Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý cán bộ vi phạm tại Từ Liêm

(PLO) - Thanh tra Chính phủ kết luận vừa có kết luận việc công dân tố cáo lãnh đạo UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bao che cán bộ vi phạm khi thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất tại xã Xuân Phương. Vụ việc đã được Báo Pháp luật Việt Nam nhiều lần phản ánh.
Ông Trần Quốc Quang, người đứng đơn tố cáo sai phạm trong vụ việc này
Ông Trần Quốc Quang, người đứng đơn tố cáo sai phạm trong vụ việc này

Vi phạm pháp luật được che đậy “có hệ thống” 

Vụ việc mà Thanh tra Chính phủ đề cập xảy ra từ năm 2011, liên quan đến việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn Tuấn và vợ chồng cụ Trần Duy Cát (nay đã mất). Trước đó, các sai phạm đã được các cơ quan chức năng kết luận  nhưng không một vi phạm nào bị xử lý. Thậm chí bản hợp đồng trái pháp luật lại được toà án “hợp pháp hoá” khiến cho những vi phạm nghiêm trọng của cán bộ, công chức suýt nữa đã được lấp liếm. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận nội dung tố cáo của ông Trần Quốc Quang đối với các công chức liên quan đến vụ việc này là “đúng một phần” và đề nghị chuyển cơ quan điều tra làm rõ vi phạm.

Trở lại vụ việc, ngày 7/4/2011, Công chứng viên Đoàn Thị Lý thuộc Văn phòng Công chứng A9 đã ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Lê Văn Tuấn với vợ chồng cụ Khuất Thị Tính và cụ Trần Duy Cát. Hợp đồng có nội dung, vợ chồng cụ Khuất Thị Tính chuyển nhượng cho anh Lê Văn Tuấn 420m2 đất tại xã Xuân Phương với giá 100 triệu đồng (thực tế lô đất được mua bán với giá 10,7 tỷ đồng). Điều đáng nói là khi hợp đồng được ký kết, cụ Trần Duy Cát đang điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện 175 trong tình trạng “thập tử nhất sinh” và công chứng viên không hề chứng kiến việc ký kết hợp đồng nhưng vẫn xác nhận vào văn bản công chứng với nội dung thể hiện hợp đồng đã ký kết tại Văn phòng Công chứng A9 và các đương sự ký trước mặt công chứng viên.

Thực tế thì nhân viên của Văn phòng Công chứng A9 đã trực tiếp vào bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, nơi cụ Trần Văn Cát đang điều trị để lấy dấu vân tay của cụ Cát. Do công chứng viên không trực tiếp chứng kiến người ký hợp đồng ký tên và điểm chỉ; người ký hợp đồng không đến văn phòng công chứng để ký nhưng vẫn được ghi trong hợp đồng là “ký tại Văn phòng Công chứng A9” tại phố Nguyễn Khánh Toàn, Hà Nội nên khi các con của cụ Trần Duy Cát phát hiện ra việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, họ đã có đơn tố cáo gửi tới UBND huyện Từ Liêm và các cơ quan chức năng.

Xác minh sự việc theo đơn tố cáo của ông Trần Quốc Quang, ngày 05/06/2011 CQĐT Công an quận Hoàn Kiếm có kết luận về sự việc. Theo đó, CQĐT đã xác định, trong thời gian diễn ra việc xác nhận giao dịch của công chứng viên, cụ Trần Duy Cát đã ở trong tình trạng hiểm nghèo, không còn đủ khả năng nhận thức và làm chủ hành vi nên việc công chứng viên vẫn ký công chức hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là trái pháp luật. Tại bản kết luận này, CQĐT cũng chỉ ra một loạt việc làm vi phạm Luật Công chứng của Công chứng viên Đoàn Thị Lý khi công chứng giao dịch này.

Ngay sau đó, Thanh tra Sở Tư pháp, Thanh tra TP Hà Nội đã có văn bản kết luận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng cụ Khuất Thị Tính và anh Lê Văn Tuấn là trái pháp luật do vi phạm quy định của pháp luật về công chứng. Cụ thể, tại Kết luận số 950/KL-TTTP(P7) ngày 28/4/2013 của Thanh tra TP Hà Nội thì Công chứng viên Đoàn Thị Lý đã có nhiều vi phạm khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh Lê Văn Tuấn và vợ chồng cụ Trần Duy Cát, như: ghi sai địa điểm công chứng; vi phạm thời hạn công chứng, vi phạm về ký tên và điểm chỉ; công chứng hợp đồng không đủ điều kiện chuyển nhượng. 

