Thanh Hóa: Dân mất đất do chính quyền âm thầm “tách thửa”

(PLO) - Đang sử dụng ổn định hơn 160m2 đất thuộc thửa 140, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Quang Cự bỗng “ngã ngửa” khi biết rằng 39m2 đất của gia đình mình đã bị UBND TP Thanh Hóa “bán” và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hàng xóm từ hơn 10 năm trước.

Bức xúc trước việc này, ông Cự đã khởi kiện UBND TP Thanh Hóa ra Tòa Hành chính. Từ đây, nhiều việc làm tùy tiện, khuất tất của cán bộ khiến ông bị mất đất đã dần lộ rõ.
“Hô biến” đất của dân
Theo bản đồ năm 1994, gia đình ông Lê Văn Quyền (bố ông Cự) sử dụng 186m2 đất thuộc thửa số 140, tờ bản đồ số 04, phường Đông Vệ. Từ đó đến nay, thửa đất không hề bị chia, tách nhưng vào năm 1997, khi thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án quốc lộ 1A, Hội đồng GPMB và UBND TP Thanh Hóa đã tự tách thửa đất trên thành 2 phần khác nhau để lập hai phương án bồi thường, một phương án của hộ ông Lê Văn Quyền (gọi là số nhà 272 Quang Trung) và một phương án của hộ ông Lê Văn Toàn (con ông Quyền, gọi là số nhà 274 Quang Trung). Theo phương án của ông Toàn thì còn 39m2 đất nằm ngoài chỉ giới GPMB.
Sự việc sẽ không có gì đáng nói nếu đồng thời với việc tự ý tách đất để đền bù như trên, UBND TP Thanh Hóa lại cho rằng diện tích dưới 40m2 còn lại của hộ ông Toàn không đủ điều kiện để làm nhà ở, cần phải gộp với thửa đất khác. Chính vì vậy, cơ quan này đã thu hồi và bồi thường cho ông Toàn cả 39m2 đất ngoài chỉ giới làm đường và buộc hộ ông này phải “di chuyển hoàn toàn” rồi lấy đất này bán cho hộ ông Nguyễn Hữu Ngọc (ở 276 Quang Trung) dưới dạng “giao đất có thu tiền”.
Đến năm 2003, UBND TP.Thanh Hóa đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho vợ chồng ông Ngọc phần đất 39m2trên với địa chỉ 272 Quang Trung. Tuy có các thủ tục trên giấy như thu hồi, giao cho ông Ngọc hay cấp GCNQSDĐ  như trên nhưng cho tới nay cả diện tích nhà đất số 272 và 274 Quang Trung vẫn do gia đình ông Quyền quản lý, sử dụng.
Như vậy, bằng việc phân chia thành hai chủ sử dụng trên thửa đất số 140, rồi âm thầm giao cho hàng xóm, UBND TP Thanh Hóa đã “hô biến” 39m2 đất của gia đình ông Quyền thành của gia đình ông Ngọc một cách khá lắt léo. Bức xúc trước việc làm này, gia đình ông Quyền đã ủy quyền cho ông Lê Quang Cự (con ông Quyền và là anh cùng cha khác mẹ với ông Toàn) thực hiện khiếu nại, rồi khởi kiện UBND TP Thanh Hóa ra Tòa Hành chính yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông Ngọc.
Sai không chịu sửa?
Tại quyết định giải quyết khiếu nại và tại phiên tòa hành chính sơ thẩm, UBND TP Thanh Hóa vẫn thừa nhận gia đình ông Lê Văn Quyền (sử dụng 186m2 đất tại thửa số 140 (gồm nhà 272 và 274 Quang Trung), có hơn 66\m2 nằm trong diện phải GPMB và ông Quyền đã có giấy ủy quyền cho ông Toàn nhận một phần tiền đền bù. Như vậy, UBND TP Thanh Hóa vẫn xác định ông Quyền là chủ duy nhất ở cả hai số nhà thì không hiểu tại sao cơ quan này lại tự ý tách thửa đất số 140 này thành hai phương án bồi thường, với hai chủ sử dụng nhà, đất khác nhau (một phương án mất hơn 20m2, một phương án mất 46m2 đất).  
Từ đó, UBND TP.Thanh Hóa tiếp tục coi phần đất tại số nhà 274 là một thửa riêng biệt so với nhà 272. Bằng sự lắt léo này, UBND TP Thanh Hóa đã coi phần 39m2 đất còn lại của nhà 274 là một thửa riêng biệt để coi diện tích này “không đủ để làm nhà”. Trong khi đó 39m2 đất này đương nhiên vẫn nằm trong thửa 140 cùng với diện tích nhà 272 và chắc chắn thửa đất này không thể dưới 40m2 để bị buộc phải gộp thửa với hàng xóm được.
Sự khuất tất thể hiện ở chỗ, giả sử như UBND TP Thanh Hóa coi nhà đất 274 Quang Trung là cần phải gộp thửa thì tại sao không để ông Toàn tự tìm phương án gộp thửa hay thỏa thuận chuyển nhượng cho hàng xóm theo giá thị trường? Chỉ khi nào ông Toàn không thể tự gộp thửa thì mới cần sự can thiệp của chính quyền, tại sao UBND TP Thanh Hóa lại tiến hành “thu hồi bắt buộc” 39 m2 đất trong trường hợp này? Nếu phải gộp thửa thì cũng phải “ưu tiên” gộp với nhà đất tại 272 Quang Trung (nơi bố ông Toàn và các anh em ông Toàn sinh sống), tại sao UBND TP Thanh Hóa lại “âm thầm” giao đất cho hộ ông Ngọc ở 276 Quang Trung?    
Mâu thuẫn hơn, tuy đã coi 39m2 trên là một phần riêng biệt để lập một phương án riêng thì tới nay, dù đã cấp GCNQSDĐ cho ông Ngọc, UBND TP Thanh Hóa vẫn không thể gọi phần đất này có số thửa bao nhiêu?. Ngoài ra, UBND TP Thanh Hóa không cho phép ông Toàn được sử dụng dưới 40m2, nhưng không hiểu dựa vào quy định nào mà vẫn cấp GCNQSDĐ cho ông Ngọc 39m2.
Thế nhưng không hiểu sao, UBND TP Thanh Hóa không chịu nhận những sai sót, vô lý trên mà vẫn cho rằng đã cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Ngọc đúng quy định? Đáng tiếc là TAND TP Thanh Hóa lại đồng tình với quan điểm của bên bị kiện và ra bản án bác đơn khởi kiện của ông Cự.
Báo PLVN sẽ thông tin tiếp về kết quả phiên tòa phúc thẩm tới đây.
Nhà đất tranh chấp, vẫn được cấp GCNQSDĐ: Ngoài việc cố tình tách thửa đất để giao cho người khác thì trong vụ việc này, UBND TP Thanh Hóa đã biết rõ đất đang có tranh chấp nhưng vẫn làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho ông Ngọc vào năm 2003. Trước đó vào năm 1995, ông Lê Quang Cự đã khởi kiện đề nghị TAND TP Thanh Hóa giải quyết việc chia thừa kế để được hưởng di sản của mẹ ông (vợ đầu của ông Quyền) là một phần nhà đất tại thửa đất 140. Tuy nhiên, khi xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án để các bên xuất trình giấy tờ hợp pháp. Cho tới nay, vụ kiện vẫn bị “treo”, tức là nhà đất tại thửa 140 vẫn có tranh chấp và chưa có bản án hoặc quyết định có hiệu lực của tòa án để phân chia tài sản thừa kế ở đây. 

Đọc thêm