Thái Nguyên: Né đền bù, thu hồi sổ đỏ của dân để 'lấp liếm'?

(PLO) - Năm 2002, tỉnh Thái Nguyên có chủ trương mở rộng đường Cách Mạng Tháng 8 đã thu hồi đất của nhiều hộ dân, nhưng không đền bù. 
Dự án mở rộng, nâng cấp đường Cách Mạng Tháng 8, TP Thái Nguyên khiến không ít người dân thiệt đơn, thiệt kép
Dự án mở rộng, nâng cấp đường Cách Mạng Tháng 8, TP Thái Nguyên khiến không ít người dân thiệt đơn, thiệt kép

Trong đó gia đình ông Luận bị thu hồi 105,27m2 đất cũng không được bồi thường, khiến hơn 10 năm nay ông vất vả đi đòi công lý.

“Né” đền bù, UBND TP Thái Nguyên thu hồi, điều chỉnh cả sổ đỏ

Năm 1973, ông Nguyễn Đức Luận (trú tại tổ 35, phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) nhận chuyển nhượng của bà Nguyễn Thị Thúy ngôi nhà 3 gian, 2 gian bếp và một số cây cối tại phường Phan Đình Phùng, TP Thái Nguyên. Đã được UBND tiểu khu Phan Đình Phùng xác nhận và nộp trước bạ. Ngày 20/10/1977, được cấp giấy phép làm nhà và vẽ sơ đồ khu đất, giới hạn bởi tường rào cách đường phía trước nhà 5m. Ngày 15/4/1981, UBND TP Thái Nguyên gia hạn giấy phép xây dựng và ngày 13/6/1983 cấp tiếp Giấy phép xây dựng số 694/QĐ-UB cho gia đình ông Luận xây nhà cấp 4 cách tim đường 10m.

Năm 1986, ông Luận có đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất và được UBND TP Thái Nguyên cấp GCN số B873288 ngày 26/10/1993 theo bản đồ 299 tờ số 9, là thửa 184, diện tích 314m2 đất thổ cư.

Đến năm 2002, tỉnh Thái Nguyên có chủ trương mở rộng đường Cách Mạng Tháng 8, gia đình ông Luận đã cung cấp đầy đủ giấy tờ nhưng lại không được đền bù. Không đồng ý với kết quả trên, ông đã có đơn khiếu nại gửi đến UBND TP Thái Nguyên. Ngày 09/1/2004, ông nhận được Quyết định số 27/UB-QĐ của UBND TP Thái Nguyên chấp nhận bồi thường vỏn vẹn 2,88m2 đất có nhà xây cấp 4, không chấp nhận bồi thường diện tích đất 119,02m2 vì cho rằng đấy là đất nằm trong hành lang đường Cách Mạng Tháng 8? 

Và để “né” bồi thường, ngày 19/9/2006 UBND TP Thái Nguyên còn có động thái trơ trẽn ra Quyết định số 2524/QĐ-UB về việc “thu hồi và cấp lại GCN cho hộ bà Bùi Thị Mai Hương” (vợ ông Luận) và giao cho UBND phường Phan Đình Phùng thu hồi GCN đã cấp cho gia đình ông ngày 26/10/1993.

Sau khi nhận quyết định trên, ông Luận tiếp tục có đơn khiếu nại tới UBND tỉnh Thái Nguyên, vậy nhưng ngày 5/10/2006 UBND tỉnh Thái Nguyên lại “vào hùa” khi ban hành Quyết định 2199/QĐ-UB/2006 giữ nguyên Quyết định số 27/QĐ-UB ngày 9/1/2004 của UBND TP Thái Nguyên. Không đồng ý với các quyết định trên, ngày 27/6/2012 ông Luận đã có đơn khởi kiện UBND TP Thái Nguyên ra tòa. 