Với những vi phạm trên, hợp đồng chuyển nhượng đất giữa anh Lê Văn Tuấn và vợ chồng cụ Trần Duy Cát phải bị huỷ bỏ theo quy định của pháp luật. Các cá nhân liên quan đến vụ việc có vi phạm này phải bị xử lý. Thế nhưng, suốt từ năm 2011, mặc dù ông Trần Quốc Quang đã có đơn tố cáo đích danh các cá nhân vi phạm, song đến nay không có một cá nhân nào bị xử lý.

Điều “tệ hại” hơn nữa là bản hợp đồng trái pháp luật trên không những không bị huỷ bỏ mà lại được TAND TP Hà Nội hợp thức bằng một bản án dân sự. Theo đó, mặc dù không có tranh chấp hợp đồng nhưng ông Lê Văn Tuấn vẫn khởi kiện cụ Khuất Thị Tính ra toà. Sau đó, ông Tuấn quay sang đề nghị Toà công nhận hợp đồng mà trước đó đã bị cơ quan chức năng kết luận là trái pháp luật. Oái oăm thay, Toà án lại chấp nhận yêu cầu này, biến bản hợp đồng bất hợp pháp đúng pháp luật. 

Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý vi phạm

Với một loạt vi phạm bị che đậy, hợp đồng trái pháp luật được hợp pháp hoá đã gây ra sự bất bình ghê gớm đối với anh em ông Trần Quốc Quang. Do vậy, liên tục từ năm 2013, ông Trần Quốc Quang đã gửi đơn đến Thủ tướng Chính phủ, tố cáo vi phạm pháp luật và sự bao che của quan chức huyện Từ Liêm và TP Hà Nội đối với các cá nhân vi phạm.

Sau một thời gian dài xác minh sự việc, vừa qua Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo xử lý vụ việc này. Thanh tra Chính phủ đã xác định một loạt vi phạm pháp luật trong vụ việc này. Trong đó, ông Nguyễn Tiến Quang, Phó Văn phòng Đăng ký nhà đất huyện Từ Liêm có dấu hiệu giả mạo trong công tác khi lập văn bản kiểm tra hiện trạng nhà đất với nội dung xác định cụ Trần Duy Cát có mặt tại hiện trường để ký biên bản, trong khi cụ Cát đang nằm liệt giường ở Bệnh viện 175. Hành vi ký văn bản công chứng của Công chứng viên Đoàn Thị Lý không chỉ vi phạm Luật Công chứng mà cũng còn có dấu hiệu giả mạo trong công tác.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng xác định việc tố cáo đối với lãnh đạo UBND huyện Từ Liêm vi phạm pháp luật liên quan đến việc cấp “sổ đỏ” cho ông Lê Văn Tuấn là đúng một phần.

Từ những kết luận này, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng ký trái pháp luật giữa ông Lê Văn Tuấn và vợ chồng cụ Trần Duy Cát và kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan. Đối với hành vi giả mạo trong công tác của Công chứng viên Đoàn Thị Lý và Phó Văn phòng Đăng ký đất đai thì chuyển cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.

Cuối cùng thì vụ việc vi phạm nghiêm trọng đã không bị “chìm xuồng” và những người làm sai cũng không thể “lọt lưới”. Song, vụ việc vi phạm có hệ thống này sẽ không được giải quyết dứt điểm nếu không xem xét trách nhiệm đối với các cán bộ toà án đã cố tình “biến” bản hợp đồng trái pháp luật thành hợp pháp. Hiện nay, ông Trần Quốc Quang vẫn tố cáo đích danh các thẩm phán cố tình xử sai vụ việc nhưng chưa được giải quyết. Khi Thanh tra Chính phủ đã làm rõ những sai phạm của cán bộ thì việc huỷ bỏ những bản án được ban hành để hợp thức hoá bản hợp đồng trái pháp luật là cần thiết để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm