hay không còn chờ vào Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Đọc thêm