Thái Nguyên: Vì sao quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp bị khiếu nại?

(PLO) - Báo PLVN nhận được đơn của ông Nguyễn Việt Anh (trú tổ 12A, phường Định Công, Quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) phản ánh với nội dung: Ông là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện đòi tài sản (đòi quyền sử dụng đất) của bà Phạm Thị Nghè (tổ 29, phường Phú Xá, TP Thái Nguyên) đối với chị Phạm Ngọc Bích (tổ 26, phường Cam Giá, TP Thái Nguyên).
Công ty TNHH Thương mại sản xuất và Dịch vụ Cảnh Bình xây dựng hàng rào theo đúng giấy phép
Công ty TNHH Thương mại sản xuất và Dịch vụ Cảnh Bình xây dựng hàng rào theo đúng giấy phép

Mặc dù ông là chủ sở hữu thửa đất số 1191, tờ bản đồ số 7, diện tích 3.425m2 do mua bán hoàn toàn hợp pháp và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông là Nguyễn Việt Anh do UBND TP Thái Nguyên cấp ngày 21/01/2010. 

Tuy nhiên, bất ngờ ngày 31/10/2016, ông nhận được Quyết định số 15/QĐ-BPKCTT của TAND TP Thái Nguyên về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm dịch chuyển quyền về tài sản đối với tài sản đang có tranh chấp; cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang có tranh chấp đối với thửa đất trên.

Do đó, ông Việt Anh khiếu nại không đồng ý với quyết định này vì: Diện tích đất của ông nhận chuyển nhượng hợp pháp, đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng phù hợp với quy định pháp luật đất đai. Diện tích đất nhận chuyển nhượng đã được sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ lúc mua năm 2010 đến nay vẫn sử dụng ổn định, không có ý định bán, cho tặng. Mảnh đất này cũng không phải chịu trách nhiệm thi hành cho bất cứ nghĩa vụ nào. Công trình trên đất được xây dựng hợp pháp, có giấy phép xây dựng. Do đó, việc bà Phạm Thị Nghè khởi kiện là vô cớ, không có căn cứ.

Được biết, hiện nay diện tích nhà đất của ông Việt Anh đang cho Công ty TNHH Thương mại sản xuất và dịch vụ Cảnh Bình thuê làm kho chứa hàng, hàng rào bảo vệ đang được xây dựng theo đúng giấy phép xây dựng thì bị tạm dừng, vật liệu, hàng hóa còn để ngổn ngang không có biện pháp bảo vệ. 

Theo ông Việt Anh, nếu TAND TP Thái Nguyên áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang có tranh chấp và cấm dịch chuyển về tài sản đối với tài sản đang có tranh chấp sẽ làm ảnh hưởng tới kinh doanh của Công ty Cảnh Bình và hàng rào chưa xây xong sẽ không đảm bảo an toàn về hàng hóa để tại kho bãi, trộm cắp gây mất an ninh trật tự. Nếu có việc trộm cắp xảy ra hoặc thiệt hại trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp do bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án hoặc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có chịu trách nhiệm được không?

Các thiệt hại nếu xảy ra thì sẽ vô cùng lớn. Tài sản tranh chấp giá trị lớn, thiệt hại do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể xảy ra là rất lớn, người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây ra chưa? Nếu có thiệt hại xảy ra thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Mức nộp khoản tiền tương đương được tính là bao nhiêu? Hay tự ấn định theo ý chí chủ quan? Việc TAND TP Thái Nguyên ban hành Quyết định số 15/QĐ-BPKCTT về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là trái quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Theo phản ánh của ông Việt Anh, đề nghị cơ quan chức năng TP Thái Nguyên và tỉnh Thái Nguyên xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, tránh khiếu nại không đáng có.

Đọc thêm