Tòa tuyên, nguyên đơn không phục

Do đó, từ ngày 18/6 đến ngày 24/6/2015 tại trụ sở TAND TP Thái Nguyên đã xét xử công khai vụ án hành chính do ông Nguyễn Đức Luận, nguyên đơn khởi kiện và bị đơn là UBND TP Thái Nguyên. Tại phiên xét xử sơ thẩm, HĐXX cho rằng, Quyết định (QĐ) số 27/QĐ-UB ngày 09/01/2014 và QĐ số 2524/QĐ-UB ngày 19/9/2006 đều của UBND TP Thái Nguyên ban hành là hợp pháp, đúng quy định của pháp luật. Việc UBND TP Thái Nguyên không đền bù với toàn bộ diện tích đất 119,02m2 được ghi trong QĐ số 27/QĐ-UB là có căn cứ. 

Theo đó, Bản án sơ thẩm số 06/2015/HC-ST ngày 24/6/2015 của TAND TP Thái Nguyên về vụ “Kiện quyết định hành chính” tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức Luận đối với UBND TP Thái Nguyên về việc yêu cầu hủy Quyết định số 27/QĐ-UB và Quyết định số 2524/QĐ-UB và yêu cầu bồi thường giá trị diện tích 105,27m2 đất bị thu hồi tại tổ 35, phường Phan Đình Phùng. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu bồi thường tài sản trên đất của gia đình ông Luận với số tiền hơn 38 triệu đồng.

Không đồng tình với phán quyết của TAND TP Thái Nguyên, ông Luận ngay lập tức có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, Bản án phúc thẩm số 03/2016/HC-PT ngày 27/01/2016, TAND tỉnh Thái Nguyên đã không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Đức Luận và giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2015/HC-ST ngày 24/6/2015 của TAND TP Thái Nguyên.

Tất nhiên, ông Luận không đồng tình với kết quả của Bản án phúc thẩm. Ông Luận cho rằng: “Năm 1986, gia đình tôi đã đăng ký quyền sử dụng đất theo bản đồ 299, tờ bản đồ số 9, số thửa 184, diện tích là 314m2, đất thổ cư. Như vậy, nguồn gốc sử dụng đất của gia đình tôi có trước Luật Đất đai năm 1988, có trước QĐ 165/QĐ-UB ngày 26/6/1990 của UBND tỉnh Bắc Thái (cũ, nay là Thái Nguyên) về quy hoạch lộ giới các tuyến đường trong TP Thái Nguyên.

Hơn thế, Điều 12, khoản 4 Luật Đất đai năm 1988 quy định: “Việc giao đất đang sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Trong khi đó, Quyết định 165/QĐ-UB phải thực hiện theo Luật Đất đai năm 1988. Và Luật Đất đai năm 1993 giữ nguyên Luật Đất đai 1988 ở Điều 21. Vậy mà tòa phúc thẩm lại cho rằng: UBND TP Thái Nguyên điều chỉnh đất cho gia đình tôi đang quản lý và sử dụng hợp pháp bằng Quyết định 165/QĐ-UB là hợp pháp, không cần có quyết định thu hồi đất và không cần đền bù đất?!”.

Cũng theo ông Luận, Điều 28 Luật Đất đai năm 1993 cũng quy định, việc thu hồi đất để chuyển sang mục đích khác phải theo đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt. Trước khi thu hồi đất phải thông báo cho người đang sử dụng biết về lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại. “Quy định rõ ràng là vậy, nên tôi tin rằng tòa án sẽ mang lại công bằng cho gia đình tôi.

Tuy nhiên, kết quả của hai cấp tòa khiến gia đình tôi “chết lặng” và không tin đó là sự thật. Do đó, tôi quyết theo đuổi vụ việc đến hơi thở cuối cùng và mong sao công lý sẽ đến với gia đình tôi, cũng như những hộ gia đình khác…”, ông Luận bức xúc.

Được biết, ông Luận đã có đơn khiếu nại đến Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đối với bản án sơ thẩm của TAND TP Thái Nguyên và bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Thái Nguyên. Hy vọng, Tòa án Cấp cao sẽ xem xét khiếu nại của ông Luận một cách khách quan, toàn diện. 

Đọc thêm