​Thu hồi đất tại Thanh Trì (Hà Nội): Quyền lợi của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng?

(PLO) - Việc đền bù, bồi thường chưa thỏa đáng của UBND huyện Thanh Trì ở Dự án làm đường trục chính xã Tam Hiệp đang khiến gia đình bà Nguyễn Thị Thật (trú tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) với 17 nhân khẩu đối diện với vô vàn khó khăn về chỗ ở sau khi bị thu hồi đất…
Bà Thật mong TP Hà Nội xem xét khó khăn gia đình bà đang gặp phải sau khi Nhà nước thu hồi đất
Bà Thật mong TP Hà Nội xem xét khó khăn gia đình bà đang gặp phải sau khi Nhà nước thu hồi đất

Khó khăn về chỗ ở 

Đơn kêu cứu gửi Báo PLVN, bà Thật cho biết, 5 hộ gia đình bà (gồm bà Thật và các con) là chủ sử dụng nhà, đất trên diện tích 389m2 đất thuộc đội 3, thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì có nguồn gốc sử dụng từ năm 1975. 

Theo hồ sơ quản lý đất đai tại địa phương, gia đình bà Thật đã xây dựng nhà để ở, sử dụng ổn định không tranh chấp được thể hiện trong hồ sơ địa chính lập theo Chỉ thị 299/TTg năm 1992 thuộc thửa đất số 241, tờ bản đồ số 05. Hàng năm, gia đình bà thực hiện nghĩa vụ đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước theo quy định. 

Năm 2003, bà Thật chia quyền sử dụng đất cho các con thành 5 thửa theo bản đồ chia tách và hiện trạng sử dụng riêng biệt của từng hộ và đã được nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp xác nhận. Cũng từ thời điểm chia tách, gia đình các con bà tiến hành xây dựng nhà để ở riêng biệt và thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật, đồng thời được chứng thực 5 sổ hộ khẩu từ năm 1993 của từng hộ. 

Khi Nhà nước thực hiện Dự án đường trục chính xã Tam Hiệp, ngày 29/06/2016, UBND huyện Thanh Trì ban hành Quyết định số 4601/QĐ-UBND thu hồi 205m2 đất đối với hộ gia đình bà Thật. Cùng ngày, UBND huyện Thanh Trì cũng ban hành Quyết định phê duyệt phương án bồi thường số 4605/QĐ-UBND đối với diện tích đất bị thu hồi. 

Tuy nhiên, UBND huyện Thanh Trì chỉ thu hồi và phê duyệt phương án bồi thường cho hộ bà Thật, 4 hộ gia đình các con bà lại không được chính quyền công nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất bị thu hồi. 

Cho rằng quyết định thu hồi đất không đúng và đủ đối tượng bị thu hồi đất, cũng như phương án bồi thường hỗ trợ mua đất tái định cư… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình, do đó bà Thật có đơn kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng. “Nếu theo các quyết định của UBND huyện Thanh Trì, sau khi thu hồi đất, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn về chỗ ở…”, bà Thật cho biết.

Theo đó, hộ bà Nguyễn Thị Kiều Anh có 4 nhân khẩu, diện tích còn lại 29m2 méo mó không đủ điều kiện để ở theo quy định; hộ bà Hà Thị Thái Anh chỉ còn căn phòng 15m2, trong khi gia đình có 05 nhân khẩu, thuộc hộ nghèo và người con trai cả bị tàn tật và mắc bệnh hiểm nghèo.

Mong thành phố xem xét 

Tìm hiểu được biết, trước khó khăn về chỗ ở của gia đình bà Thật, ngày 27/09/2016, UBND huyện Thanh Trì có Văn bản số 1246/UBND –GPMB xin ý kiến chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án xây dựng trục đường chính xã Tam Hiệp.

Ngày 30/11/2016, Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội có Văn bản số 898/BCĐ-NV3 về việc giải quyết vướng mắc trong thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và đề nghị UBND huyện Thanh Trì kiểm tra rà soát lại việc chia tách đất và việc hình thành tài sản trên đất làm căn cứ phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, các nghị định hướng dẫn của Chính phủ và quyết định của UBND TP, đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất. 

Trao đổi với phóng viên, bà Thật cho hay: Từ khi Ban bồi thường huyện Thanh Trì yêu cầu cung cấp hồ sơ tách hộ gia đình, chúng tôi đã nộp đầy đủ 5 sổ hộ khẩu và bản chia tách đất ra đối chiếu. Tuy nhiên, vì bản chia tách chỉ có xác nhận của Chủ tịch UBND xã mà không có dấu nên Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Thanh Trì cho rằng bản chia tách không hợp pháp nên không giải quyết. 

Theo khoản 2 Điều 6 nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 quy định: Hộ gia đình có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng sống chung một thửa đất ở bị thu hồi, nếu đủ điều kiện được tách thành từng hộ gia đình riêng theo Luật Cư trú hoặc có chung quyền sử dụng 1 thửa đất ở bị thu hồi thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình. Luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, áp dụng khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai 2013, đối với giấy phân chia đất năm 2003, kể cả trường hợp không có xác nhận của UBND xã cũng vẫn phù hợp với điều khoản này. 

Do vậy, UBND huyện Thanh Trì phải thu hồi đất và lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho từng hộ gia đình đang sử dụng đất theo hiện trạng và giấy tờ họ có. “Việc thu hồi tổng thể và phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư cho bà Thật trên toàn bộ diện tích đất bị thu hồi của các hộ đang sử dụng là trái với quy định tại khoản 2 Điều 100 Luật Đất đai 2013”, Luật sư Lợi khẳng định.  

Đơn gửi Báo PLVN, gia đình bà Thật mong TP Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, xem xét thực tế quá trình sử dụng đất và việc chia tách đất của gia đình bà. Bởi việc hình thành tài sản trên đất thực tế đều đúng với bản chia tách đất ngày 15/10/2003 và trên thực tế 5 hộ có 5 biên bản kiểm đếm công trình là 5 ngôi nhà xây dựng từ năm 2003, có khuôn viên riêng biệt, sinh sống độc lập ổn định không tranh chấp. “Gia đình tôi gồm 5 hộ và có hộ khẩu riêng biệt với 3 thế hệ cùng 17 nhân khẩu. Vì vậy, tôi mong muốn thành phố sớm xem xét để đảm bảo quyền lợi cho gia đình tôi”, bà Thật mong mỏi. 

Đọc thêm