Thanh Trì (Hà Nội): Bị tố vi phạm trong quản lý giáo dục, Hiệu trưởng lên tiếng

(PLO) - Vừa qua, Báo PLVN nhận được thông tin phản ánh về những biểu hiện tiêu cực trong việc thu chi, dạy thêm... của Trường THCS Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP.Hà Nội. Để kiểm chứng thông tin, phóng viên đã tìm gặp Hiệu trưởng Trường THCS Ngũ Hiệp để làm rõ vụ việc.
Thanh Trì (Hà Nội): Bị tố vi phạm trong quản lý giáo dục, Hiệu trưởng lên tiếng
“Lùm xùm” chuyện…tiêu cực
Theo nội dung đơn thư, năm học 2014-2015, Ban giám hiệu (BGH) sử dụng không đúng mục đích Phòng Truyền thống và phòng đồ dùng dạy học: Hai phòng chức năng này đã được tách làm ba phòng học để đủ số lượng lớp học theo tiêu chí trường loại I và nhằm mục đích bổ nhiệm thêm một phó hiệu trưởng, trong khi số lượng học sinh không tăng so với năm học trước. Việc làm này đã gây khó khăn cho giáo viên trong giảng dạy, làm ảnh hưởng đến học tập của học sinh vì phòng học nhỏ, chật hẹp. Cũng từ đây, trường không còn đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia vì thiếu Phòng Truyền thống và phòng đồ dùng dạy học...
Ngoài ra, BGH còn tiếp tục mở thêm hai lớp 6 chất lượng cao; thu tiền ôn tập văn hóa nâng cao 150.000 đồng/học sinh; Hiệu trưởng nhận học sinh trái tuyến bằng cách chạy sổ tạm trú cấp tốc cho một số trường hợp; việc thu chi tiền học 2 buổi/ngày không đúng theo nội dung Công văn của Sở GD&ĐT Hà Nội (70% cho công tác giảng dạy trực tiếp và 30% cho công tác của BGH, nhân viên phục vụ, cơ sở vật chất nhưng nhà trường lại chia theo tỉ lệ 60-40)…
Trong lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ, bà Đỗ Thị Di (Hiệu trưởng) không phân công các giáo viên theo đúng chuyên môn như: giáo viên thi công chức môn sử lại phân công dạy văn; giáo viên môn công nghệ tin học lại phân công dạy toán… và hầu hết các giáo viên này đều chưa thi chuyển ngạch.
 Tháng 3/2015, khi lấy phiếu tín nhiệm để bổ sung phó hiệu trưởng, mặc dù sau cả hai vòng bỏ phiếu tại chỗ thì cán bộ nguồn không đạt 50% số phiếu tín nhiệm nhưng vừa qua lại có chủ trương sẽ tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm và bổ nhiệm bằng được người này.
Tất cả đều làm theo đúng …“quy định”
Trao đổi với phóng viên Báo PLVN về nội dung đơn thư trên, bà Đỗ Thị Di cho biết: “ Dân số trên địa bàn xã Ngũ Hiệp tăng cơ học qua từng năm nên số học sinh năm học sau đông hơn năm trước (phát sinh tương đương một lớp học). Tổng số lớp trong từng năm học đã được Phòng GD&ĐT và UBND huyện phê duyệt nên nhà trường đã sắp xếp lại một số phòng để phù hợp với thực tế và đáp ứng tốt nhất cho công tác dạy và học. Không hề có chuyện nhà trường làm mất hai phòng chức năng cũng như chia hai phòng trên thành ba phòng học nhỏ gây khó khăn cho việc dạy và học”.
Do số học sinh tăng từ 1.090 lên 1.140 em nên tổng số lớp học từ 26 lớp tăng lên 28 lớp. Nhà trường đã cho chuyển Phòng Truyền thống và phòng đồ dùng dạy học từ tầng 1 (nhà hiệu bộ) lên tầng 4. Tuy nhiên, diện tích Phòng Truyền thống có nhỏ hơn ban đầu và nhà trường chia nhỏ các phòng đồ dùng dạy học theo từng phân môn để giáo viên dễ dàng tìm kiếm (thay vì để chung như trước đây).
Phủ nhận việc tiếp nhận học sinh trái tuyến, chạy sổ tạm trú cấp tốc, bà Di cho biết, tại biên bản kiểm tra tuyển sinh, cơ sở vật chất năm học 2015-2016 (10/8/2015), Đoàn kiểm tra của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã kết luận: “Công tác tuyển sinh đảm bảo theo đúng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn”.
Về việc mở hai lớp chất lượng cao và thu 150.000 đồng/học sinh, bà Di lý giải, khoản thu trên là tiền xã hội hóa giáo dục đã được Ban phụ huynh nhất trí và đã được thu từ năm học 2003-2004. Số tiền này dùng để thuê chuyên gia từ Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội về dạy. 
“Đến ngày 20/8/2015, kinh phí của hè 2015 nhà trường vẫn chưa chi bất kỳ khoản nào. Vì vậy, thông tin nhà trường thu, chi mập mờ hay chi theo tỉ lệ 70/30 là không đúng sự thật”- bà Di nói.
Được biết, hai lớp chất lượng cao trước đây là do Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đặt tại trường từ năm 2003-2004. Sau khi Trường chất lượng cao Chu Văn An được xây dựng xong, hai lớp này đã được chuyển về trường đó và từ năm học 2014-2015, nhà trường vẫn duy trì hai lớp chất lượng cao để xây dựng thành lớp mũi nhọn của trường.
Về việc phân công giáo viên, bà Di cho biết: “Bất kỳ trường THCS nào trên địa bàn huyện Thanh Trì đều có giáo viên dạy chéo môn. Việc phân công chéo môn như thế là do giáo viên có bằng phân môn ghép nên nhà trường phân công cho phù hợp với bằng cấp và năng lực chuyên môn”.
Riêng về việc bổ nhiệm phó hiệu trưởng, bà Di cho hay tháng 3/2015, UBND huyện về lấy phiếu tín nhiệm hai đồng chí trong nguồn nhưng cả hai đồng chí đều không trúng. Mới đây, UBND huyện yêu cầu nhà trường làm tờ trình kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng tiêu chí trường chuẩn quốc gia. Cho đến nay, UBND huyện chưa có quyết định bổ nhiệm thêm phó hiệu trưởng.

Đọc thêm