Thanh tra trách nhiệm Chủ tịch huyện Đam Rông, kiến nghị thu hồi gần 2 tỷ đồng

(PLO) - Thanh tra tỉnh Lâm Đồng kiến nghị thu hồi số tiền sai phạm gần 2 tỷ đồng nộp về ngân sách sau quá trình thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện Đam Rông trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn huyện.
Đam Rông – huyện thuộc vùng khó khăn của tỉnh Lâm Đồng
Đam Rông – huyện thuộc vùng khó khăn của tỉnh Lâm Đồng

Thanh quyết toán không đúng quy định

Theo kết luận thanh tra, trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, các chủ đầu tư chậm thực hiện lập hồ sơ quyết toán hoàn thành đối với 62 công trình đã nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng từ 1 tháng đến 15 tháng theo quy định tại Thông tư số 09/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính.

Đối với 20 công trình, dự án được thanh tra thì việc khảo sát, lập, thẩm tra và phê duyệt thiết kế - dự toán ban đầu tại 10/19 công trình chưa chặt chẽ, dẫn đến quá trình thực hiện phải điều chỉnh tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt 3 công trình điều chỉnh tăng vốn đầu tư 8.253,13 triệu đồng, 7 công trình điều chỉnh giảm vốn đầu tư 2.121,54 triệu đồng. Ngoài ra, tại một số công trình còn phải xử lý kỹ thuật để điều chỉnh tăng, giảm một số hạng mục công trình để phù hợp với tình hình thực tế và quá trình sử dụng của các công trình.

Hơn thế, chất lượng công tác lập, thẩm định hồ sơ thiết kế - dự toán tại 13/20 công trình còn hạn chế, sai sót với dự toán tính sai khối lượng, sai định mức – đơn giá một số hạng mục công trình với giá trị 886,61 triệu đồng. Dự toán tính sai khối lượng, sai định mức – đơn giá làm tăng chi phí công trình, dẫn đến chủ đầu tư đàm phán, ký kết hợp đồng và thanh toán với nhà thầu không đúng giá trị thực tế của các công trình. Bên cạnh đó, 11/20 công trình thực hiện chậm tiến độ thi công từ 2 đến 15 tháng so với hợp đồng ban đầu đã ký kết.

Đáng chú ý, có đến 19/20 công trình được nghiệm thu, thanh quyết toán không đúng quy định, không đúng thực tế thi công với giá trị sai phạm 2.146,98 triệu đồng. Sau khi giảm trừ số tiền thuế GTGT đầu ra các đơn vị đã kê khai nộp ngân sách nhà nước, số tiền sai phạm phải thu hồi là 1.956,82 triệu đồng. Thanh tra còn phát hiện một số hạng mục tại 9 công trình cần phải sửa chữa, khắc phục để đảm bảo an toàn, quá trình sử dụng và hiệu quả đầu tư của các công trình.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Đam Rông chỉ đạo Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng có trách nhiệm thu hồi số tiền 1.875,86 triệu đồng; Phòng GD&ĐT có trách nhiệm thu hồi số tiền 80,96 triệu đồng của các đơn vị chờ xử lý do nghiệm thu, thanh quyết toán các công trình không đúng thực tế thi công…

Buông lỏng công tác quản lý

Bên cạnh những sai phạm về công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng còn chỉ ra hàng loạt sai phạm, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; việc thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trên địa bàn...

Đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông chưa xử lý hoặc chưa tham mưu xử lý đối với hành vi không lập phương án phòng cháy, chữa cháy rừng của 8 doanh nghiệp năm 2016 và 3 doanh nghiệp năm 2017 theo quy định. Diện tích trồng rừng trong 2 năm chưa đạt kế hoạch giao, đạt tỷ lệ 66,7%, trong đó hỗ trợ trồng rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ chỉ đạt tỷ lệ 47,3%.

Việc Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Sêrêpốk, BQL rừng phòng hộ Phi Liêng, Hạt Kiểm lâm lập, thẩm định trình UBND huyện Đam Rông phê duyệt phương án hỗ trợ trồng rừng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ trên diện tích đất chưa được giao khoán hoặc chưa được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các hộ dân là chưa phù hợp quy định của Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14/9/2016 của Chính phủ.

Kết luận thanh tra chỉ ra, diện tích giao khoán đất lâm nghiệp để trồng rừng theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP để bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp 70,35ha. Mặc dù UBND huyện Đam Rông đã chỉ đạo xử lý đối với các sai phạm tại BQL rừng phòng hộ Phi Liêng nhưng chưa chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với diện tích giao khoán để bị lấn chiếm sản xuất nông nghiệp tại BQL rừng phòng hộ Sêrêpốk. 

Bên cạnh đó, diện tích phá rừng phát hiện qua nghiệm thu giao khoán bảo vệ rừng theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trong 2 năm là 90,3ha, nhưng các đơn vị mới lập hồ sơ xử lý 148 vụ vi phạm, diện tích 57,94ha, khối lượng lâm sản 496,75m3; chưa lập hồ sơ xử lý 32,36ha phá rừng bị trừ giao khoán là chưa đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cũng kết luận Hạt Kiểm lâm huyện Đam Rông chưa phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, tham mưu xử lý kiên quyết đối với các vi phạm tại các dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn… Công tác tuần tra, phát hiện xử lý vi phạm trên diện tích rừng, đất lâm nghiệp cũng chưa kịp thời, không phát hiện đối tượng vi phạm 582/798 vụ; xử phạt vi phạm hành chính thấp, tổng số tiền các đối tượng chưa chấp hành nộp là 982,7/1.080,9 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 90,9% tổng số tiền xử phạt.

Bên cạnh đó, UBND huyện Đam Rông và UBND các xã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, nhưng không áp dụng hình phạt bổ sung tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm là không đúng quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản…

Theo đó, Thanh tra tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Đam Rông nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể lãnh đạo UBND huyện, cá nhân Chủ tịch, các Phó Chủ tịch; kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan đến các tồn tại, sai phạm qua thanh tra để kịp thời khắc phục các tồn tại,  thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao… 

Đọc thêm