Thanh tra kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý của Bộ KH&CN

(PLO) -Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấn chính về công tác quản lý đối với Bộ KH&CN, đồng thời yêu cầu xử lý gần 33 tỷ đồng sai phạm trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho dự án đầu tư về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa mà Bộ này thực hiện .  
Quyết định thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ được công bố từ ngày 12/4/2018,
Quyết định thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ được công bố từ ngày 12/4/2018,

Trước đó, thực hiện chương trình, kế hoạch thanh tra năm 2018 đã được Chính phủ phê duyệt, ngày 6/4/2018, Thanh tra Chính phủ có quyết định thanh tra công tác quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho dự án đầu tư, thực hiện pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa tại Bộ KH&CN trong giai đoạn 2013-2017.   

Theo Thanh tra Chính phủ, các dự án đầu tư của Bộ KH&CN được đầu tư trong giai đoạn này chủ yếu được lấy từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung (XDCB), nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn vốn khác. Theo đó, tổng kế hoạch vốn giai đoạn 2013-2017 được sử dụng cho các dự án đầu tư của Bộ KH&CN là hơn 2.189 tỷ đồng, tổng giá trị giải ngân đạt 2.119 tỷ.

Về xây dựng cơ bản, đáng chú ý, trong giai đoạn 2013-2017, Bộ KH&CN đã thẩm định phê duyệt 32 dự án đầu tư từ nguồn vốn XDCB  với tổng mức đầu tư lên tới hơn 4.600 tỷ đồng. Bộ này cũng thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu các gói thầu thuộc thẩm quyền quản lý với tổng giá trị hơn 1.300 tỷ đồng.

Ngoài những tích cực mà các dự án đầu tư mang lại, kết luận do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm ký vừa ban hành đánh giá: Trong quá trình sử dụng, quản lý kinh phí cho dự án đầu tư và việc thực hiện pháp luật về TCĐLCL giai đoạn 2013-2017, Bộ KH&CN, các chủ đầu tư và các tổ chức cá nhân tham gia thực hiện dự án vẫn còn có những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.

Đơn cử, tiến hành thanh tra 7 dự án đầu tư từ nguồn vốn XDCB tập trung và 6 dự án tăng cường trang thiết bị (TCTTB) với tổng mức đầu tư hơn 627 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai sót, vi phạm trong công tác quản lý dự án, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế dự toán, công tác giám sát công trình.  

Đánh chú ý, ở một số dự án chủ đầu tư chưa tính toán kỹ tính khả thi của dự án, thậm chí khi dự án chậm triển khai do thiếu vốn dẫn đến các yếu tố kỹ thuật không còn phù hợp, hoặc giá cả thị trường biến động buộc phải điều chỉnh dự án làm ảnh hưởng tiến độ, hiệu quả dư án (dự án NLNT tại Đà Nẵng); có dự án mua sắm quá tiêu chuẩn cho phép như vụ mua ô tô con 7 chỗ 2 cầu giá trị 1,4 tỷ đồng chưa đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định ở dự án Sâm Ngọc Linh.

Trong lựa chọn nhà thầu cũng có nhiều vi phạm như: kế hoạch đấu thầu được lập, phê duyệt có gói thầu nội dung thực hiện không có trong danh mục đầu tư và không phù hợp với khối lượng thiết kế được duyệt; Lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu chưa đúng quy định như chưa có hồ sơ yêu cầu, chưa thẩm định, chưa phê duyệt hồ sơ yêu cầu; Ở dự án PTN Mems/Nems, Gói thầu chuẩn đo lường lĩnh vực Lực, máy chuẩn hai chế độ đo lường 2008-2010 kết qả lựa chọn nhà thầu chưa được chủ đầu tư thực hiện việc công khai chỉ định thầu…

Kiểm tra 5 gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án đầu tư xây dựng với giá trị trúng thầu của 5 gói là hơn 93 tỷ đồng, Thanh tra phát hiện nhà thầu không đảm bảo nhân sự khi thi công, chỉ huy trưởng công trường không có chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát thi công xây dựng, chứng chỉ hành nghề an toàn lao động; Giảm trừ giá trị công trình khi nghiệm thu, thanh quyết toán số tiền hơn 224 tỷ đồng. Ở dự án Sâm Ngọc Linh, thậm chí chủ đầu tư không xem xét, phê duyệt theo quy định phần khối lượng bổ sung, phát sinh ngoài gói thầu…

“Trách nhiệm về các thiếu sót, vi phạm được phát hiện qua thanh tra trong việc quản lý, sử dụng kinh phí cho các dự án đầu tư cũng như thực hiện pháp luật về TCĐLCL thuộc lãnh đạo Bộ KH&CN được giao phụ trách, các đơn vị cá nhân thuộc Bộ KH&CN giai đoạn thời kỳ 2013-2017. Trách nhiệm về các thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện các dự án đầu tư nêu trên thuộc chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia thực hiện dự án”- Kết luận nêu.

Từ kết quả thanh tra, để chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cho dự án đầu tư và trong lĩnh vực TCĐLCL, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấn chính về công tác quản lý và xử lý vấn đề kinh phí.

Về tổng số tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm toán là hơn gần 33 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ yêu cầu xử lý số tiền hơn 6,3 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi giá trị thanh toán, quyết toán công trình, dự án là 5,6 tỷ đồng, xử lý khác là hơn 680 triệu;

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ KH&CN, chủ đầu tư các dự án được thanh tra chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm nghiêm túc, đề xuất xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan đến thiếu sót, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra. 

Vì sao không thanh tra Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc?

Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2013-2017, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra công tác quản lý tài chính niên độ 2013, Kiểm toán Nhà nước  tiến hành kiểm toán việc quản lý tài chính công, tài sản công các năm 2014 và 2016. Tại thời điểm thanh tra, kiểm toán Nhà nước đang tiến hành kiểm toán  về kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công , tài sản công năm 2017 của Ban Quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc nên Thanh tra Chính phủ không tiến hành thanh tra tại đơn vị này và các dự án đã được thanh tra, kiểm toán.       

Đọc thêm